“Những người khốn khổ”: Một mình một cõi

Nhưng, dù “khốn khổ” đến đâu, những Jean Valjean, Fantine, Cosette, Marius, và cả Javert, vẫn tràn đầy hy vọng. Bởi bộ phim được xây trên nền tảng của một tác phẩm văn học kinh điển, chuyển thể một vở nhạc kịch cũng đã thành kinh điển, và được sự chỉ đạo của Tom Hooper, chủ nhân của giải Oscar 2010, “The King’s Speech”.

 

 

Khâu casting (chọn diễn viên), vốn đã không dễ dàng với tất cả mọi bộ phim, lại càng khó khăn hơn với Tom, bởi tìm được một diễn viên đã diễn giỏi lại hát hay còn khó gấp đôi, thậm chí gấp ba bình thường. Nhất là khi đây lại là “Les Miz”, tề danh với “Ragtime” và “Miss Saigon” trong bộ ba vở nhạc kịch khó nhất của sân khấu Broadway. Không khó để đoán ra Hugh Jackman, người từng đoạt giải Tony 2004 và có kinh nghiệm kịch nghệ kỳ cựu, sẽ hóa thân thành Jean Valjean. Amanda Seyfried mà tài ca hát đã được thử thách ở “Mamma Mia!” là lựa chọn hợp lý cho vai Cosette. Vẻ đẹp mong manh của Anne Hathaway, đã từng thành danh ở sân khấu kịch trước khi bước sang truyền hình và điện ảnh, cũng rất phù hợp với hình tượng Fantine. Eddie Redmayne cũng ẵm giải Tony trước khi nhận vai chàng sinh viên Marius. Chỉ có mình Russell Crowe là ẩn số khi được Hooper chấm làm thanh tra Javert.

Anne Hathaway trong hình tượng Fantine

Và họ đã không làm khán (và thính) giả thất vọng. Như từng một tay dẫn dắt lễ trao giải Oscar bằng tài ca hát và nhảy múa của mình, Hugh Jackman, bằng chất giọng tenor khỏe khoắn và đầy nội lực, đã gánh vác gần như trọn vẹn “Les Miz” suốt 158 phút, và đặc biệt xuất sắc với ca khúc “Bring Him Home”. Chia lửa với anh là nàng Fantine đắm đuối và thê thiết trong “I Dreamed A Dream” từng đưa Susan Boyle đến đỉnh vinh quang ba năm về trước. Màn trình diễn này đã mang lại cho hai người đề cử Nam diễn viên chính và Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong mùa Oscar năm nay. Tuy đầy cố gắng, nhưng phải thừa nhận Russell Crowe hơi đuối sức trong nỗ lực khắc họa một Javert nghiệt ngã và ám ảnh. Cũng khó trách Russell khi anh không nhiều kinh nghiệm về nhạc kịch, khiến phần hát/diễn xuất bị cứng và gượng. Giọng baritone của Crowe hơi quá ấm, không đủ tạo ấn tượng mạnh mẽ về sự độc đoán, khắc nghiệt và tàn khốc của một hung thần cỡ Javert.

 

Bất ngờ thú vị nhất trong số các vai phụ, có lẽ phải kể tới Éponine. Nàng đã yêu. Không được yêu. Và qua đời. Samantha Barks chính là Éponine cả về ngoại hình hơi digan lẫn giọng ca mê muội, táo bạo và khắc khoải yêu đương. Cosette có thể có được Marius, nhưng người chiếm được tình cảm của thính giả lại là Samantha với khúc solo “On My Own” chứ không phải Amanda với “I Saw Him Once”. Cả cô bé Cosette lẫn nhóc Gavroche đều gây ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt là Gavroche: mỗi lần xuất hiện, dù ngắn ngủi, là một lần cậu bé “cướp trắng” sân khấu của các đồng nghiệp lớn tuổi hơn.

Nếu chỉ có vậy thì “Les Miz” lần này sẽ chỉ là một vở nhạc kịch được quay phim và chiếu rạp không hơn. Tom Hooper hiểu rõ khoảng cách giữa điện ảnh với sân khấu, và đã triệt để phát huy ưu thế tuyệt đối ấy để tạo nên một tác phẩm hoành tráng nhưng vẫn đẫm chất sân khấu. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa những thủ pháp điện ảnh truyền thống và công nghệ hiện đại. Những cú máy góc rộng như bóp nghẹt không gian và thị giác người xem, những pha quay cận như phơi bày nỗi lòng của Fantine theo tiếng hát. Sự chuyển động hối hả của ống kính góp phần đáng kể gia tăng chất kịch ở mỗi khuôn hình, trong khi những pha cắt cảnh dồn dập cứ thế tích lũy cảm xúc theo từng câu hát dâng trào như sóng cồn, để rồi bùng nổ khi đạt đến cao trào.

Tom đã có một lựa chọn táo bạo, khi buộc tất cả các diễn viên phải hát live chứ không lip-sync. Sự thăng hoa của cảm-xúc-tại-trường-quay đã biến thành chất xúc tác, hòa quyện lời ca, hình ảnh và diễn xuất của diễn viên vào làm một. Khi dòng thác cách mạng của ba màu xanh – trắng – đỏ tràn ngập khắp Paris theo tiếng hát của Gavroche “Do You Hear the People Sing?”, cũng sẽ là lúc cơn thủy triều xúc cảm ào ạt vây phủ giác quan của chúng ta, đem đến cho khán giả Việt Nam một trải nghiệm điện-ảnh-và-âm-nhạc khó quên trong những ngày đầu năm lạnh giá…

 

Bài: Nham Hoa



From the same category