Những nữ chiến binh Olympic Paris 2024: “Mục tiêu duy nhất là chiến thắng”

Các nữ vận động viên hướng tới Thế vận hội Paris năm nay là những tài năng hiếm có cùng nhiều câu chuyện truyền cảm hứng riêng. Trước thềm Olympic mùa hè sắp diễn ra, hãy cùng gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của những “nữ chiến binh” triển vọng đến từ khắp nơi trên thế giới.

Katarina Johnson-Thompson (Bảy môn phối hợp) – Vương quốc Anh

Tại Thế vận hội mùa hè 2012 London, vận động viên bảy môn phối hợp người Anh – Katarina Johnson-Thompson, khi đó mới 19 tuổi, đã khẳng định vị thế “ngôi sao trẻ đáng chú ý” khi “cán đích” ở vị trí số 14. Sau 12 năm, cô gái đến từ thành phố cảng xinh đẹp Liverpool đã vươn lên vị trí số một ở nhiều cuộc thi đẳng cấp, vượt qua những chấn thương từng đe dọa sự nghiệp cùng những lời xỉa xói để giành hai chức vô địch ở Giải vô địch điền kinh thế giới (World Athletics Championships). Suốt hành trình ấy, KJT – biệt danh mà người hâm mộ dành cho cô, đã luôn thi đấu hết mình, tiếp tục dẫn dắt một thế hệ vận động viên trẻ xem sự trung thực và dễ bị tổn thương là nguồn động lực, sức mạnh mới để “chiến đấu”. Tuy nhiên, cô chia sẻ là bản thân vẫn “còn có công việc dang dở” ở Paris, vì một tấm huy chương Olympic là tất cả những gì còn thiếu đối với cô bây giờ.

Shino Matsuda (Lướt sóng) – Nhật Bản

“Tôi bắt đầu lướt sóng vào khoảng 6 tuổi”, Shino Matsuda chia sẻ. “Lần thử đầu tiên, tôi đã đứng vững trên ván”. Và từ đó cô vẫn “thừa thắng xông lên”. 14 năm sau, Matsuda đến từ Chigasaki – thành phố ven biển cách Tokyo khoảng 30 dặm về phía Nam, đã giành quyền tham dự Thế vận hội Paris sau khi kết thúc Giải lướt sóng thế giới ISA 2023 tại El Salvador với điểm cao nhất trong số các vận động viên nữ châu Á. “Cô sẽ trông đợi điều gì nhất tại Thế vận hội đầu tiên của mình, nơi sẽ đưa cô cùng các đồng nghiệp đến hòn đảo xinh đẹp và xa xôi Tahiti?” Cô gái Nhật Bản đã trả lời với nụ cười: “Tất nhiên điều tuyệt vời nhất là được cưỡi những con sóng rồi”.

Sara Balzer (Đấu kiếm) – Pháp

Sara Balzer, sinh ra ở thành phố cổ kính Strasbourg, đã giành được huy chương bạc cho đội tuyển Pháp nội dung đồng đội tại Olympic Tokyo 2020. Bên cạnh đó, cô cũng sở hữu một loạt thành tích đáng nể cùng bộ sưu tập danh hiệu như huy chương vàng tại các Cúp thế giới 2024 ở Hy Lạp và Bỉ, huy chương bạc tại Giải vô địch Kiếm thuật thế giới 2023 ở Milan, huy chương bạc tại Giải vô địch châu Âu 2023 ở Plovdiv, Bulgaria… Nữ vận động viên 29 tuổi cùng đồng đội đều đang hướng về Thế vận hội được tổ chức tại chính quê nhà: “Tất cả chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều những năm qua để trở thành người giỏi nhất trong sự kiện đặc biệt này”. Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ những tips hữu ích mà cá nhân cô đã áp dụng thành công trước giờ thi đấu: nghe nhạc, lặp đi lặp lại những gì mình sẽ làm trong trận đấu và hoàn toàn bước vào trạng thái “chiến đấu”.

Sofia Raffaeli và Milena Baldassarri (Thể dục nhịp điệu) – Ý

Những vận động viên thể dục nhịp điệu từ đội tuyển Ý, Milena Baldassarri và Sofia Raffaeli, tự hào sở hữu một loạt kỷ lục lịch sử. Baldassarri, 22 tuổi, trở thành vận động viên thể dục nhịp điệu đầu tiên của Ý giành huy chương bạc cá nhân tại Giải vô địch thế giới (World Championships) vào năm 2018. Trong khi Raffaeli, 20 tuổi, đang nắm giữ 38 huy chương vàng tại các Giải vô địch thế giới và châu Âu, đồng thời cô cũng là người sáng tạo ra “Raffaeli”, một động tác mà cô đã thực hiện trong lần ra mắt Giải vô địch thế giới năm 2021. Bất chấp những áp lực nặng nề và tính kỷ luật khắt khe mà môn thể thao này đòi hỏi, cả hai được biết đến với tinh thần tương trợ lẫn nhau đáng quý cùng mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết, tốt đẹp.

Nikhat Zareen (Quyền Anh) – Ấn Độ

Hơn một thập kỷ đại diện cho Ấn Độ thi đấu quyền anh đã dạy Nikhat Zareen, 28 tuổi, cách né tránh những “đòn đánh” cả bên trong lẫn bên ngoài sàn đấu. Từ việc bị phản đối gay gắt khi theo đuổi môn thể thao “cộp mác” cho nam giới đến chấn thương trật khớp vai suýt làm cô nàng chấm dứt sự nghiệp vào năm 2017, hành trình đến đỉnh vinh quang của Zareen rõ ràng không hề trải đầy hoa hồng. Nhưng khi bước lên sàn đấu, tất cả những điều đó đều tan biến. “Bất cứ khi nào bước vào boxing ring (đài đấu quyền anh)”, nhà vô địch thế giới hai lần đã khẳng định, “Suy nghĩ duy nhất của tôi là… Nikhat, bằng bất kể giá nào, hãy chiến thắng trận đấu này!”

Ge Manqi (Điền kinh) – Trung Quốc

Ge Manqi là biểu tượng của sức bền. Tại Thế vận hội Tokyo 2020, cô đã trở thành nữ vận động viên chạy nước rút người Trung Quốc đầu tiên lọt vào bán kết nội dung 100m trong gần 40 năm. Giờ đây, khi chuẩn bị cho Thế vận hội Paris, nữ vận động viên 26 tuổi mang theo thông điệp mạnh mẽ đến người hâm mộ ở quê nhà Trung Quốc và toàn thể thế giới: “Tôi mong muốn truyền tải sự tích cực và những kinh nghiệm của mình cho thế hệ vận động viên tiếp theo, để họ có thể nối tiếp thành tích của tôi. Tôi đang trên hành trình đưa các nữ tuyển thủ chạy nước rút Trung Quốc lên những đỉnh cao mới. Quan niệm người châu Á không giỏi chạy nước rút chỉ là một định kiến. Đừng bao giờ giới hạn bản thân bởi những suy nghĩ thủ cựu”.

Sha’Carri Richardson (Điền kinh) – Hoa Kỳ

Sha’Carri Richardson là một cái tên quen thuộc trong làng điền kinh thế giới. Mặc dù Thế vận hội Paris sẽ là lần đầu tiên cô góp mặt trong cuộc thi đình đám này, tuy nhiên vận động viên 24 tuổi đến từ Texas đã nhiều lần chứng tỏ mình là một trong những “chân chạy” nhanh nhất thế giới. Chỉ cần nhìn vào thành tích của cô tại Giải vô địch Điền kinh thế giới 2023 ở Budapest là đủ hiểu. Tại đây, Richardson đã cán đích nội dung 100m với thành tích 10,65 giây – xếp thứ 5 trong danh sách những người chạy nhanh nhất mọi thời đại – đồng thời thiết lập kỷ lục mới của giải đấu. Những kết quả như vậy không chỉ là minh chứng cho tài năng và sự khổ luyện của cô, mà còn là “sản phẩm” của một “lối sống 24/7”. Theo như Richardson chia sẻ: “Đường chạy là cả cuộc sống hằng ngày của tôi. Mọi thứ tôi làm từ việc ăn gì, uống gì, đến việc có thức khuya hay không đều được phản ánh trên đường đua. Đó là kết quả của chuỗi sự lựa chọn và cũng là điều mà thế giới không nhìn thấy”.

Đội tuyển Mexico (Bơi nghệ thuật)

“Nhiều người trong chúng tôi đã sống cùng nhau hơn 10 năm, chúng tôi gắn bó với nhau thậm chí còn hơn cả gia đình ruột thịt”, Samanta Rodríguez, 29 tuổi, thành viên đội tuyển bơi nghệ thuật Mexico chia sẻ. Mùa hè năm nay, đội tuyển sẽ thi đấu đồng đội tại Olympic lần đầu tiên kể từ năm 1996 vì khoảng thời gian trước đó Mexico chỉ đủ điều kiện tham dự các nội dung đơn hoặc song diễn. Sự đoàn kết cùng chăm chỉ của đội đã mang về một số thành quả tuyệt vời. Năm ngoái, sau khi giành huy chương bạc tại Giải vô địch Thể thao dưới nước thế giới 2023 ở Fukuoka, Nhật Bản, đội tuyển Mexico đã chính thức giành được suất tham dự Paris với hai tấm huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Liên châu Mỹ ở Santiago, Chile. “Việc giành quyền tham dự Thế vận hội đồng nghĩa với việc biến giấc mơ mà cô bé Regina 3 tuổi ấp ủ thành hiện thực”, Regina Alférez, 26 tuổi, một thành viên khác của đội chia sẻ. Còn cảm giác tung bay quốc kỳ trên đấu trường thế giới thì như thế nào nhỉ? “Mang lá cờ Mexico trên ngực áo là nguồn cảm hứng cho tôi tập luyện mỗi ngày” Nuria Diosdado, 33 tuổi, cho biết.

Lo Chia-ling (Taekwondo) – Đài Loan

Lo Chia-ling mới chỉ 19 tuổi khi cô ra mắt Olympic, giành huy chương đồng ở hạng cân 57kg nữ tại Tokyo. Giờ đây, ở tuổi 22, cô đang hướng tới tấm huy chương vàng mùa hè này. Mặc dù cô cũng có một vài kế hoạch khác cho khoảng thời gian ở thủ đô nước Pháp. Lo cười và chia sẻ: “Tôi thích những con đường ở Paris, khung cảnh rất đẹp, nhưng có lẽ điều thú vị nhất đối với tôi là mua sắm”. Sau khi thi đấu, cô nàng cũng muốn thưởng thức một số món ăn địa phương của Pháp – nơi nổi tiếng với nền ẩm thực trứ danh thế giới.

Misa Rodríguez, Alexia Putellas, Irene Paredes và Olga Carmona (Bóng đá) – Tây Ban Nha

Misa Rodríguez, Alexia Putellas, Irene Paredes và Olga Carmona – những trụ cột của đội tuyển bóng đá nữ Tây Ban Nha (La Roja), đều có niềm đam mê mãnh liệt với môn thể thao vua. Nhưng khi được hỏi về những vận động viên truyền cảm hứng cho họ, câu trả lời của các cô gái lại có phần bất ngờ và đa dạng. Bên cạnh các huyền thoại bóng đá như Verónica Boquete, Iker Casillas và Hope Solo thì những cái tên như LeBron James cùng Serena Williams cũng xuất hiện. Rõ ràng đây là một tập thể luôn hướng đến sự xuất sắc tuyệt đối. Họ chính là những thành viên của đội tuyển bóng đá nữ đầu tiên thuộc Tây Ban Nha giành quyền tham dự Thế vận hội. Điều đó có nghĩa là họ sẽ cống hiến hết mình trên sân cỏ mùa hè này, mặc dù huy chương vàng Olympic chỉ là một trong vô vàn thước đo thành công. Mục tiêu lớn hơn của tiền vệ 30 tuổi Putellas là “Được tiếp tục tận hưởng môn thể thao này trong nhiều năm tới và mang đến cho người hâm mộ những trận đấu cuồng nhiệt”.

Jilou (Break Dancing) – Đức

Đây là năm đầu tiên, bộ môn thể thao đường phố Breaking (một điệu nhảy hip-hop) được đưa vào danh sách các môn thi đấu tại Olympic Paris 2024. Sanja Jilwan Rasul hay còn được biết đến với biệt danh B-Girl Jilou, 31 tuổi, đã mơ ước về một ngày được tranh tài. May mắn mỉm cười với Jilou khi cô đã suýt soát giành quyền tham dự Paris vào tháng 6 vừa qua. “Tôi biết mình cần phải đặt hết tâm huyết vào mục tiêu này”, cô chia sẻ, “Tôi thậm chí đã nghỉ việc huấn luyện để có thêm thời gian tập luyện cho bản thân”. Đồ vật may mắn của Jilou là một đồng Mark Đức từ Thế vận hội Munich 1972 do bà ngoại tặng. Thay vì cảm thấy áp lực bởi các đối thủ, Jilou lại tận hưởng trọn vẹn quá trình nỗ lực và trở thành hình mẫu cho các thế hệ B-Girl tương lai.

Nguồn: Vogue


From the same category