Những phép thử của chị

1. Chị dặn lòng mình đừng nhấc máy, cố gắng đợi thêm một chút nữa thôi, chỉ để thực hiện một phép thử đã muốn từ lâu: Rằng nếu không gọi, anh có về sớm hơn không?

Chị không muốn mình cứ phải như cái loa phóng thanh được lập trình sẵn chế độ cứ ba mươi phút lại ngân lên giai điệu: “Anh về đi. Anh uống chừng ấy đủ rồi!”. Dẫu mềm mỏng có, căng thẳng có thì cái loa phóng thanh cũng chỉ nhận lại được một câu trả lời giống nhau cho tất cả các cuộc gọi: “10 phút nữa anh về nhé!”. Mười phút của anh có khi là hai tiếng và có khi là ba, bốn tiếng. Luôn là vậy.

10h30 đêm, anh vẫn chưa về. 

Chị tủi thân muốn phát khóc, chị thấy mình chẳng có ý nghĩa gì với người ta. Hay nói đúng hơn là, một chút cho người ta trăn trở cũng không có. Chị không là cái gai có thể đâm nhói mông khiến người ta nôn nóng muốn trở về nhà. Chị chỉ là một hạt cát, có cũng được, phủi đi cũng xong. Chị buồn.

Anh đã về muộn bốn tiếng, tính đến lúc này.

Hơn mười một giờ đêm, anh cốc cốc vào cửa, khẽ gọi: “Vợ ơi!”. Có vẻ như anh biết ý, sợ đánh thức con dậy. Chị quệt ngang nước mắt tủi hờn, khoác thêm chiếc áo rồi tìm đường ra mở cửa cho anh. Chồng chị đứng đó, cười hì hì, chìa bó hoa hồng đỏ đầy nụ chúm chím ra trước mắt vợ: “Anh đi về qua đường Nguyễn Trãi, nửa đêm mà thấy đường còn nhiều hoa quá, cũng lại rẻ nữa nên anh mua về tặng vợ. Anh mệt rồi, anh vào đi ngủ đây!”.

Bên trong lòng chị, có con sóng đang cuộn trào vì hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi, chị mới được tặng hoa, nhưng vì vẫn còn giận anh, nên chị chỉ vờ vô tư nhận lấy bó hoa, rồi khóa cửa lại. 

Có phải là, khi chị thực hiện phép thử của mình, không gọi điện làm phiền anh liên hồi trong cuộc nhậu, thì anh cũng biết ý đáp lại tấm thịnh tình này bằng một điều lãng mạn như thế?

2. Chị tự thấy mình là “siêu nhân” khi vừa bận rộn với việc ở công ty, vừa hoàn thành tốt việc bếp núc, vừa phục vụ chồng con chu đáo mà vẫn có thể tranh thủ giờ buổi đêm để nhận việc về làm thêm. Nhiều khi chị thấy ghen với cái sự chỉ biết “cống hiến cho việc nước” mà không bao giờ biết quan tâm đến vợ, con của anh. Nên hôm nay, chị ốm!

Anh thấy lạ, khi hơn hai năm qua chưa lúc nào thấy vợ mình nằm lười trên giường một giờ đồng hồ. Vậy mà mới tờ mờ sáng, chị đã lay anh dậy và thỏ thẻ: “Em mệt quá, đau đầu, rát họng, toàn thân uể oải và chắc sẽ không thể nhấc người dậy được đâu. Em sẽ xin nghỉ làm hôm nay. Những việc còn lại trong nhà, anh giúp em nhé! Anh cố gắng nhé!”.

Câu nói của chị, lạ thay, lại khiến anh bỗng dưng thấy lòng mình lâng lâng. Anh nói từng câu gãy gọn: “Em cứ yên tâm nằm nghỉ đi. Hôm nay mọi việc cứ để bố con anh lo!” Xong đâu đấy, anh dắt cu Tí mới 3 tuổi xuống dưới nhà mua thuốc cho chị vì sợ con ở nhà lại làm chị mệt hơn. Về nhà, anh nấu một nồi cháo hành, múc riêng một bát đặt đầu giường cho chị, bảo chị gắng dậy ăn. Hai bố con cũng nhân dịp này cũng ăn cháo luôn cho tiện.

Cả ngày hôm đấy, chị ở nhà, dạo quanh các nhà hàng xóm, thư thả ngồi nói chuyện với các cụ, chơi đùa với mấy đứa trẻ con trong khi đợi hai bố con đi làm, đi học về. Chị chậm rãi tận hưởng cuộc sống mà bao lâu nay chị đã bỏ quên mất khi chỉ luôn cố gắng vồn vã ngược xuôi. 

Anh đón cu Tí về nhà, để cu Tí chơi cùng với mẹ, rồi lại sà vào bếp chuẩn bị bữa tối. Những món anh nấu, tuy chỉ là những món giản đơn nhưng sao chị thấy đậm đà đến lạ. Mà hình như, là do có cả những giọt nước mắt hạnh phúc của chị trong đó nữa.

3. Chuông cửa reo. Anh Hoàng, trưởng phòng của chồng chị đi ngang qua ghé vào nhà chơi. Chị pha ấm nước trà nóng để tiếp khách của chồng, cũng là bậc tiền bối từ thời đại học trong khi đợi chồng về. Qua vài câu chuyện xã giao, anh Hoàng cười cười hỏi chị: “Kiên có kể cho em nghe chuyện hôm trước, anh em ngồi nhậu với nhau còn thách đố là nếu hôm nay vợ Kiên không gọi giục chồng về liên tục như mọi lần thì sẽ để hắn ta thắng cuộc và thoát chầu nhậu. Còn trong trường hợp ngược lại, thì hắn ta sẽ thua cuộc và phải đãi cả nhóm bữa hôm đó không?”. Chị tròn xoe mắt vì bất ngờ, nhưng cũng nhanh chóng định thần lại để hóm hỉnh trả lời: “May cho vợ chồng nhà em quá, hôm đấy điện thoại em lại vừa bị rơi ạ!” rồi cười cho qua.

Vừa lúc ấy, anh về. Chị xin phép đi ra ngoài mua một vài món đồ, nhưng thực chất là để hai người có thể nói chuyện thoải mái hơn và chị cũng muốn hóng gió một chút.

Câu chuyện với anh Hoàng cứ vẩn vơ trong đầu chị. Chị nhớ lại phép thử hôm nào. Chị thấy mình đã sai khi luôn kìm cặp anh bằng những cuộc điện thoại thật phiền nhiễu. Anh thi thoảng mới vui bạn vui bè một lần, mà nếu chị có gọi nhiều thì anh cũng không về sớm, lại còn khiến chồng mang tiếng sợ vợ, vợ mang tiếng hay quản thúc chồng, nghĩa là bất lợi đủ đường. Chắc là, từ nay, chị sẽ để anh thoải mái một chút, hãnh diện một chút trước bạn bè và chỉ gọi anh khi cần thiết thôi.

Chị lại nhớ sang lần mình giả vờ ốm. Có vẻ như anh vẫn thương chị rất nhiều và vẫn có thể làm tốt mọi việc nếu như chị cho anh cơ hội. Bao lâu qua, chị thấy anh quá hờ hững hay lười nhác cũng chỉ bởi chị luôn quá cứng cỏi và không hề thể hiện cho anh biết là mình muốn dựa vào anh như thế nào. Chị thấy mình nên yếu mềm một vài khi, để dịu dàng như một con mèo ngoan khiến anh muốn vỗ về, chở che. Những khi ấy, có lẽ anh sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào hơn vì được dịp thể hiện bản lĩnh đàn ông của mình.

Nghĩ khác đi, thi thoảng đổi vai cho nhau và đừng quá gồng mình lên khi sống bên cạnh người mình yêu thương là những bài học quý giá mà chị rút ra được trong những ngày tháng sống chậm này.

Chị lấy sức hít một hơi thật sâu rồi thở ra. Thêm một lần nữa, chị muốn thực hiện một phép thử mới, thử mở lòng mình ra với anh để có thể cảm nhận được ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống vợ chồng. 

Bài: Linh Rên
logo


Xem thêm: Lãng mạn thế nào đây?

Hãy gửi cho chúng tôi những tâm sự của bạn về chuyện gia đình, chăm sóc con cái tại đây, và đừng quên theo dõi những ý kiến chia sẻ của độc giả với bạn trên Đẹp Online nhé. 

From the same category