Những loạt phim hoạt hình nổi tiếng gắn liền với xưởng phim Dreamworks

Loạt phim “Shrek”

Phần phim “Shrek” đầu tiên được phát hành vào năm 2001 dựa trên một câu chuyện cổ tích tên “Shrek!” của tác giả William Steig. Nội dung phim xoay quanh Shrek, một gã chằn tinh to khỏe và cô độc nhưng lại không hề xấu xa. Hắn ta bị buộc phải giải cứu nàng công chúa Fiona khỏi tòa lâu đài giữa ngọn núi lửa để lấy lại cuộc sống yên bình nơi đầm lầy của mình, nhưng rồi đã nảy sinh tình cảm với người con gái này. Vượt qua mọi sự tự ti bởi hình dạng xấu xí và đáng sợ của một gã chằn tinh, Shrek đã chinh phục được trái tim của Fiona. Cái kết của bộ phim thực sự khiến khán giả phải bất ngờ bởi sau nụ hôn cổ tích với chàng “hiệp sĩ” Shrek dũng cảm, chàng không trở thành hoàng tử điển trai mà chính Fiona lại biến thành một nàng chằn tinh.

Chằn tinh Shrek đã làm trái tim của công chúa rung động.
Chằn tinh Shrek đã làm trái tim của công chúa rung động.

Với thông điệp không nên đánh giá một con người chỉ qua vẻ bề ngoài, “Shrek” thành công vang dội và khiến DreamWorks trở thành đối thủ cạnh tranh số một của hãng Walt Disney Pictures trong lĩnh vực phim hoạt hình lúc bấy giờ. Thừa thắng xông lên, DreamWorks liên tiếp sản xuất ba phần hậu truyện cho Shrek. Tính đến nay, loạt phim này đã mang về cho hãng khoảng gần 3 tỷ USD từ doanh thu phòng vé toàn cầu.

Loạt phim “Madagascar”

Nói về những thương hiệu hoạt hình thành công của DreamWorks thì không thể không nhắc đến “Madagascar”. Loạt phim được mở màn bằng cuộc phiêu lưu tìm về quê hương châu Phi đầy kịch tính của nhóm bạn thân gồm bốn con thú tại Sở thú trung tâm New York – sư tử Alex, ngựa vằn Marty, hươu cao cổ Melman và cô hà mã Gloria. Trên hành trình này, hội bạn của Alex còn bất đắc dĩ phải đi cùng một bầy cánh cụt vô cùng “hổ báo” và ông vua vượn cáo lắm lời Julien. Cả nhóm thú láo nháo, đứa là thú ăn thịt thì bị bắt ăn chay, đứa là cánh cụt lạch bạch thì thích làm siêu điệp viên, đứa lại ảo tưởng mình là quý tộc thứ thiệt đã mang đến cho khán giả những tràng cười không ngớt bằng sự hài hước đáng yêu của mình.

Hội bạn nhí nhố của sư tử Alex.
Những cuộc phiêu lưu đã giúp tất cả con thú đã thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, cũng như suy nghĩ về nơi thực sự họ thuộc về.

So với hai phần đầu, “Madagascar 3: Europe’s Most Wanted” mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới về mặt hình ảnh. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều ý nghĩa ẩn sau cuộc phiêu lưu thú vị của bầy thú, ví dụ như bài học về tự do đầy cảm hứng mà gánh xiếc rong đã truyền cho bộ tứ khi sư tử Alex muốn về vườn thú trung tâm New York, cũng như những nỗ lực hết mình của sư tử Alex và nhóm bạn để khiến gánh xiếc biểu diễn tốt hơn.

Loạt phim “Kung Fu Panda”

“Kung Fu Panda” là một thương hiệu phim hiếm hoi sở hữu bối cảnh hoàn toàn ở Trung Quốc nhưng lại được giới yêu phim toàn cầu đón nhận vô cùng nống nhiệt. Sự thành công của Kung Fu Panda chủ yếu nhờ vào cốt truyện mang đến cảm hứng lớn lao – một cậu gấu trúc Po béo phì, hậu đậu, mồ côi cha mẹ nhưng cuối cùng lại lĩnh hội được chiêu thức bí truyền võ lâm và trở thành vị cứu tinh của xứ Trung Hoa. Duy chỉ 2 phần phim đầu tiên đã cán mốc doanh thu gần 1.3 tỷ đô la, giúp chú gấu trúc mập ú đáng yêu ghi tên mình vào danh sách những nhân vật “hốt bạc” đình đám nhất cho xưởng phim DreamWorks.

Gấu Po tuy béo bụng nhưng đã trở thành cao thủ võ lâm nhờ sự chỉ dạy của các sư phụ.
Gấu Po tuy béo bụng nhưng đã trở thành cao thủ võ lâm nhờ sự chỉ dạy của các sư phụ.

Điểm đặc biệt của “Kung Fu Panda” ngoài việc tái hiện đúng tinh thần Trung Hoa qua bộ môn Kung Fu, thì phim còn ghi điểm bởi cách truyền tải những bài học sâu sắc và giản dị về tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn; và đặc biệt là khuyến khích khán giả hãy luôn tin tưởng vào sức mạnh nội lực của chính họ.

Loạt phim “How To Train Your Dragon”

“How To Train Your Dragon” là tác phẩm do hãng DreamWorks sản xuất dựa trên câu chuyện cùng tên nổi tiếng của tác giả Cressida Cowell, với nhân vật trung tâm của câu chuyện là một thiếu niên Viking trẻ tuổi có tên là Hiccup. Cậu bé sinh ra và lớn lên ở vùng Berk, với khao khát trở thành một sát thủ diệt rồng giống như lời chỉ dạy của cha. Tuy nhiên, sau khi bắt được con rồng đầu tiên, Hiccup không những không giết mà kết bạn với chú rồng Răng Sún đáng yêu này. Phần phim đầu tiên sau khi ra mắt đã nhận được lòng cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng nhờ vào cốt truyện mới mẻ, hình ảnh trau chuốt và nhiều thông điệp nhân văn.

Hiccup vẫn còn là một cậu bé vào lần đầu tiên gặp Răng Sún.
Hiccup vẫn còn là một cậu bé vào lần đầu tiên gặp Răng Sún.

Bốn năm sau đó, “How To Train Your Dragon 2” được trình làng. Giờ đây, Hiccup không còn là một cậu bé ngây thơ nữa mà đã trở thành một chàng thanh niên 20 tuổi dũng cảm, quyết đoán. So với phần phim đầu tiên, phần 2 sở hữu bối cảnh rộng lớn hơn, hiệu ứng hình ảnh hoành tráng, bắt mắt hơn và cốt truyện cũng phức tạp, căng thẳng hơn rất nhiều.

Phần phim cuối cùng cũng chính là hồi kết cho cuộc hành trình phiêu lưu kỳ thú của đôi bạn thân Hiccup và Răng Sún.
Phần phim cuối cùng cũng chính là hồi kết cho cuộc hành trình phiêu lưu kỳ thú của đôi bạn thân Hiccup và Răng Sún.

Đầu năm 2019, sau một vài lần trì hoãn, phần 3 của loạt phim mang tên “How To Train Your Dragon: The Hidden World” (tựa Việt: “Bí kíp luyện rồng: Vùng đất bí ẩn”) cũng đã được hãng DreamWorks và nhà phát hành Universal ấn định ngày ra mắt. Được khẳng định là phần phim cuối cùng, bộ phim này rất có thể sẽ mang đến một lời tạm biệt đầy xúc động giữa Hiccup và cậu bạn rồng Răng Sún, nhất là khi cậu chàng đã phát hiện ra được một “thế giới bí mật” của riêng loài rồng và ở đó có một cô nàng rồng Light Fury vô cùng xinh đẹp. Phim dự kiến khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 06.02.2019 (Mùng 2 Tết).

 


From the same category