Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2, Omicron nhiều khả năng dẫn đến các ca mắc COVID-19 không triệu chứng hơn.
So với những biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2, biến thể Omicron có xu hướng gây các triệu chứng nhẹ hơn. Điều này dẫn đến nhận định rằng COVID-19 đang ngày càng ít nguy hiểm hơn so với trước đây, đồng thời khiến một số người đặt câu hỏi tại sao phải cố gắng giảm nguy cơ lây nhiễm, khi tất cả mọi người sớm muộn đều sẽ phơi nhiễm virus. Sau đây là một số lý do các chuyên gia đã nêu ra để khuyến cáo mọi người không nên chủ quan trước biến thể Omicron.
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2, Omicron nhiều khả năng dẫn đến các ca mắc COVID-19 không triệu chứng hơn. Đối với những người có triệu chứng, tỷ lệ mắc bệnh nhẹ với các biểu hiện như đau họng, sổ mũi, và không bị khó thở như các ca nhiễm trước đó là cao hơn.
Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh của Omicron tại nhiều nước, điều này đồng nghĩa rằng sẽ có thêm nhiều người mắc bệnh nặng. Số liệu gần đây của Italy và Đức cho thấy những người chưa tiêm phòng có nguy cơ nhập viện, phải điều trị tích cực hay thậm chí là tử vong cao hơn.
Chuyên gia virus Michel Nussenzweig của Đại học Rockefeller cũng đồng ý với quan điểm rằng sớm muộn tất cả mọi người cũng sẽ phơi nhiễm virus, song cho rằng mắc bệnh càng muộn thì càng tốt hơn. Nguyên nhân là do thế giới sẽ có thêm nhiều thuốc và vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả hơn.
Theo chuyên gia về miễn dịch virus Akiko Iwasaki của Đại học Yale, bạn có thể mắc bệnh nhẹ, nhưng vẫn có thể truyền virus sang cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng, kể cả khi bạn đã có kháng thể từ vaccine ngừa COVID-19 hoặc lần lây nhiễm trước đó.
Các ca nhiễm những biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2, bao gồm các ca nhẹ, và các ca nhiễm “đột phá” sau tiêm phòng, đôi lúc sẽ để lại hội chứng “COVID kéo dài”. Chuyên gia Iwasaki cho biết thế giới vẫn chưa có số liệu về tỷ nhiễm Omicron bị hội chứng “COVID kéo dài.”
Do đó, những người đánh giá thấp biến thể Omicron đang tự đẩy mình vào nguy cơ chịu các hội chứng kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Một vấn đề nữa là các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu biến thể Omicron có để lại các hệ quả “ngầm” như những biến thể trước đó hay không, chẳng hạn như kháng thể tự tấn công tế bào khỏe mạnh, làm suy yếu tinh trùng, hay gây ra sự thay đổi trong các tế bào sản xuất insulin.
Các phương thuốc điều trị Omicron là rất ít khiến các bác sĩ phải cân đối việc sử dụng. Hai trong số ba loại thuốc sử dụng liệu pháp kháng thể được dùng cho các đợt dịch COVID-19 lần trước đều không hiệu quả đối với biến thể này.
Trong khi đó, dù có hiệu quả trong việc chống biến thể Omicron, nguồn cung loại thuốc kháng thể thứ ba là sotrovimab do GlaxoSmithKline sản xuất và thuốc kháng virus mới dạng uống Paxlovid của Pfizer đều rất ít. Do đó, có nguy cơ người mắc COVID-19 không tiếp cận được thuốc điều trị.
Giáo sư về vi trùng học và miễn dịch học của Đại học Columbia, cho biết đối với những người đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản, mũi tăng cường và không có bệnh nền, Omicron sẽ không có quá nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe bệnh nhân.
Tuy nhiên, giáo sư khẳng định số ca nhiễm càng ít thì vẫn tốt hơn, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại, khi các bệnh viện đều đã quá tải và đỉnh dịch của Omicron vẫn chưa xuất hiện tại phần lớn các khu vực của Mỹ.
Omicron là biến thể nghiêm trọng thứ 5 của virus SARS-COV-2 và hiện chưa rõ khả năng đột biến thêm của virus có chậm lại hay không. Tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ tạo cơ hội cho virus đột biến, và không có gì đảm bảo rằng phiên bản mới của virus sẽ lành tình hơn các biến thể cũ hay không.
Chuyên gia Ho đánh giá trong suốt 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã khiến thế giới phải kinh ngạc theo nhiều cách và các nhà khoa học vẫn chưa có cách nào dự đoán xu hướng tiến hóa của virus này.