Những quả bom chờ phát nổ

Trên diễn đàn của một trang web, một thành viên đã viết: “Giá như tờ giấy kết hôn kia không phải ký chung thân mà chỉ ký có thời hạn, sau khi hết hạn nếu thấy ok lại… ký tiếp”. Đó tuy chỉ là một chữ “giá như” không có thực (mà ở đó chỉ có hai người dưng khác họ đã quá mệt mỏi vì nhau chứ không tính đến các mối quan hệ ràng buộc khác như con cái, gia đình nội ngoại…) nhưng cũng đủ làm cho người ta phải giật mình vì cái sự căng thẳng của cuộc sống gia đình.

Chuyện của một cặp vợ chồng dưới đây có lẽ ít nhiều cũng là chuyện của mỗi nhà. Chuyện chẳng có gì quá ghê gớm bởi hành trình kiếm tìm và gìn giữ hạnh phúc chưa bao giờ là con đường bằng phẳng mà gồ ghề, khúc khuỷu, thậm chí luôn có những quả bom đủ kích cỡ to nhỏ cài săîn chế độ hẹn giờ chỉ chờ phát nổ. Và người về đích là người hoặc biết thích nghi hoặc biết tháo gỡ những quả bom ấy mà không để lại thương tích.

Vợ (33 tuổi)

Cách đây hơn 10 năm, ngày valentine, ngày 8/3, ngày sinh nhật, ngày quen nhau, ngày tỏ tình v.v… và vv… năm nào nàng cũng ngây ngất vì những món quà độc nhất vô nhị. Một dàn violon da diết dưới hiên nhà nàng do chàng cất công mời về. Một thảm hoa hồng đỏ. Một đêm sinh nhật ngoài biển chỉ có hai người với nến lung linh trên cát…

Và nàng ôm khư khư những hình ảnh lãng mạn như trong phim Hàn ấy trong hành trang của mình trên một chuyến đò sang ngang. Qua đến bờ bên kia, mỗi ngày nàng lại vỡ mộng một chút, mà đau nhất là chuyến đò năm xưa lại không có vé khứ hồi.

Và chân dung vợ (dùng từ “nàng” vào thời điểm này e không còn lãng mạn) giờ thế này: đầu bù tóc rối, cả ngày tất bật vì công việc, chồng con (dùng từ “chàng” nghe chừng càng lố hơn), những bữa cơm nguội tanh một mình, những ngày kỷ niệm không hoa, những đêm quờ tay thấy lưng chồng to như cánh phản, những cuộc cãi vả để cố làm cho nhau hiểu và không thể hiểu nhau, những nỗi cô đơn trong một thế giới riêng không người chia sẻ.

Vợ không thể quen nổi với những thay đổi chóng mặt (mà tại sao phải thay đổi nhỉ?) trước và sau hôn nhân. Đi giữa chỗ đông người, vợ thèm cái nắm tay ấm áp của chồng, chồng gắt: “Có phải trẻ con đâu…”. Rủ chồng đi xem phim, chồng bảo: “Già rồi, dở hơi à?”. Thi thoảng, vợ đánh quả liều, nhắn mấy cái tin tình củm nhằm hâm nóng tình yêu, chồng nhắn lại: “Đang bận lắm, tự nhiên dở chứng”…

Những lời động viên, hỏi thăm (trước kia, một ngày nhắn hàng chục cái tin chỉ để nhắc ăn cơm, uống thuốc) dần thành xa xỉ. Chồng thờ ơ với tất cả những công việc, suy nghĩ, băn khoăn của vợ.

Tất cả những công việc nội trợ với chồng chỉ là chuyện vặt. Chồng đi làm về nằm dài trên ghế, lấy chân khều rì-mốt, xem ti vi. Vợ hì hụi nấu cơm. Con khóc chí choé. Mặc! Chồng vẫn dán mắt vào 23 thằng mặc quần đùi chạy hùng hục trên màn hình, đợi vợ nấu xong thì lê cái thân xác ra ăn rồi nằm tiếp. Vợ dọn dẹp bát đũa, trong lúc đợi vợ pha trà, chồng… đọc báo. Nửa đêm, các con đã ngủ, vợ muốn có chồng bên cạnh để chuyện trò thì chồng dán mắt vào cái máy vi tính hoặc có đặt lưng xuống giường thì cũng lập tức kéo gỗ ầm ầm.

Đấy là một ngày trong tuần, năm ngày còn lại vợ chờ cơm đỏ mắt, chồng đi nhậu, đi chơi và coi chuyện về muộn, chuyện vợ chờ, con mong là tất-lẽ-dĩ-ngẫu. Thậm chí, sau khi gọi hết các cạ không được chồng mới chịu vác mặt về nhà.

Cũng biết nhiều khi chồng bận bịu, tham công tiếc việc, đành rằng chồng mang nhiều tiền về, nhưng cũng không mua được niềm vui cho vợ. Trước kia, cuộc sống không được sung túc lắm, nhưng vui như Tết, vợ chồng quấn quýt như sam. Từ khi gia đình giàu khá khẩm hơn, mặt vợ trông không khác gì tàu dưa héo.

Chồng ngày càng như người dưng ở cùng nhà, như hàng xóm ăn cùng mâm, nhạt nhẽo, thờ ơ, khô như ngói, khó như ma, già như quỷ…

Mỗi lần cô đơn, vợ lại lôi những kỷ niệm lãng mạn thuở nào ra gặm nhấm, chạnh lòng và ngậm ngùi. Cũng đôi lần vợ tranh đấu đòi được chia sẻ, quan tâm, hỏi han, âu yếm, nhưng chồng gạt phắt đi, coi là chuyện tầm phào, là không cần thiết, là nhiều chuyện… thậm chí thành cãi vả. Dần dần, vợ để bụng, buồn bã, mặt nặng mày nhẹ, và những quả bom lớn nhỏ hình thành, chỉ chờ ngày phát nổ.

Chồng (39 tuổi)

Vợ quan trọng chuyện hình thức quá. Thực ra, đôi khi ba cái chuyện lặt vặt trong nhà vợ cũng không bận lắm đâu, nhưng mà thích chồng đứng cạnh, nhặt rau và tám chuyện. Cả ngày làm căng thẳng, tối đặt lưng lên giường, vợ bắt đầu mở máy chuyện con cái, chuyện công việc, thậm chí cả mấy chuyện đàn bà, quay sang chồng đã ngủ là đương nhiên. Trước, thấy vợ rấm rứt khóc, còn vỗ về, xin xỏ. Dần dần, thấy lần này dỗ, lần sau khóc to hơn. Vậy là kệ, không dỗ ắt cũng nín từ lúc nào.

Còn chuyện quà cáp, hoa hoét thì: con có khóc mẹ mới… cho bú chứ! Vợ bỏ qua cho chồng phần… “lễ nghĩa” thì tốt biết bao. Vẫn biết, duy trì sự lãng mạn là cần thiết, nhưng cũng vừa phải thôi. Vợ muốn gì, cứ “chỉ giáo”. Biết vợ thích cái gì? Mua về toàn chê đấy thôi. Vợ chồng ở với nhau gần chục năm, không còn cái thời mười tám, đôi mươi nữa mà màu mè, hình thức.

Vợ có hiểu rằng chồng không phải là một cỗ máy hoàn hảo. Chồng không bồ bịch, gái gú, cả ngày chỉ cắm đầu làm việc, lấy đâu ra thời gian mà lê la cửa hàng tìm đồ độc mua tặng vợ như cái thời yêu đương còn rảnh rỗi.

Thêm nữa, vợ nói là chồng thờ ơ, không chia sẻ, nhưng chia sẻ thế nào khi mặt vợ lúc nào cũng sưng như cái lệnh, nói thì bóng gió xa xôi, dỗi bõ, thậm chí còn trút giận sang con. Thôi thôi, tốt nhất là không nói gì cho êm nhà.

Những quả bom hẹn giờ

Cứ như vậy, hai nhân vật chính như sống ở hai thế giới khác nhau. Ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, nhưng lại hoàn toàn xa cách cả về tâm hồn lẫn thể xác. Họ ngày càng không tìm được sự cảm thông và chia sẻ ở người bạn đời.

Rồi cũng đến lúc, người vợ bắt đầu tơ tưởng đến một chân trời mới, hy vọng một luồng gió mới cải thiện cuộc sống hiện tại, và đắm chìm trong một thế giới tưởng tượng: “Giá như mình sống với một người khác thì tốt hơn biết bao”. Ở nơi đó lại có vòng tay xiết chặt, ánh nhìn âu yếm và những thì thầm sẻ chia. Và như vậy, ngoại tình tư tưởng hay đến mức “Thôi đành nhắm mắt đưa chân. Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu”, thì cũng coi như “bom” đã nổ, mà đã nổ thì thương tích là điều không tránh khỏi.

Gỡ bom

Cũng có nhiều khi không phải là sự phản bội hay một biến cố gì to tát mới có khả năng làm bật rễ cái cây hạnh phúc, mà những cơn gió nhỏ cũng biết tích tụ thành bão đốn gục cái cây mà từ lâu đã không được tưới tắm.

 Năm ngoái, một nhóm hoạt động vì đàn ông đã lên tiếng kêu gọi Hiệp hội Các ông chồng tha thiết Nhật Bản (JAHA) lấy ngày 31.1 hằng năm làm “ngày yêu vợ”, ngày các ông chồng trở về nhà sớm “bất thường” vào 20 giờ tối (thay vì đi uống rượu, nghe hát hoặc đàn đúm bạn bè…), nhìn vào mắt vợ và nói một câu rất đơn giản: “Cảm ơn em”. Đây là sự thay đổi lớn trong thế hệ đàn ông Nhật Bản vốn đã quen với cách sống coi công sở là số một, còn vợ thì… hãy đợi đấy!
(Theo: www.laodong.com.vn)

Chồng quan niệm việc đem lại cho gia đình một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất là yếu tố quan trọng mang lại hạnh phúc. Còn vợ lại coi lãng mạn là yếu tố cần hơn. Thực ra, hai quan điểm về giá trị hạnh phúc gia đình của họ đều không sai. Tuy nhiên, họ lại không chịu cùng làm phép cộng rồi chia đôi.

Chồng bớt chút thời gian, dù thật ít ỏi dành cho vợ cũng đủ làm người vợ hạnh phúc tột cùng, vì thực ra với các bà vợ, sự chia sẻ đơn giản lắm, đôi khi chỉ là lời âu yếm (chẳng mất tiền mua), là sự động viên, khích lệ. Vợ thì gắng thích nghi, cảm thông với công việc của chồng, hoặc nếu không vừa ý thì đối thoại thẳng thắn và cởi mở với chồng về những nỗi lòng của mình, về tình trạng gia đình, đừng vì thái độ thờ ơ của chồng mà tự ái, nản lòng, đè nén những khát khao và chấp nhận một cuộc sống hạnh phúc giả tạo.

Cái vỏ bọc dù làm bằng nhung gấm cũng có ngày rách, và những quả bom tích tụ dù to hay nhỏ cũng có ngày phát nổ. Mọi bất hòa, xung đột… đều phải được làm rõ, tránh tình trạng mỗi người cứ âm thầm trách cứ, âm thầm theo đuổi một ước mơ, kỳ vọng về người bạn đời, kết cục là khi thất vọng, hai vợ chồng ngày càng xa cách nhau hơn.

Học cách đánh giá đúng về những nhu cầu và mong muốn của người bạn đời và tìm ra phương pháp tối ưu, giúp hòa hợp là một nghệ thuật. Và cách tốt nhất để không phải gỡ bom là đừng tạo nên bất cứ quả bom nào trong tổ ấm của mình.

 

 Hồng Vân
Phòng giao tế, bệnh viện An Sinh, Tp. HCM

Vợ chồng sống lâu dài với nhau đúng là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng biết cách ứng xử sao cho đúng, hay. Có nhiều điều nhỏ lắm nhưng quả là không biết làm sao để nói với chồng.

Có nhiều cái thấy đơn giản mà thực ra không đơn giản chút nào. Chẳng hạn, ngày 14/2, anh ấy thậm chí còn không hề có một lời nhắn nhủ yêu thương nào. Ngày 8/3 cũng vậy, giỏi lắm chỉ là một vài câu tán gẫu không đầu đuôi. Nhiều khi bực lắm. Mà nếu nói thẳng với chồng thì không còn chút lãng mạn nào cả. Chẳng lẽ mình nói: “Sao anh không tặng hoa, tặng quà cho em”. Một khi đã nói rồi thì cành hoa, món quà đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Đó chỉ là một trong vô vàn những chuyện bực mình mà tôi phải chấp nhận khi sống trong gia đình. Dĩ nhiên, chồng cũng sẽ có nhiều chuyện bực mình ngược lại. Nhưng theo tôi, người đàn bà có nhiều bức xúc hơn vì đàn ông thường vô tâm, hời hợt. Thật khó chịu khi mà những dằn vặt cứ phải nén trong lòng chỉ vì muốn nhà cửa êm thấm.

Tôi biết, nếu mỗi cá nhân đều ích kỷ thì dẫn đến hậu quả không hay là điều tất yếu, nhất là ở cuộc sống vợ chồng. Đó là sự phấn đấu, chia sẻ, cống hiến không ngừng của người này dành cho người khác. Thiếu một trong những điều ấy thì sự bùng nổ sau nhiều năm tích tụ là dĩ nhiên.

Trên thực tế, tôi cũng đã từng làm nổ nhiều quả bom và có vẻ phần thiệt thòi luôn thuộc về mình. Cuối cùng hậu quả mình gánh chứ không phải là người đàn ông. Nếu có điều kiện khuyên nhủ, tôi nghĩ là phụ nữ, tốt nhất đừng nên để tâm quá, kỳ vọng quá vào người đàn ông. Hãy cố gắng tìm những đức tính của họ, và cảm hóa bằng tình yêu, sự dịu dàng của mình.

Thanh Nhâm
Nhân viên kinh doanh

Nói đi cũng phải suy lại. Nhà nào có bom chờ nổ thì cũng có kíp nổ. Là đàn ông, tôi ít khi để ý đến những tiểu tiết.

Chẳng hạn, vợ tôi muốn gì thì cô ấy phải nói ra, hoặc là tôi sẽ tự động làm nghĩa vụ của mình trong chừng mực có thể. Thứ bảy, chủ nhật ngày lễ là đi mua sắm, đi siêu thị cùng vợ. Ngày 8/3 có quà tặng vợ, một món quà tượng trưng. Còn vợ thích gì nữa thì sẽ sẵn sàng làm cho cô ấy vui. Phụ nữ vốn phức tạp và luôn thích làm cho mọi thứ rối tinh rối mù hơn để cho cuộc sống muôn màu muôn sắc.

Đàn ông, nhiệm vụ chính là cáng đáng gia đình, chăm lo tài chính và làm những việc nặng (với tôi, lau nhà, dọn nhà, sửa bóng đèn đã là việc nặng rồi). Bao nhiêu đó việc là đủ căng thẳng lắm rồi. Cái họ cần mỗi khi bước chân về nhà là nụ cười xinh tươi của người vợ hiền, một mâm cơm ngon và những lời động viên dịu dàng. Chứ mặt nặng mày nhẹ, cơm nước lạnh tanh thì dù bản thân có lỗi tôi cũng vẫn bực mình.

Thực tế mình cũng chẳng hiểu mình đã phạm phải lỗi gì. Quên hôn vợ buổi sáng trước khi đi làm hay quên gọi điện thoại hỏi vợ đã dùng cơm trưa chưa. Tôi nghĩ, đã là vợ chồng với nhau thì đừng nên để bụng nhiều chuyện quá. Biết là có những việc tế nhị không dễ gì bày tỏ. Thì có email, Internet đó, viết đi sẽ dễ dàng hơn. “Nhân vô thập toàn”, làm gì có ai sinh ra đã hoàn thiện, cần phải nhờ đến người xung quanh cố vấn, góp ý mới ngày một tốt hơn lên.

Bom nào cũng có cách gỡ mà. Nếu vợ bị bực mình, thì chắc phần lớn lỗi lầm là của chồng rồi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, biết như vậy thì chắc chẳng nhà nào còn bom nổ chậm hết. Cũng may, tôi có người vợ rất phóng khoáng, chắc chắn không thuộc tuýp người để bụng rồi chờ cơ hội bùng nổ đâu. Vì bản thân tôi, tôi thấy mình thực hiện trách nhiệm đàn ông nghiêm túc lắm, đâu ra đó.

Phương Ngọc
Nội trợ
Nhìn chung, nhà nào cũng có vấn đề hết. Ông bà mình nói: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Ai cũng phải tạo vỏ bọc hạnh phúc cho mình, vì dù sao, kiểu sống người châu Á của mình là xấu che, tốt khoe.

Thế nên, lâu ngày, những bực bội đằng sau hạnh phúc dễ bị tích tụ, như những hòn than âm ỉ, rồi bùng cháy thành ngọn lửa lớn lúc nào không biết.

Nên biết dung hòa để những quả bom đó từ từ được gỡ ra nhẹ nhàng, êm thấm. Tôi nghĩ, vai trò người phụ nữ trong gia đình rất lớn. Nếu khéo léo, sẽ không gặp những chuyện bực mình. Riêng bản thân tôi, tôi không chịu được quả bom âm ỉ nào, vì tính tôi bộc trực thẳng thắn, có gì không hài lòng sẽ bàn luận thẳng với chồng, để anh ấy nếu phản kháng thì cũng phản kháng ngay. Cùng nói chuyện thì kết quả mới khả quan được.


From the same category