Những lời nói làm trẻ tổn thương - Tạp chí Đẹp

Những lời nói làm trẻ tổn thương

Sống
Dưới đây là những câu nói bạn nên tránh sử dụng khi trò chuyện, giao tiếp với trẻ nhỏ:

Xưng hô “mày – tao” với trẻ

Nhiều người thường xưng hô “mày – tao” với con. Khi bạn xưng hô như vậy là không lịch sự với con cái và không có văn hóa. Bạn nên xây dựng một nếp sống gia đình truyền thống, tuyệt đối không được xưng hô như vậy với bất kỳ ai trong gia đình, bạn bè…

 

Quát trẻ “im ngay!”

Bạn không nên quát con. Đôi khi, chúng ta nên lắng nghe con cái tâm sự, chia sẻ; như vậy, bạn không chỉ cho con quyền nói mà cả quyền tranh luận một cách dân chủ, thoải mái trong khuôn khổ cho phép. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cha mẹ sau khi có những giải pháp mang tính định hướng.

“Bố/ mẹ không muốn có đứa con như con”

Khi nghe bạn nói câu này, bé sẽ cảm thấy không được thương yêu, tôn trọng và mong đợi. Chúng sẽ mang theo “ấn tượng” này cho đến lớn, và vì thế sẽ khó giữ được tình cảm.

“Bố mẹ không yêu con nữa!”

Khi bạn nói với con trẻ điều đó, thế giới trong mắt chúng gần như sụp đổ. Mối quan hệ với mẹ – đó là chiếc cầu nói chúng với cuộc sống xung quanh, mất chiếc cầu ấy, với trẻ sẽ là một vực sâu mà chúng không biết bám víu vào đâu. Ngoài ra, khi nói câu đó, bạn sẽ không làm cho trẻ nghe lời. Nó sẽ không làm bất cứ điều gì mà bạn yêu cầu với cách dọa dẫm đó.

“Con thật là hậu đậu!”

Khi trẻ bị chê, trẻ chỉ nghĩ đến một điều duy nhất “Mình là đứa chẳng ra gì” và như thế, bạn đã không cho trẻ một cơ hội để thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn. Như thế, hà cớ gì trẻ phải sạch sẽ hơn hay khéo léo hơn? Bản chất của nó đã là như thế rồi mà.

 

“Mẹ đã nói, con không được cãi!”

Đây là câu mà các bậc phụ huynh nhắc lại sau khi đã nói điều gì đó nhiều lần mà con không nghe. Trẻ sẽ hiểu câu này là “Cha mẹ là người lớn, con là con nít, trứng không khôn hơn vịt được”.

“Sao con xấu tính giống bố/ mẹ con thế!”

Chê một người đồng thời chê một người khác nữa thì chẳng hay chút nào, nhất là khi người đó là bố/ mẹ của trẻ. Vậy, bạn không nên chê bai ai đó trước mặt con mình, điều này sẽ làm họ mất lòng và tạo ra sự nhìn nhận không hay của trẻ đối với bố (mẹ).

“Khi bằng con, bố/ mẹ không bao giờ làm thế!”

Việc xây dựng hình mẫu mang tính biểu tượng là bố/ mẹ là điều tự nhiên, nhưng nên làm tấm gương tích cực hơn là đề cao thái độ tiêu cực của trẻ.

“Con mà hư, bố/ mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà”

Điều này khiến trẻ sợ hãi mà sinh ra tâm lý bất an hoặc nghi ngờ tình cảm của bố mẹ hay nghĩ cách đối phó. Câu nói này sẽ gây ấn tượng không tốt cho trẻ và cũng không phải là cách giáo dục tốt.

“Con nhìn xem, bạn con ngoan và học giỏi hơn con nhiều”

Khi so sánh với đứa trẻ khác sẽ có hai mặt, vừa tích cực vừa tiêu cực. Nếu trẻ có suy nghĩ đúng và có tư tưởng phấn đấu sẽ cố gắng học tập bạn tốt, ngược lại nó sẽ phản ứng tiêu cực, sẽ “ì” ra và sẽ không phấn đấu, thậm chí còn làm ngược lại. Chúng ta nên so sánh trong điều kiện, hoàn cảnh phù hợp.

“Con cứ lo học, việc đó đã có người khác lo”

Đối với trẻ, học là việc quan trọng nhất. Tuy nhiên, bạn cũng nên để trẻ tham gia và có ý thức làm các việc khác trong gia đình dù nhỏ từ lau nhà, rửa bát, trông em… Điều này sẽ tốt hơn cho trẻ, thay vì suốt ngày chỉ học trên sách vở.

“Con học giỏi, bố/ mẹ sẽ đáp ứng những gì con muốn”

Việc khuyến khích, động viên trẻ, kể cả treo thưởng bằng mọi giá không phải là biện pháp tốt. Tốt nhất, bạn hãy để cho trẻ thấy được rằng, học giỏi là vì trẻ, lợi ích cho chúng chứ không phải là học cho bố mẹ.

“Con không được thua bạn bè”

Bạn hãy tìm cách động viên trẻ nỗ lực trong mọi việc nhưng không nhất thiết phải luôn hơn ai đó. Bắt con phải hơn mọi người bạn có thể tạo ra mầm mống suy nghĩ ganh đua không lành mạnh, ích kỷ, độc đoán cho trẻ?

Theo CNMS

Thực hiện: depweb

09/01/2013, 17:21