Sự gặp gỡ của kiến trúc và hội họa trong một cảm hứng sáng tạo có thể khiến cho người ta phải ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng một không gian nhập nhoà thực-ảo.
Bề mặt hành lang, sảnh, phòng khách cho đến lối rẽ vào một WC… với người này, chỉ đơn giản là những bức tường tập hợp có trật tự của vật liệu xây dựng nhưng với người khác lại một tấm toan lớn.
Trên đó người thiết kế để mặc cho những cảm xúc của mình dịch chuyển song song rồi gặp gỡ đâu đó với ngẫu hứng của người thưởng thức, sử dụng.
Ngắm nghía những bức tường đó có gì thôi thúc người ta phải liên tưởng đến những tác phẩm của hội hoạ trừu tượng, những nhát vảy màu của Jackson Pollock, những trật tự hình học của Piet Mondrrian, cái phi mô tả, biểu cảm của Wassily Kandinsky…
Hội họa trừu tượng khởi phát từ những năm đầu thế kỷ 20, nó tiếp sau phái dã thú, lập thể.
Đó là một lộ trình tiến thẳng đến cái huyền bí, cái siêu thời gian, siêu không gian, chối bỏ đề tài, khước từ các mô típ cũ trong quan sát, biểu đạt để bất chợt hiển hiển những trạng thái tinh thần khác lạ trong đời sống mỗi con người.
Từ ba màu gốc đỏ-vàng-lam (màu có màu) các họa sỹ thiết kế đã gia giảm, pha trộn với các tỷ lệ riêng biệt nhằm tạo ra vô số sắc thái khác nhau của màu.
Nương nhờ vào ánh sáng như là cách sử dụng đen-trắng và ghi (màu không màu) và định hướng chùm hạt kỳ diệu này vào những mảng đỏ-vàng-lam để kỳ vọng phơi lộ cái toàn sắc của một tác phẩm thiết kế nội thất.
Cũng như sự kết hợp của các số nguyên trong toán học, các nốt nhạc trong âm nhạc chỉ với những màu (có và không có màu) người ta có thể thiết kế cho mình những không gian sống không giống ai, không trùng lắp và đầy cá tính – những không gian để Cảm.
Điều kiện giản dị và duy nhất để có thể thực hiện những tác phẩm này là: đừng vô cảm!/.