Thắc mắc hỏi bố mình
Từ giữa năm ngoái, bố và con đã ngoắc tay, thỏa thuận một “hiệp ước lịch sử”: Trước lúc ngủ 10 phút, con được hỏi đủ thứ trên trời dưới đất. Điều kiện của bố rất đơn giản: Trước khi hỏi, con phải nhớ đánh răng và đi tè! (Vụ đi tè rất quan trọng, vì nếu hỏi xong quên “xả nước” rồi lăn ra ngủ, nửa đêm có thể xảy ra… thảm họa môi trường).
Có lần con hỏi: “Sao lại có tên là Thái Bình Dương?”. Bố bảo, trong những chuyến vượt cái biển bao la ấy, các nhà thám hiểm thấy trời yên bể lặng, nên lấy đó làm tên. Những người đi sau bắt chước người đi trước, cứ thế mà gọi. Nhưng thật ra, ở Thái Bình Dương lại có những cơn sóng thần lớn và nguy hiểm nhất. Bởi vậy, về sau này, tên của đại dương ấy thể hiện giấc mơ bình yên của người vượt biển. Con chép miệng: “Tên một đằng, sóng thần một nẻo. Vậy Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, biển nào rộng hơn ạ?”. Bố trả lời: “Đại Tây Dương nhỏ hơn con ạ. Dương là biển, Tây là phía Tây, Đại là to, nhưng lại luôn có cái to hơn”. Con toét miệng cười, nói bâng quơ hai ba chuyện gì đấy rồi lăn ra ngủ oạch.
Rồi có lần con lại hỏi: “Nếu thấy con chó dữ đuổi thì mình phải chạy thật nhanh phải không bố?”. Bố bảo điều đầu tiên nghĩ tới không phải là chạy, bởi chó có bốn chân, sẽ chạy nhanh hơn người có hai chân. Nó đuổi, mình chạy không kịp thì sẽ bị đớp. Hãy bình tĩnh quay lại, đối diện với nó, từ từ hơi khom người, nhìn thẳng để con chó không xông tới ngay, rồi quan sát thật nhanh để xem có cái gì có thể làm vũ khí, hoặc có chỗ nào cao ở gần. Không được sợ, không bỏ chạy, mà từ từ lui dần đến chỗ an toàn. Nhưng tốt nhất là đừng chọc chó cho nó đuổi. Chó cũng như người, rất ghét kẻ khiêu khích mình. Con bảo nếu đó là gấu thì sao. À, với gấu thì mình nhắm hướng chạy ra chỗ trống và phi thật nhanh, vì gấu chậm hơn chó. “Sao hôm nay con toàn nói chuyện tẩu thoát vậy con trai?”. “Dạ, vì lúc nãy ti vi có chiếu chương trình thú hoang dã. Thỉnh thoảng hai bố con mình vào rừng, biết đâu sẽ có lúc gặp chúng”. Con lè lưỡi dọa bố, rồi chép miệng, khò khò.
Hôm nọ, con sờ vai bố, chỗ thịt mềm, rồi hỏi: “Lúc con mới mọc răng, con hay gặm chỗ này ạ?”. Phải rồi con. Răng trẻ nhỏ xíu lúc mọc hay ngứa, gặm đủ thứ cho dễ chịu. Nhưng con gặm bố đau thấu trời. “Thế bây giờ bố hay gặm con là vì bố cũng ngứa răng à?”. “Bố không ngứa răng, mà vì gặm nhẹ con thì cả hai bố con đều thích. Và thêm nữa là có những hôm bố để dành râu không cạo, cà con cho vui. Vừa cà vừa gặm làm con nhột, cười khoái chí, nghe ngộ lắm”. “Vậy mai kia con của con có gặm như con gặm bố không?”. “Có, và con phải đặt hắn trên vai, cho hắn lựa chỗ mềm nhất mà gặm. Vừa gặm vừa được ru, ngủ nhanh lắm”. “Đúng là mọc răng phức tạp thật” – con kết luận trước khi duỗi chân tay, thở đều nhè nhẹ.
Tuần trước, sau khi hỏi về cơn mưa trái mùa lúc chiều, con xoay người vào trong, thở đều. Tưởng con đã ngủ, bố lại ra ôm máy tính, đọc tin thế giới. Nửa tiếng sau, chợt có cảm giác rằng con chưa ngủ, bố lại đi vào. Con giơ tay sờ mặt bố: “Hôm nay bố không để dành râu cà con à. Chỉ nói chuyện mà bố không cà râu, khó ngủ ghê”. Hừ, bày chuyện gì đây anh chàng. Bố lại ghé vào, nằm với con. Tay xoa xoa lưng, miệng khe khẽ hát. Hát hai tua, anh chàng đã ngủ say. Hóa ra là con muốn bố hát ru… Mỗi tối, sau lúc chín giờ rưỡi, chương trình “thắc mắc hỏi bố mình” cứ đều đặn phát.
Con trai hỏi về tình yêu, giời ạ!
Hôm nay dành nửa ngày nghĩ về con trai, 12 năm + 9 tháng hai mẹ con quen biết nhau, bao nhiêu thứ mình cùng nếm trải. Ngọt ngào là khi cảm nhận sự mật thiết, và giờ, là lúc phải can trường nhìn nó dần dần rời khỏi tay mình, để trở thành một người đàn ông đúng nghĩa. Hồi nãy trước khi ngủ, nó hỏi linh tinh đủ thứ, có 3 câu về Tình Yêu.
Mình kể với nó chuyện Nàng Tiên Cá, rằng khi 7 tuổi, mẹ lần đầu có khái niệm về Tình Yêu là qua một bộ phim truyện, hình như của Nga (hay Ba Lan, chẳng rõ). Mẹ thắt hết cả tim khi nàng tiên cá cứu hoàng tử, rồi đành câm lặng chấp nhận để người con gái khác cướp mất người yêu quý. Rồi vì tình yêu, nàng quyết định đánh đổi giọng hát tuyệt mỹ và 300 năm cuộc sống của mình cho mụ phù thủy để lấy vài phút ngắn ngủi được khiêu vũ bên chàng. Nhưng nghiệt ngã thay, những điệu nhảy ngọt ngào trong tim nhưng đồng thời là hàng ngàn con dao cứa dưới bàn chân nàng tiên xinh đẹp. Và buổi khiêu vũ ấy còn tàn nhanh hơn một bông hoa phù dung. Tình Yêu, con trai ạ, chính là điệu nhảy kỳ ảo ấy. Và sự câm lặng mãi mãi về sau. Ngắn ngủi vô cùng với vết cứa ngay lúc đó. Càng bay bổng, càng đắm say thì vết cứa dưới chân càng sâu. Nhưng vì say men, người ta chưa thể nhận ra. Mà nếu con có khả năng nhìn xa, xa hơn một chút thì vết cứa ấy không dễ lành, thậm chí ngay trong kiếp sống này… Lúc ấy mẹ còn bé tẹo, cao chưa tới cái quạt cây bằng đồng, giữa mùa đông, mà cũng phải lén bật số nhỏ nhất, rồi căng mí mắt, rướn cổ vừa tầm cho gió quạt thổi khô nước mắt đi, kẻo người lớn phát hiện.
Mẹ chẳng ghét mụ phù thủy với lời nguyền ác nghiệt. Chẳng qua mụ ấy sòng phẳng với màn đổi chác của mình. Mà cơ bản là mẹ được dạy rằng lẽ đương nhiên, bọn phù thủy thì chả bao giờ muốn con người hạnh phúc. Mẹ chỉ ghét cô công chúa vô duyên nhận bừa công trạng, để được chàng hoàng tử một cách phi pháp. Mẹ cực giận chàng hoàng tử vô tâm và ngu ngơ làm sao, có mắt như mù, chẳng nhận ra được ân nhân, người con gái yêu mình đến trao tặng cả cuộc sống của cô ấy! Để cuối cùng, nàng tiên xinh đẹp vỡ tan thành bọt biển trong câm lặng.
Con bảo: “Cô tiên ấy hơi ngốc, sao lại dám đem trao một thứ quý giá thế, để đổi lấy một thứ cực kỳ mong manh và rủi ro. Không nói được thì viết ra”.
Mẹ cười khì khì: “Chắc cô ấy không biết chữ! (Hay tiên với người thì không cùng ngôn ngữ?).
“Thế không biết chữ, chưa nói chuyện gì được với nhau mà cũng yêu, đúng là dở hơi rồi”, con bảo.
“Ừ nhỉ. Dở hơi quá đi! Thế nhưng sau này, nếu có một cô nàng dở hơi mà yêu con như vậy, con nghĩ sao?”.
“Thứ nhất, thế giới của con toàn siêu nhân cứu các cô gái. Con không phải loại hoàng tử không biết bơi, nên con không chết đuối để cô ấy cứu. Thứ hai, nếu con thích ai, con sẽ tấn công liền. Thứ ba, nếu con mà biết vợ con lừa dối để cưới được con, thì con sẽ bỏ ngay lập tức”.
OK, con trai. Mẹ yên tâm con có kiểu tư duy mạnh mẽ chém to kho mặn rất dân chài. Hy vọng con vớ được nàng tiên cá nào mắc cạn, chứ không phải mấy con cá nục! Nhưng mà nên nhớ chàng kia bị đắm tàu – chuyện đó thì những thuyền trưởng giỏi nhất cũng có khi chết ngắc. Điều thứ ba, có khi con chả bao giờ biết. (Hơn nữa, thời của con sẽ rất khan hiếm phụ nữ, chắc gì có đến hai cô mà chọn như chàng hoàng tử trong truyện). Ngủ thôi nào con trai, mai dậy sớm lo học hành. Tí tuổi đầu, yêu với iếc gì. Rách việc!
Bài: Vũ Bách – Thiên Nhai