Những kẻ thù trong ngôi nhà – P2

Sát thủ tàng hình

 

Đồng hành với hai binh chủng mang tính chất hóa học và sinh học nói trên, binh chủng thứ ba mang tính vật lý và có xu hướng thâm nhập ngày càng nhiều vào không gian nội thất. Đó là sóng điện từ do các đồ điện tử phát ra. Bình thường chúng ta bị bao vây bởi bao nhiêu làn sóng từ dưới đất lên, từ trên trời cao xuống. Những đường dây cao thế, sóng truyền thanh, truyền hình vây bọc chúng ta từ mọi phía. Những năm gần đây, các vệ tinh địa tĩnh đưa xuống Trái đất nhiều loại sóng điện từ khác phục vụ Internet không dây, mạng điện thoại di động…

So với 30 năm về trước, số lượng những làn sóng điện từ chúng ta phải chịu đựng tăng gấp vài trăm lần. Nhưng thiết bị điện tử gia dụng đặt trong nhà, ở thời buổi “a còng” không biết cơ man nào mà kể. Nhà nào chẳng một, hai cái tivi, rồi đầu đĩa, các thiết bị nghe nhạc, lò vi sóng, máy vi tính… “Con dế” ngày càng nhiều chức năng chốc chốc lại ri rỉ bên tai và nằm ngay đầu giường ngủ. Các nguồn phát sóng điện tử cả đấy!

Cơ thể chúng ta, muốn hay không thì cũng trở thành một chiếc ăngten bị hấp thụ một cách cưỡng bức mọi loại sóng từ môi trường xung quanh mà vô phương bảo vệ kể cả ban đêm trong khi chìm trong giấc ngủ, sức đề kháng mất đi đến hai phần ba.
 
Người ta gọi các loại sóng điện từ là “sát thủ tàng hình” không ngoa chút nào. Khoa học đã chứng minh sóng điện từ đối với những người mẫn cảm là thủ phạm gây chứng mất ngủ hoặc ngủ mê mệt, chuột rút, ngứa ngáy, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đau lưng… Từ trường của chiếc máy vi tính – tùy theo thời gian bạn tiếp xúc – có thể gây mụn trứng cá, eczema, nhức mắt,… Chiếc máy điện thoại di động, vật bất ly thân của rất nhiều người, nhất là những cặp tình nhân đang yêu nhau mê mẩn, là chủ đề của cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, song dù sao vẫn là nghi can của bệnh ung thư não.
 
Ánh sáng nhân tạo trong nhà phát ra từ chiếc đèn ống hoặc đền halogien cũng góp phần “ăn mòn” sức khỏe. Có bước sóng khác với ánh sáng tự nhiên mà loài người đã thích nghi từ ngàn đời loại ánh sáng phi tự nhiên vượt ngưỡng cho phép có thể gây stress, bệnh ngoài da, mất ngủ, nhức đầu, loãng xương.
 
Những mỹ nhân tàn ác
 
Trồng cây trong nội thất vừa là cách trang trí “đem thiên nhiên vào trong nhà”, mang lại màu sắc cho không gian sống, làm dịu sự căng thẳng đầu óc, vừa hợp vệ sinh vì người ta đã phát hiện ra nhiều loại cây cảnh có tác dụng hút các chất độc hại – những VOC – vượt quá ngưỡng cho phép và “lọc” không khí, cung cấp thêm oxy cho gian phòng nhờ sự quang hợp. Nếu trong số mỹ nhân có những kẻ độc ác như Bao Tự, Đát Kỷ thì trong số cây cảnh tô điểm cho nội thất cũng có các loài có hại và thậm chí rất độc.
 
Cây hoa đỗ quyên (rhododendron) toàn thân đều độc, qua đường miệng gây nôn mửa, khó thở, rối loạn tiêu hóa.
 
Cây cúc vạn thọ (chrysanthemum) lá và thân chứa chất arteglasin A, khi tiếp xúc gây viêm da.
 
Cây cẩm tú cầu (hydrangea) hoa rất đẹp, to và tròn xoe như một trái bóng do nhiều bông nhỏ gộp lại, bền hàng tháng, và trong thời gian đó chuyển màu từ trắng, sang hồng rồi xanh lơ, lá và chồi có nhựa độc, qua đường miệng gây nôn mửa, đau bụng, đi ngoài, khó thở, và có trạng thái ngủ li bì, mê mệt.
 
Cây trạng nguyên, lá đỏ cờ, mọc xoè ra quanh ngọn trông hệt một bông hoa rực rỡ, lá và thân chứa nhựa độc, gây nôn mửa, làm da sưng tấy. Quả càng độc hơn.
 
Củ của cây hoa loa kèn đỏ có thể gây nôn mửa, đi ngoài. Lan Nhật (Calla Lily) đẹp thật nhưng qua đường tiêu hoá gây đi ngoài, buồn nôn và ói mửa.
 
Cây bách mã (philodendron) xanh mướt quanh năm, lá và nhựa đều độc, chứa canxi oxalat, gây ngứa và bỏng trên da. Có thể sưng miệng, viêm họng.

 

Độc nhất phải kể đến cây trúc đào (oleander), chỉ vài chiếc lá cũng có thể gây chết người. Những triệu chứng có thể là choáng váng, hôn mê, đau bụng, tim đập nhanh và nhất thiết phải đến bệnh viện.

Đó là những cây cảnh và cây hoa thông thường nhất mà chúng ta thường mua về bầy trong nhà, làm tôn lên vẻ sang trọng quý phái và thể hiện khiếu thẩm mỹ của chủ nhân nhưng lợi không bù hại. Cần rất lưu ý khi nhà có trẻ nhỏ. Tốt hơn hết là đành lòng chống lại sự quyến rũ của chúng để không “rước” chúng vào nhà.

Tên nội gián thâm nhập vào mỗi gia đình

 
Thời đại thông tin, nhà nào chẳng có một vài chiếc máy tính có nối mạng để đọc báo điện tử, download một album mới, xem một bộ phim đang ăn khách, mua hàng qua mạng Internet hay ít nhất cũng gửi một lá thư hoặc tán gẫu với bạn bè. Thế nhưng trên mạng biết bao nhiêu con virus đang mai phục, tìm đường xâm nhập vào chiếc máy tính bạn đặt trong phòng riêng, tưởng như nơi mà nếu bạn không cho phép thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trong số này, hàng trăm con đóng vai trò “con ngựa thành Troy”, được giao nhiệm vụ dò xét chúng ta, ghi lại từng chi tiết nhỏ trong hành vi của bạn, từ việc bạn thích xem gì, đọc gì, hay mua bán gì, đến việc quan hệ ra sao, hay chơi với ai và đã từng tâm sự những điều gì thầm kín… Tóm lại, nếu muốn, nó sẽ xử lý những điều thu thập được để dựng lên một bức chân dung khá đầy đủ và chính xác về bạn, để nếu ai cần, nó có thể cung cấp.
 
Chắc bạn sẽ vô cùng tức giận khi bị một tên gián điệp với con mắt cú vọ, xâm phạm vào đời sống riêng tư của mình, dù với ý đồ gì đi nữa.
 
Như vậy là, không gian nội thất của chúng ta không hề an toàn. Biết bao nhiêu kẻ thù xuất phát từ nền văn minh, đa số là không nhìn thấy được đang lẩn quất đâu đây, rình rập từng giờ từng phút để làm hại chúng ta. Nếu chúng ta kể tổng số thời gian sống trong nhà bao gồm cả trong lớp học, văn phòng, nơi công sở hoặc nhà máy thì cả cuộc đời mỗi người chiếm từ 50 đến 90%. Không nghĩ đến chúng sao được!
 
Cuộc chống ngoại xâm và… nội xâm
 
Chỉ mặt gọi tên được những tên giặc luôn lăm le “chọc ngoáy” vào sức khỏe của chúng ta không có nghĩa là biết cách tiêu diệt được chúng. Cuộc chiến chống lại kẻ thù nội, ngoại xâm quả là trường kỳ và mang nặng tính ngăn chặn hơn là chủ động tấn công.
 
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm trong nhà, các kiến trúc sư phải thiết kế những căn hộ thông thoáng, có hệ thống thông gió để “đuổi” chứ không “nhốt” các thành viên VOC trong phòng. Bố trí đồ đạc hợp lý, không có những khoảng ẩm thấp làm hang ổ cho ký sinh trùng và vi sinh vật, ánh sáng tự nhiên hợp với sinh lý của con người.
 
Phải biết cách tự mình tạo ra những kháng thể để chống lại thú “shopping” coi mua sắm là một niềm đam mê lớn nhất, khuân về nhà cả một kho sản phẩm của nền văn minh là những đồ điện tử tân tiến nhưng thường xuyên phát sóng điện từ hay những loại mỹ phẩm sang trọng mà thực chất là một kho hoá chất nhả dần chất độc vào không gian nội thất. Đừng coi chiếc máy tính là “người tình trăm năm” để rước họa vào thân.
 
Những ngày nghỉ, nên coi căn nhà là một nhà tù giam hãm mình suốt cả tuần, mà phải “bùng” ra ngoài trời, đến những vùng yên tĩnh, thoáng đãng, không khí trong lành để xả stress và vớt vát lại những “mẩu” sức khỏe bị hao hụt khi làm việc.
 

 Bảo Châu


From the same category