Những người bạn bước ra từ trang sách ố vàng

Nếu như nhà thơ Xuân Quỳnh mở đầu bài tham luận cho hội nghị văn hoá thiếu nhi năm 1980 bằng câu “Thuở bé, tôi sống ở làng”, thì tôi cũng xin mượn câu của chị để bắt đầu bài viết của mình.

1…

Thuở bé, tôi sống ở làng.
Tôi lớn lên và sống hết tuổi thơ ở khu tập thể Bộ Giáo dục nằm ven nhánh sông Tô Lịch, trong thành phố nhưng cũng chẳng khác gì một khu làng (hoặc có thể trong ký ức của tôi là như vậy).

Nhà tôi nằm cuối dãy, ban đầu còn có căn bếp lợp mái giấy dầu, qua khoảnh sân gạch là cánh cổng được dựng lên bằng hai cột gỗ mọc đầy mộc nhĩ thường trực một vài chú ốc sên, trước mặt là rặng cúc tần xanh lá với dây tơ hồng vương chằng chịt.

Sông Tô Lịch ngày ấy nước còn trong lắm, dưới sông những đám lục bình hoa tím trôi lờ lững thanh bình, đám trẻ con chúng tôi sàn sàn tuổi nhau, vào các ngày cuối tuần thường có thú vui ra bờ sông chơi hoặc ngồi tụm lại đọc sách.

Trước khi mê sách thì tôi cho rằng sau này lớn lên mình nên làm một cô bán sách. Ý nghĩ đó nảy ra khi có một người bán sách rong đến khu tập thể, làm xôn xao cả xóm. Chú mang theo một cái hòm, dựng xe đạp, gỡ chiếc giá gỗ hai chân xuống và treo sách lên, như cái cách người ta treo khăn mặt ở nhà trẻ vậy. Tôi chen qua đám đông nhòm vào rồi chạy cuống về nhà xin mẹ 2 đồng mua một cuốn sách.

Mẹ tôi đang rán đậu, móc túi lấy tiền và nói với theo bóng tôi đang lao vụt đi, “Nhớ mua cuốn nào hay hay vào nhé!”. (Sau này cũng vậy, mẹ tôi không bao giờ từ chối hai việc: mua sách và đi tham quan).

Sáng hôm sau, tôi mang đống sách của mình ra cửa, treo lên chiếc ghế sắt và ngồi bán. Đến bữa trưa, tôi thở dài bảo mẹ, “Sao không ai đến mua sách của con nhỉ.” Đến lúc đó, mẹ mới biết rằng tôi quả thật đang muốn bán sách, chứ không phải chỉ đem ra chơi đồ hàng.

2…

Tôi bắt đầu học chữ qua những cuốn sách. Cuốn đầu tiên mà mẹ tôi mua cho là “Bác sĩ Ai-bô-lít” vào tháng 5 năm 1986, khi tôi bước vào lớp 1. Và cứ thế tôi học chữ, học đọc, rồi học cảm như một thứ bản năng. Mẹ tôi thường tặng sách cho tôi bất cứ khi nào có dịp, Trung Thu, 1-6, năm học mới…

Những trưa mùa hè mồ hôi nhễ nhại ngồi đọc sách cạnh cửa sổ; những hôm mất điện, thắp chiếc đèn dầu bé xíu, nằm sấp trên giường đọc cả tối… Đó là những gì tôi nhớ nhất. Tôi có thói quen đọc liền tù tì, đọc ngấu nghiến, rồi tưởng tượng.

Đặc biệt là những cuốn sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng, mà mỗi hình ảnh minh hoạ mở ra cả một thế giới, từng bông hoa nhỏ xíu trông cũng rất trẻ con và mơ mộng.

Năm lớp 4 tôi học cách làm cho mình một cuốn Sổ tay Văn học. Đó là yêu cầu của thầy dạy thêm môn Văn, vốn làm cùng Viện nghiên cứu với mẹ tôi (tôi nhớ rằng trông bác rất giống danh hài Trịnh Mai). Mẹ tôi cũng có một cuốn sổ như vậy, bìa nhựa cứng, làm từ thời sinh viên ở Liên Xô, trong đó chép rất nhiều thơ và tôi thường đem ra đọc một cách tò mò và thích thú.

Tôi bắt đầu chép những bài thơ hoặc đoạn truyện mình thích vào cuốn sổ, và mẹ tôi thì vẽ minh hoạ. Cuốn sổ sau này được các bạn trong lớp rất thích, thường chuyền tay nhau đọc, cho tới cuối năm, một bạn trai mượn rồi đột ngột chuyển trường, mang theo cả quyển sổ của tôi.

Tôi vẫn nhớ mình đã đứng sững lại khi bắt gặp chỗ ngồi trống không của bạn. Có lẽ cậu ấy không hiểu rằng cuốn sổ quý giá với tôi thế nào. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về nó, có thể bây giờ nó đã hỏng, đã rách nát, đã bị đem đi nghiền trong đống giấy vụn, hoặc đang nằm lặng lẽ trong một góc tủ nào đó…

3…

Tôi cũng không chắc mình thích cuốn truyện nào nhất, mỗi cuốn sách, tôi thường bất chợt chẳng có lý do gì mà ghi nhớ một hình ảnh nho nhỏ nào đó. Có thể là con thỏ luôn vội vàng mà Alice bắt gặp. Có thể là vạt lúa tình cờ nảy mầm của Rô-bin-xơn. Cũng có thể là căn nhà gỗ ọp ẹp biến thành đại bản doanh của Ti-mua (sau này, tôi lại bắt gặp hình ảnh ấy trong bộ phim Up).

Hoặc là cảm giác khi cậu bé Rémi bị bán cho ông già gánh xiếc rong, khi đi lên khúc ngoặt trên đồi nhìn xuống thung lung, bỗng thấy hiện ra ngôi nhà thân thương, và người mẹ nuôi dường như đang hốt hoảng chạy kêu tên cậu.

Hay lại là cảm giác khi cậu bé Nilx tình cờ đi vào đất nước bị chìm dưới đáy biển, chỉ hiện lên mấy trăm năm một lần trong đêm tối, và chỉ cần một người dương gian đưa cho dù chỉ một xu, họ sẽ được quay trở lại với cuộc sống dưới ánh mặt trời; nhưng cậu bé Nilx thì chẳng có một cắc bạc, không những thế, chỉ mới trước đó ít phút, cậu nhìn thấy một đồng xu trên bãi biển nhưng chẳng thèm nhặt lên…

Truyện nào tôi cũng đọc đi đọc lại không biết bao lần, từ khi chưa hiểu hết những con chữ mình ghép vần, cho tới cả khi đã học lớp 5, lớp 6, nhưng chẳng hiểu sao, có “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn” là tôi nhớ lắm, nhớ tới mức bây giờ vẫn nhớ tường tận đa số tình tiết, nhân vật trong đó.

Một cuốn sách khác cũng gây ấn tượng mạnh với tôi là “Tốt-tô-chan cô bé bên cửa sổ”. Năm ấy tôi học lớp 3, toàn trường có cuộc phát động xem một bộ phim Việt Nam và mua sách Tốt-tô-chan. Bộ phim thì tôi quên bẵng đi rất nhanh, chỉ nhớ mỗi đứa về xin mẹ mấy đồng mua vé, rồi cả lớp được xem phim trong một căn phòng mái ngói nằm ở cuối sân trường.

Còn cuốn sách thì như một cơn sốt nhẹ. Tôi đọc và cứ thấy người nóng ran lên, gai lên, vì cái thế giới quá nhân văn và cá tính mà nó mang đến. Tất nhiên, hai từ bóng bẩy đó là sau này tôi cắt nghĩa, còn lúc ấy, đúng là chỉ thấy lên cơn sốt trong người. Cuốn sách ám ảnh tôi tới mức, có đêm tôi không ngủ được, cứ nhìn lên trần nhà, rồi bật dậy nghĩ rằng mình cũng phải viết một cuốn như vậy.

Tôi thấy sao mà cuộc sống bình dị đi vào văn chương ngọt ngào như thế. Cô bạn Tốt-tô-chan ấy cũng chỉ kể về cuộc sống hàng ngày thôi, bạn ấy, như bạn Mít Đặc, cũng chẳng phải một tấm gương hoàn hảo, nhưng cuộc sống sao mà phong phú thế. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra cuốn sách của mình, từng chương, từng dòng chữ cứ chạy qua trong đầu.

Sau này, tôi cũng dùng thói quen ấy để viết báo. Tôi không gạch đầu dòng, mà nghĩ về nó, rồi bắt đầu thấy chữ chạy ra trong đầu. Như bài viết này, viết tới đây, tôi đã biết câu kết sẽ như thế nào, bởi nó đã chạy qua trong đầu tôi cả tuần trước đây.

Vĩ thanh

Tất cả những cuốn sách, sau này tôi không có ý định bán nó đi nữa, mà đem cất cẩn thận trên giá, qua mấy lần chuyển nhà vẫn không suy chuyển. Những cuốn sách của Việt Nam giấy đen, mực có khi ngấm cả sang trang bên, những cuốn sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng đẹp lung linh, giấy dai và trắng nhưng không bóng loáng…
tất cả bây giờ đã sờn và quăn, chỉ có trên trang đầu vẫn rõ ràng những dòng viết bằng bút bi với nét chữ rất đẹp của mẹ ghi tên tôi, ngày tháng, đôi khi là những dòng đề tặng.

Tôi chưa bao giờ nói với mẹ rằng tôi yêu quý những cuốn sách ấy thế nào, và yêu quý cái cách mà mẹ tạo cho tôi thói quen đọc sách như thế nào. Có lẽ mẹ tôi cũng không biết điều ấy, bởi tôi vốn là người ít khi biểu lộ tình cảm thương mến ra bên ngoài.

Có một điều tôi luôn đinh ninh, là tôi sẽ cho tất cả những đứa con của mình đọc những cuốn sách khi nhỏ tôi đã đọc. Tôi muốn ít nhất thì chúng tôi, dù hai thế hệ khác nhau, vẫn có thể mang trong tâm hồn một sự đồng điệu nào đó. Ít nhất, chúng tôi sẽ có chung một giấc mơ – giấc mơ về những cô bé cậu bé không bao giờ lớn, bước ra từ những trang sách ố vàng…

Bài: Vũ Thủy
Ảnh: Passion


From the same category