Những người đàn ông trong đời Chanel (P2) - Tạp chí Đẹp

Những người đàn ông trong đời Chanel (P2)

Sao

Như cá gặp nước

Cùng với tiếng tăm của mình, Chanel đã bước vào thế giới của những nghệ sĩ lừng danh nhất kinh đô ánh sáng. Bà kết thân với nhà soạn nhạc xuất chúng Igor Stravinsky, danh họa Pablo Picasso, nhà biên kịch lỗi lạc Jean Cocteau…, những con người có chung một ngôn ngữ – ngôn ngữ nghệ thuật. Trong đội ngũ những con người cấp tiến ấy, Chanel như cá gặp nước, bà được là chính mình, được nói lên những ý tưởng mang tính cách tân.

 

Một cảnh trong phim Coco Chanel của Karl Lagerfeld (Giám đốc Sáng tạo của Chanel hiện nay) (Ảnh: Epwr)

Những năm 20, Chanel bắt đầu hợp tác với các nhà hát. Khi Cocteau đưa lên sân khấu đương thời vở kịch lịch sử cổ đại “Antigone” của Sophocles (âm nhạc của Honegger, họa sĩ Picasso thiết kế sân khấu), Chanel là người được mời phụ trách phục trang cho các nghệ sĩ.

Giải thích về lựa chọn của mình, Cocteau lý giải rằng Chanel là nhà thiết kế vĩ đại, và chỉ có bà mới đủ sức để tạo nên những bộ trang phục cho các công chúa của đức vua Oedipus. Vở diễn đã được những khán giả am tường tâm phục khẩu phục, nhưng đối với các nhà phê bình bảo thủ thì nó giống như một… mớ gai.

Đạo diễn Cocteau bị lên án vì đã “ứng xử tùy tiện với kịch bản gốc”. Phần thiết kế sân khấu của Picasso và âm nhạc của Honegger cũng bị phê phán. Tuy nhiên, riêng trang phục của vở kịch lại được đồng thanh tán thưởng, bởi vì chúng đã làm nổi bật được tính cách các nhân vật và đóng vai trò tượng trưng rất thành công. Những bộ đồ len màu trung tính mà Chanel tạo nên đã để lại ấn tượng về một thứ y phục cổ “thứ thiệt”, góp phần tái hiện đời sống của một thời đại xa xưa vô cùng sinh động.

Chanel còn có cơ hội làm việc nhiều năm với Sergei Diaghilev – “ông bầu” lừng danh của opera và ballet Nga.

Vậy người phụ nữ này còn thiếu điều gì để thực sự hạnh phúc? Bà chỉ thiếu tình yêu…

Mối tình kiểu Anh  

Chanel đã gặp công tước người Anh Bendor Grosvenor ở Monte Carlo. Lúc đó chàng đang lẻ bóng, còn nàng vừa  chia tay với nhà thơ Pierre Reverdy. Coco đã từng rất nỗ lực để níu giữ Pierre, bởi bà luôn khát khao có một cuộc sống gia đình, dù là với một kẻ ngông cuồng, một thiên tài chưa được công nhận. Tuy nhiên, Reverdy đã chọn con đường khác – con đường phụng sự Chúa…

Công tước Bendor muốn tìm một phụ nữ vừa là người tình nồng nàn, vừa sẵn sàng sinh con đẻ cái, vừa đủ thông minh để làm ngơ trước thói đa tình của chồng. Và chàng cho rằng Chanel rất phù hợp với vai trò này.

 

Bà chỉ thiếu tình yêu… (Ảnh: avantgardeedge)

Chàng đã gửi cho nàng cả núi thư từ cùng với hoa và trái cây thu hoạch từ hệ thống nhà kính của gia đình mình. Hoa phong lan, dâu tây, cam quít từ Anh Quốc liên tục được chuyển qua eo biển Manche sang Pháp cho Coco. Những con cá hồi tươi rói thì được chuyển phát nhanh qua đường hàng không. Có lần chàng còn gửi tặng nàng một viên ngọc bích thật lớn giấu dưới những… mớ rau.

Mặc dù vậy, Chanel vẫn rất kiên định bởi bà không muốn trở thành nhân tình thứ n của vị công tước đa tình này, bà chỉ khao khát được làm vợ! Mãi đến khi báo chí Anh đề cập nhiều về ý định lập gia đình của công tước thì Coco mới xiêu lòng. Nàng hy vọng lần này, với Bendor, hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình. Cuối cùng, nàng bước lên chiếc du thuyền của Bendor và vị công tước đã hạ lệnh nhổ neo thẳng tiến về Anh Quốc…

Những người tình của Coco luôn là nguồn cảm hứng cho các ý tưởng sáng tạo của bà. Trong thời gian gắn bó cùng Bendor, bà đã đem lại cho thời trang Pháp xu hướng tối giản và thể thao – một mô típ rất Ăng Lê.  

Hai người khi thì sống ở Anh, lúc bên bờ biển nước Pháp. Cuộc sống của họ như một kỳ nghỉ dài, khi thì trên du thuyền xa hoa, lúc lại trên chuyến hỏa xa riêng của Bendor. Lâu đài của họ thường xuyên đón tiếp những nhân vật từ các gia đình danh giá nhất nước Anh. Nhưng rồi kỳ nghỉ dài cũng đến hồi kết thúc khi mà công tước nằng nặc đòi phải có người nối dõi. Chanel cũng muốn điều này lắm, song bà đã 46 tuổi và dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng điều kỳ diệu đã không thể xảy ra.

Bendor bắt đầu thay lòng đổi dạ. Coco có thể bỏ qua cho người đàn ông này nhiều thứ (sự khiếm nhã, những hạn chế về kiến thức hay gu thẩm mỹ…) nhưng bà không thể chấp nhận sự dối trá trong mối quan hệ đã gắn kết hai người cả chục năm. Họ bắt đầu mâu thuẫn, cãi cọ, để rồi đường ai nấy đi – công tước cưới con gái nam tước Sisonbi, còn Coco đến với người tình mới là họa sĩ Irbid. Lẽ ra chàng họa sĩ này đã trở thành phu quân của Coco, nhưng số phận quả là nghiệt ngã – cuộc tình của họ mới bắt đầu chưa lâu thì Irbid đột ngột qua đời, ngay trên sân chơi tennis.

Khúc điền viên Đức – Pháp

Khi người Đức tiến vào Paris, Coco đã qua tuổi xế chiều. Nhưng bà không phải là loại người dễ dàng buông xuôi ngay cả trong tình thế bi đát nhất. Hiểu rằng hạnh phúc gia đình là thứ quá xa xỉ với mình, nhưng ở độ tuổi 56 bà vẫn sẵn sàng để yêu và nhân tình mới của bà là Gunter, một người đàn ông Đức. Trong bối cảnh nước Pháp đang bị Đức chiếm đóng thì chuyện tình của Chanel quả là một thách thức – lúc ấy bất cứ ai có quan hệ mật thiết với người Đức đều bị coi là kẻ phản bội tổ quốc.

 (Ảnh: Epwr)

Chàng kém nàng đến 30 tuổi, nhưng đối với cựu điệp viên này thì đó là điều ít khiến chàng băn khoăn nhất. Chàng hài lòng với cuộc sống ở Paris bên cạnh Chanel, người phụ nữ đã trao cho chàng niềm hoan lạc cháy bỏng và chàng đã làm mọi thứ để nắm giữ hạnh phúc ấy. Chàng sống như một kẻ ẩn dật, hầu như chẳng đi đâu khỏi nhà, chẳng giao du cùng ai. Chỉ cần có Chanel, người đàn bà đang yêu như thể lần cuối cùng được yêu, là quá đủ đối với chàng.

Cuộc tình của hai người giống như một bài thơ điền viên, một khúc ca đồng quê Pháp – Đức êm dịu. Thi thoảng, nhớ lại thời tuổi trẻ, Chanel lại hóa thân thành nàng Coco ở phòng trà Moulins. Giọng hát của nàng dường như chẳng thay đổi, vẫn trong veo, cao vút và ngọt ngào.

Nhưng khúc nhạc đồng quê ấy rồi cũng khép lại. Khi nước Pháp giành được độc lập từ tay người Đức, Gunter buộc phải sang Thụy Sĩ. Coco đã quyết định rời bỏ tổ quốc để đi theo người tình. Nhưng sang Thụy Sĩ chàng cũng chẳng cưới nàng. Trong lúc Gunter trông vẫn “đương xoan” thì Chanel đã ở độ tuổi 64 và sự già nua xồng xộc đến mỗi ngày. Cuộc sống của họ dường như đông cứng bên bờ hồ Genever – Gunter chẳng biết làm gì và Coco cũng cảm thấy mình đang “sống thừa” trong cảnh ăn không ngồi rồi.

 

 Coco Chanel làm việc đến hơi thở cuối cùng (Ảnh: ohlovelylolo)

Năm 70 tuổi, Coco để lại cho người tình một gia sản lớn rồi quay về Paris, tiếp tục lao vào công việc. Thời điểm ấy, nhiều bạn bè cũ của Chanel đã qua đời, người Pháp đương thời cho rằng bà đã lạc hậu, người Anh cũng chẳng mặn mà với bà nữa. Nhưng những tín đồ mới của Coco Chanel đã đến từ một nơi không ngờ nhất – nước Mỹ. Những thiết kế của bà gặt hái thành công vang dội bên kia bờ đại dương, rồi nhanh chóng ngược dòng ngoạn mục trở về Pháp.

Những thần tượng đương thời đã không thể làm lu mờ sự chói lòa của Chanel trong quá khứ. Vẻ đẹp nghiêm cẩn, giản  dị của Chanel một lần nữa lại được kiểm chứng bởi cả thời gian lẫn không gian. Những chiếc váy của bà lại chất đầy các tủ đồ của các quý cô Paris. Lượng nước hoa Chanel No.5 bán ra đã mang lại lợi nhuận phi thường – gia sản của Coco lúc 88 tuổi trị giá 15 triệu USD!

Coco Chanel đã làm việc đến hơi thở cuối cùng. Bà chỉ chịu yên nghỉ khi không còn đủ sức để tiếp tục làm việc nữa.

Bài: Phan Minh Ngọc

 

Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

25/07/2013, 16:36