Những ô cửa, những người bạn - Tạp chí Đẹp

Những ô cửa, những người bạn

Sống


Khi tôi còn bé, chừng khoảng chín mười tuổi, một người anh họ tặng cho tôi cuốn “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” của tác giả Tetsuko Kuroyanagi, một món quà hiếm hoi vào thời đó. Sau này, tôi có điều kiện đọc rất nhiều cuốn sách khác, nhưng chưa bao giờ những ấn tượng về Totto-chan phai nhạt trong tôi.

Thậm chí tôi còn tin rằng, tính cách mình đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ cuốn sách về ý thức độc lập, tinh thần tự do và nhân ái thời thơ ấu ấy. Chính cuốn sách ấy đã hình thành trong tôi tình yêu đối với trẻ em, với động vật và nhân vật người thầy tuyệt vời đã trở thành thần tượng của tôi suốt thời thơ ấu.

Cũng như người thầy ấy, tôi muốn mang tới cho các em những gì có ý nghĩa và giúp các em hình thành nhân cách tốt đẹp. Công việc dịch sách cho các em của tôi khởi đầu từ mong muốn giản dị đó. Thật kỳ lạ, càng làm việc này, tôi càng thấy mình yêu mến thêm những tâm hồn trẻ thơ và cố gắng tìm hiểu về mong muốn của các em.

Bây giờ bước ra cửa hàng sách, các bậc phụ huynh tưởng chừng như lạc vào một vườn hoa với bạt ngàn những đầu sách dành cho các em. Nếu so lại với thời của chúng ta, thời của những người chỉ biết tới một vài nhân vật như Biết Tuốt và Mít Đặc, cậu bé người gỗ Buratino và muộn hơn một chút là Đôremon… các em bây giờ hạnh phúc hơn, có nhiều lựa chọn hơn.

Nhưng không như đồ chơi, chúng ta đều biết rằng bé trai thì thích siêu nhân và ô tô, bé gái thì thích búp bê, thì thật khó để biết được bây giờ nhân vật của các em là ai, đến từ cuốn sách nào, và tại sao các em lại thích chúng? Từ tư cách một người dịch sách mới bước vào nghề, tôi chỉ xin kể về một cuốn sách được nhiều người yêu thích ở Việt Nam “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của tác giả Luis Sepulveda.

Cuốn sách nhỏ xinh này kể lại câu chuyện về chú mèo mập ú có tên là Zorba đã hứa với một cô hải âu trước khi cô qua đời rằng sẽ không ăn quả trứng của cô, chăm sóc cho tới khi trứng nở và… dạy con hải âu con tập bay.

Lời hứa đó tưởng chừng là bất khả với con mèo, nhưng với sự giúp đỡ của cộng đồng mèo và một con người, cuối cùng Zorba đã thực hiện được. Tác phẩm này đã dẫn đầu danh sách sách bán chạy trong nhiều tuần tại Việt Nam và nhận được nhiều lời khen ngợi của báo chí. Một em bé tôi biết đã thích nhân vật Zorba trong cuốn sách tới nỗi đem cái tên đó đặt cho con mèo trong nhà.

Sau khi đọc cuốn sách, em cũng trở nên yêu mèo hơn, hứng thú hơn với những chương trình truyền hình về biển và động vật. Mèo Zorba đã trở thành một người bạn với các em như thế. Mỗi độc giả nhí có thể tự lựa chọn lấy một thần tượng, một người bạn cho mình, hàng ngàn cuốn sách trước mặt các em là hàng ngàn cánh cửa mở ra thế giới.

Và chính những người lớn cũng học được rất nhiều từ cuốn sách dành cho các em. Khi tôi dịch những dòng cuối cùng của cuốn sách “Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane” tôi đã rưng rưng nước mắt vì xúc động vào khoảnh khắc chú thỏ tìm lại được người yêu thương mình.

Tại sao một cuốn sách dành cho trẻ em lại có thể tác động tới một người đã trưởng thành là tôi tới thế? Bởi lẽ tác phẩm ấy nói về tình yêu, sự mất mát và cách để vượt qua và tiếp tục yêu thương. Chú thỏ bằng sứ trong đó đã trải qua một hành trình mà tác giả gọi là “đi lạc” để học được tất cả những điều đó và cuối cùng đã tìm được đường về nhà.

Với người lớn chúng ta, mấy ai không phải trải qua những giây phút “đi lạc” như thế? Khi dịch cuốn sách này, tôi đã hình dung tới các em, những đứa trẻ còn được bao bọc và cưng chiều, các em liệu có hiểu hết được giá trị của việc được thương yêu và yêu thương người khác? Tôi tin rằng những cuốn sách ấy sẽ ở lại trong trí nhớ của các em, để các em có thêm tình yêu, niềm tin trong cuộc sống.

Và quan trọng hơn cả, các em được tiếp xúc tới tất cả bài học đó một cách thấm thía và “mềm mại”, vừa đủ biến cố để các em hiểu về bản chất cuộc sống, vừa đủ ngọt ngào để các em hi vọng. Chẳng phải cuốn sách nào dành cho người lớn chúng ta cũng có được những điều ấy.

Đôi khi tôi thấy đáng tiếc vì văn học trong nước gần như vẫn “để quên” các em. Hơn chục năm gần đây, trừ một vài cái tên như Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta gần như vẫn chưa có gì cho các em đọc.

Tôi vẫn mong, một ngày nào đó nghề dịch sách cho các em của chúng tôi bị cạnh tranh bởi các nhà văn Việt Nam. Nhưng trong khi đó, chúng tôi vẫn tiếp tục mang tới cho các em những cánh cửa mới, để từ đó các em tự viết lấy cuốn sách cuộc đời mình.

Dịch giả trẻ: Phương Huyên
Hình ảnh: Đại K.

Thực hiện: depweb

13/04/2010, 16:22