1. Cần ngủ ít nhất 8 giờ một ngày để khỏe mạnh
Thực tế: Thời lượng giấc ngủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cả gien di truyền.
Giáo sư nghiên cứu về giấc ngủ Neil Stanley cho biết: “Thời gian ngủ giống như chiều cao vậy, không ai giống ai và nhu cầu giấc ngủ của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mang tính cá nhân”. Để tìm ra thời lượng ngủ tối ưu, bạn hãy theo dõi thời gian ngủ và thời gian thức của mình trong một đêm, sau đó đánh giá cảm giác sảng khoái và tỉnh táo vào ngày hôm sau (với điều kiện không uống cà phê), bạn sẽ tự tìm ra thời lượng ngủ tối ưu của mình.
2. Uống sữa nóng giúp dễ ngủ hơn
Thực tế: Đây là một sự hiểu nhầm lớn trên thế giới.
Hiện tại chưa có một bằng chứng khoa học nào cho biết uống sữa sẽ dễ ngủ. Theo trường Đại học Arkansas, lời đồn thổi này bắt đầu từ kết quả nghiên cứu tìm ra trong sữa có chất tryptophan – một loại amino acid sản xuất ra serotonin và melatonin gây buồn ngủ. Tuy nhiên, sự thực là lượng tryptophan trong sữa không thể đủ để chúng ta cảm thấy buồn ngủ.
3. Ăn phô mai sẽ gặp ác mộng
Thực tế: Các nhà dinh dưỡng học cho biết chưa có bằng chứng thuyết phục chứng minh nhận định này.
Đối với một số người dị ứng với lactose, họ sẽ cảm thấy khó ngủ nếu uống sữa trước đó, nguyên nhân là do bị đầy bụng, khó tiêu hoặc đau bụng, chứ không phải do gặp ác mộng.
4. Ngủ vào ban ngày thì tối sẽ khó ngủ
Thực tế: Sẽ không sao nếu chỉ ngủ một thời gian ngắn.
Việc chợp mắt trong vòng 20 hoặc 30 phút sẽ không khiến bạn khó ngủ vào buổi tối. Với thời lượng ngủ ngắn này, bạn sẽ không chìm vào trạng thái ngủ sâu và bị tỉnh dậy giữa giấc khiến cơ thể mệt mỏi.
5. Ngủ đủ giấc, thức dậy sẽ tỉnh táo
Thực tế: Vẫn có trường hợp ngủ đủ giấc nhưng dậy vẫn uể oải.
Có nhiều người bị ngưng thở khi ngủ, đây là hiện tượng rất phổ biến với người trưởng thành (và ngáy là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất). Những người bị ngưng thở khi ngủ sẽ khó chìm vào giấc ngủ sâu khiến họ bị uể oải sau khi thức dậy mặc dù đã ngủ đủ giấc.
6. Có nhiều người không mơ khi ngủ
Thực tế: Ai cũng mơ khi ngủ.
Theo khảo sát, khoảng 122 triệu người Mỹ tin rằng lúc ngủ họ không mơ. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho biết ai cũng mơ khi ngủ, chỉ là họ không nhớ mà thôi. Thực tế, con người sẽ mơ khoảng 4 đến 6 lần trong một đêm.