Những người đàn bà Olympic

Những người sáng lập ra phong trào Olympic hiện đại không thể biết được rằng khẩu hiệu “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” đã có được một phiên bản tệ hại bởi những người đàn bà không tập thể thao bao giờ nhưng đã mạnh dạn thêm một câu cuối vào khẩu hiện trên: “nhiều hơn nữa” để áp dụng vào cuộc sống gia đình.

Thêm một câu nho nhỏ vậy thôi, nhưng những người phải “nhiều hơn” đang từng ngày quằn quại nếm vị đắng như lá ngón đó để mà than thân trách phận, mà nguyền rủa số phận hẩm hiu của mình! Tôi biết hai chuyện về hai người đàn bà, tạm gọi là các bà Olympic.

Câu chuyện thứ nhất

Chồng chị là bạn nối khố với tôi ngày còn sinh viên. Bọn chúng lấy nhau với hành trang vào đời duy nhất là công việc của hắn tại Hà Nội, đằng sau cái sổ gạo – chiếc phao cứu sinh ngày bao cấp ấy – là một dãy số không tròn trịa: không nhà ở, không đồ đạc, không đường về quê và tất nhiên là không tương lai.

Cái ngày mà cả xã hội cùng nghèo kiết xác ấy, thiếu thốn là chuyện không phải bàn, nhưng bọn chúng tôi, đứa nào chưa lấy vợ thì phải dựa dẫm vào các cụ đã đành, đứa nào đã trót tảo hôn thì cũng tranh thủ cấu véo, khi thì miếng đậu, lúc cái vỏ chăn cũ, thậm chí cả 1/4 chai nước mắm nặng mùi… Nhưng bọn chúng thì không thể.

Quê xa đã đành, các cụ hai nhà còn cho rằng chúng đang ở thiên đàng Hà Nội nên mới ký gửi thêm ông em học đại học. Thằng em vốn đã ăn khỏe như hùm lại có tật đãng trí không đem tem gạo về nộp anh chị thành ra các bữa ăn của bọn chúng… rất bí mật!

 Có lẽ phải đến vài năm, chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến bữa cơm của ba anh chị trí thức ấy, đến muộn đương nhiên hắn bảo đã dùng bữa rồi, đến sớm thì hắn bảo còn lâu mới ăn!

Cứ loanh quanh như thế và tất nhiên, mãi sau này tôi mới nhớ lại chuyện ấy thôi, chứ cái ngày toàn dân cùng đói ấy, mấy ai rỗi hơi mà tò mò xem thằng bạn mình ăn gì!

Cũng là chuyện mãi sau này mới biết, ấy là lần hắn được chia nửa căn nhà tập thể, hai thằng thức đêm như ngày còn đi học và hắn kể lại tâm sự của vợ hắn. Có lần hai vợ chồng hắn yêu nhau xong, hắn hỏi về ước ao của vợ, vợ hắn khẽ gục đầu vào vai hắn và ước lần nào yêu nhau xong cũng có một bát cơm nguội hiện ra ngay đầu giường!

Thế rồi, hai kẻ thiếu tiền nhưng thừa nghị lực đó cũng làm cho vật phải đổi và sao phải dời. Từ nửa căn nhà tập thể, bọn hắn có được cả căn nhà, rồi đường vào nhà mở rộng thành mặt ngõ hai xe tránh nhau, rồi hắn đi học tiến sĩ ở nước ngoài, rồi v.v… và v.v…

Bọn chúng có đầy đủ tất cả những thứ mà người ta cần phải có; những chứng chỉ cho sự thành đạt nơi đô hội. Vợ hắn không phải ước ao bát cơm nguội lúc đêm khuya; nhà hắn không phải lo thằng em là gánh nặng và vì thế, cuộc sống của vợ chồng hắn thành ra ít đi những điều ước ao.

Chỉ có điều vợ hắn vẫn hệt như nhân vật của ông nhà văn đã viết nên truyện “Tình yêu cuộc sống”: triệt để tiết kiệm và triệt để thu vén. Thật ra, “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” là lối nghĩ của người quân tử; nhưng vợ hắn… quân tử quá thành ra phần “tích” quá đà và vì thế triết lý Olympic “nhiều hơn” bắt đầu phát tác!

Ban đầu, tiết kiệm chưa mang màu sắc của keo kiệt vì thế sự nhiều lên của của cải vật chất trong nhà song hành với niềm vui của cả hai. Dần dần niềm vui của hai người tách dần ra và sau rốt, sự nhiều lên của của cải vật chất lại là nguyên nhân khiến hai người có cảm giác trái ngược.

 Hắn không phải kẻ hoang tàng, nhưng nhếch nhác khi giao đãi khách khứa bạn bè trong quan hệ công tác, quan hệ đồng hương, họ hàng và đặc biệt là những người đã một thời đồng cam cộng khổ luôn làm hắn áy náy.

Sự áy náy ấy lớn dần thành sự khó chịu, sự khó chịu lớn dần thành ra… rất khó chịu! Thay vì niềm vui sướng, thậm chí niềm tự hào của thằng đàn ông vẫn làm hắn quên hết mệt mỏi khi đem tiền về vun đắp tổ ấm đã dần được thay thế bằng sự khó chịu của một kẻ bị đòi hỏi và đòi hỏi quá mức.

 Lâu dần, hắn bắt đầu cảm thấy việc vợ hắn hỏi tiền lương, tiền thưởng hay tiền công trình nghiên cứu là việc hắn bị truy bức vào cuộc sống riêng; sự dịu dàng trước đây được hắn mô tả bằng việc “ngoạc mồm ra đòi hỏi” mỗi khi tự nghĩ về hành vi của vợ. Cuộc sống được vận hành theo phương thức “nhiều hơn” của chị vợ đã trở thành ngột ngạt với người vẫn đang chung vai gánh vác sức nặng của cuộc sống.

Khốn khổ, sự nhiều hơn được chị vợ thực hiện hoàn toàn theo bản năng của kẻ mới vượt qua cuộc chết đói hụt, nên tình cảm của chị được hiểu theo đúng nghĩa “bao nhiêu” của kết quả tích cóp! Tùng tiệm trong ăn uống đã đành, tùng tiệm trong son phấn mỹ phẩm là chuyện không phải bàn cãi, ngay cả quần áo chị cũng tùng tiệm.

 Sự tiết kiệm từ hiện tượng nâng lên thành bản chất và liên tục được làm thành khẩu hiệu hô hào những người sống cùng phải tuân theo phương châm đó. Người vợ “nhiều hơn” bỗng chốc thay vì hy sinh đến quên cả bản thân để thành công trong vun vén cuộc sống đủ đầy dư dật cho cả nhà trở thành người khác chiến tuyến với mấy bố con nhà hắn.

Gặp tôi, chị bảo cuộc sống sao mà nhàm chán vất vả thế, làm quần quật cả ngày, tối về như gặp người lạ. Hắn bảo tôi cuộc sống sao mà ngột ngạt thế, làm ra tiền mà chẳng khác thằng xe ôm, lắm khi đi đâu tụ họp thấy ái ngại. Con hắn bảo hè năm nào cháu cũng phải nói dối bọn bạn rằng cả nhà cháu đi nghỉ hè ở đâu đó cho khỏi ngượng…

Câu chuyện thứ hai

Tôi mới biết anh chị khi chuyển tới khu chung cư. Anh làm cán bộ cấp Vụ ở một Bộ quan trọng, chị là giáo viên cấp hai tại một trường nội thành. Anh chị có hai cháu còn nhỏ và có một đời sống vật chất vào loại khá.

 Ngày mới gặp, tôi thấy anh chị có cuộc sống rất đáng để nhiều người mơ ước, vậy mà cứ mỗi bận sang nhà tôi chơi, chị lại than phiền về anh, đặc biệt mỗi lần thấy tôi đứng bếp hay đưa trẻ con đi chơi, chị lại tặc lưỡi và bảo vợ tôi: “Em sướng thật đấy, giá anh nhà chị được một phần của chồng em!”

 Lâu dần, thấy lạ tôi hỏi chị: “Làm sao chị có thể không biết rất nhiều người mơ ước có anh chồng như chị và loại quèn như tôi làm sao có thể dám bạo nghĩ để được đặt mông lên chiếc ghế của anh ấy dù chỉ một ngày?”.

Chị bảo chẳng biết người khác nghĩ sao, riêng chị chỉ thấy thui thủi một mình, nhìn thấy chồng người rồi nhìn lại mình, có chồng mà như không vậy!

 Thật ra được chị ước ao tôi cũng thấy khoái, nhưng cũng hơi ngượng vì tôi cũng thường xuyên vắng nhà, cũng nhậu nhẹt, đàn đúm về khuya, cũng tiêu lẹm vào lương như bất kỳ thằng đàn ông có tật nào khác.

Chỉ có điều, mỗi bận sang nhà tôi chơi, chị lại thấy tôi đang làm những việc mà quan chức như anh không thể tham gia. Tôi hỏi chị mỗi bận trẻ con reo lên khi thấy tivi chiếu cảnh bố ngồi trên bàn chủ tọa; mỗi bận thay vì phải chui vào chiếc áo mưa hôi rình để tới cơ quan ướt như chuột lột, chỉ cầm chiếc ô thong thả ra xe ôtô đi làm; lại còn khoản các cán bộ cấp dưới tung hô, quà cáp khi năm hết tết đến…

Tóm lại tôi đã trình bày hết thèm muốn của kẻ thấp cổ bé họng một cách trung thực nhất để chị thấy rằng chị đang sở hữu một ông chồng hơn tôi vạn lần! Chị lại bĩu môi và cho rằng tất cả đều vô nghĩa, tất cả đều chẳng có giá trị gì nếu so với những điều chị phải có chồng mà thay vai đàn ông trong nhà!

Nhất định những kết quả chồng đạt được làm chị hài lòng và hãnh diện, nhưng chị lại còn muốn anh phải có mặt ở nhà thường xuyên hơn, phải nấu cho vợ bữa cơm khi trái gió trở trời, phải đưa con đi chơi công viên, đi tập xe đạp vào chủ nhật, phải không được quên ngày tháng giỗ chạp, sinh nhật nào đó…

Tôi không dám khuyên chị rằng muốn như thế phải có… hai ông chồng. Chợt nhớ tới vợ chồng anh bạn và thấy hơi sợ, hình như khẩu hiệu “nhiều hơn” đang lây lan trong các bà như dịch cúm gà chăng? Hay là mình cũng là kẻ vô tâm tới mức không biết rằng ngay cả bà vợ tôi cũng đã mắc bệnh “nhiều hơn nữa” mà tôi lại không hay?

 Huyền Thi


From the same category