Trong các thống kê tâm lí học trên thế giới, người ta đã liệt kê ra hàng loạt những nỗi hãi sợ ám ảnh nam giới triền miên từ đời này sang đời khác. Trong đó, hầu như tất thảy đều có liên quan đến thương tổn có thể gây ra cho sự tôn nghiêm vô cùng hệ trọng của kẻ trót sinh ra làm đấng trượng phu ngời ngời đứng giữa trời đất.
Nhưng đó là chuyện của đàn ông quốc tế.
Sự tôn nghiêm của những người đàn ông ở một đất nước bé nhỏ như Việt Nam, trên bình diện chung, lại có những đòn công kích rất riêng.
Đậu nành, rau răm và thuốc lá bạc hà
Đương nhiên, đàn ông, dù quốc tế hay nội địa, có cả tỉ nỗi sợ để đối mặt. Đó có thể là nỗi sợ bị tụt quần nơi công cộng, băn khoăn lo lắng về khả năng giường chiếu và di truyền nòi giống của bản thân, những đợt khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp hàng loạt và những tai nạn trời ơi đất hỡi đe dọa đến rường cột tài chính của gia đình.
Đàn ông mà không biết sợ thì ngành bảo hiểm chỉ có nước phá sản.
Nhưng đó là chuyện của đàn ông quốc tế.
Đàn ông Việt Nam lại có những nỗi hoảng loạn đặc thù thú vị mang tính bản địa.
Sữa đậu nành chẳng hạn!
Thật! Sữa đậu nành, rau răm và cả điếu thuốc lá loại có bạc hà được truyền tụng là những nguyên nhân làm suy giảm khả năng chèo chống gối chăn hay tiềm lực gieo giống của đàn ông. Họ sợ tới nỗi đứng trước tách sữa đậu nành, một gã đầu đinh mặt thẹo cũng đây đẩy chối từ như bà thím ra chợ bị dọa về chất lượng thực phẩm. Kích cỡ của nỗi sợ trở nên to bự hơn cả cái phần thân thể đúng ra là rất cần to bự của đàn ông. Nó khiến những “người hùng địa phương” xứ Việt (với nền kinh tế chung mà ai cũng biết là tụt hậu so với tứ bề lân bang) đột nhiên đưa đất nước lần đầu vượt qua cả tay láng giềng trọc phú trong danh sách quốc gia tiêu thụ các món bổ dương tráng thận từ động vật quý hiếm. Quả tình, trong nỗi sợ cộng dồn của nhiều thế hệ, phát sinh ra một khí phách phần phật đủ để nam giới suốt chiều dài đất nước quần quật tiêu thụ bất cứ thứ gì được truyền tụng hiệu quả tráng dương. Họ sợ tới nỗi mang tiền tài ra vật những con thú không liên quan gì đến dương với thận, thản nhiên giết hại ở mọi mức độ man rợ nhất, tảng lờ những biểu ngữ của trẻ em Nam Phi yêu cầu ngừng giết tê giác ở đất nước chúng. Đối với các ông, nỗi sợ kinh điển mang tính truyền thống đã trở nên to phình, bao trùm tất cả!
Vậy, xét ở góc độ nào đó, dù bấy lâu nay tình trạng kích cỡ và năng lực vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển khả quan cho nòi giống, nhưng rõ ràng một sự an ủi lớn cho cánh đàn ông xứ Việt chính là kích cỡ vượt trội của chính nỗi sợ.
Giá như tôi có thể nói chuyện trực tiếp với trẻ em Nam Phi, những đứa trẻ đã rơi nước mắt khi bắt gặp trong rừng những xác tê giác mẹ không còn bộ mặt và chú tê giác con vẫn rúc vào lòng mẹ tìm giọt sữa sót cuối cùng rằng: “Đừng sợ, những ông người Việt Nam đó hoàn toàn không phải là những ông kẹ độc ác. Họ tội nghiệp, sợ hãi và bé bỏng không kém gì chú tê giác con này. Trên thực tế là bé hơn rất nhiều!”.
Khuôn dung người hùng bé bỏng
Chúng ta sống trong sợ hãi, triền miên sợ hãi.
Nhất là những người đàn ông của chúng ta.
Đó là một thực tế.
Tối qua, tôi đã được chứng kiến ví dụ hiển nhiên của nỗi sợ này tại một dịp đáng để hân hoan: đám cưới. Như mọi hôn lễ truyền thống của công nghệ tổ chức sự kiện đời mới, cha chú rể, một vị cao niên đạo mạo trong bộ suit ngồi sui mà có lẽ ông xỏ tay lần đầu trong đời được mời đến trước máy vi âm, trước ánh mắt của đôi trẻ xúng xính trong bộ dạng chú rể cô dâu đợi chờ lời gia huấn của kẻ sinh thành. Ông tằng hắng và… trượt ánh mắt qua đôi trẻ, nhìn mông lung vào hàng hàng những bàn khách mời bên dưới, bắt đầu với chuỗi “kính thưa…”. Hai cặp mắt của đôi trẻ cụp xuống. Người cha tiếp tục thưa gửi và cung kính cảm ơn, chúc phúc cho… họ hàng bà con hai họ.
Tôi không thấy ở ông niềm hạnh phúc cho ngày thành thân của con trai mình. Tôi không thấy ở đó niềm viên mãn hả hê của bậc sinh thành. Trong ngày đầy tính cá nhân thiêng liêng, ngày mà người cha có thể hãnh diện về công trình hoàn thiện đáng nể nhất của mình, thì người đàn ông khả kính đó đã bị xâm chiếm hoàn toàn bởi một nỗi sợ truyền kiếp: sợ bị chê trách, sợ mất một số thứ tôi chưa thấy ai bị mất – mất mặt và mất lòng!
Vâng, kính thưa quý anh chị, tôi có thể liệt kê ra đây hàng loạt nỗi sợ đủ để nối dài cảm giác khủng hoảng của đàn ông: những cô ả đa mưu đa sự, những cái bẫy ràng buộc, những bà vợ thô kệch cẩu thả hay quyền lực tinh vi, chứng di mộng tinh, các chứng bệnh liên quan đến quai bị, tuyến tiền liệt, sữa đậu nành và cả những ngọn rau răm rất ngon…
Nhưng có lẽ nỗi khủng hoảng to tát nhất của đàn ông Việt Nam cuối cùng lại chính là nỗi sợ bị đồng hóa vượt đường biên giới tính. Trước nỗi sợ đó, hơn cả một bộ phận sinh dục bị teo nhỏ ngộ nghĩnh, họ sẵn sàng xì xẹp những gồng cứng trương phình của bản tính giới, vượt qua mọi cảm xúc thiêng liêng để thúc thủ dưới chiếc ách vĩ đại kềnh càng và trừu tượng của những lời bình phẩm thường là không thổ lộ thẳng vào mặt đương sự. Những “kính” và những “thưa” đã đặt một đám đông vô hình (xin lỗi, có thể có cả sếp cũ và ông bác trưởng họ trong đó) lên trên khoảnh khắc giá trị nhất nhì trong đời người đàn ông đó.
Chính vì một cái “mặt” không thể “mất”, người đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn cả thiên chức bản ngã của mình, hùng hổ vượt qua những ba-ri-e cơ bản nhất của vai trò Mẹ Thiên Nhiên ban tặng cho giống đực: vai trò vật chủ đầu đàn. Một cách kiên cường và đầy khí phách, họ tạm đặt sang bên sự tôn nghiêm của người chủ gia đình và những cảm xúc cồng kềnh xa xỉ để chui tọt hiền lành vào bộ đồ ngồi sui, xốc vác lo lắng cho từng chiếc ghế trống, cân nhắc mọi sự hiện diện của quan khách. Nỗi sợ đủ đá thốc họ ra khỏi những khu biệt thự hạng sang để cày bừa cật lực, bị thúc hối sau lưng bởi nỗi sợ “nghèo hơn thằng hàng xóm”, bởi ngôi nhà hay chiếc xe hơi trả góp – tất cả những phương tiện vật chất kì lạ làm nên khuôn mặt không-thể-để-mất của đấng trượng phu đứng phần phật giữa đất trời.
Nếu phụ nữ với nỗi sợ suy tàn nhan sắc vẫn hàng ngày đắp đổi lên da mặt những món mỹ phẩm thơm tho thì đàn ông lại chọn làm dáng đắp đổi lên khuôn mặt thật của mình những xe, nhà, và điện thoại.
Nếu người phụ nữ điệu đàng lịch sự có thể thét lên thảng thốt khi phát hiện một mảng phấn sáp bị trôi đi, một quý cô đỏm dáng rên lên u uất bởi mảng sơn móng tay bong mất, thì ắt quý ông quý anh sẽ thét lên thống thiết hơn rất nhiều, khi một ngày lớp trang điểm cồng kềnh kia tuột mất. Muốn chiêm ngẫm điều này, hãy quan sát một chủ xe đắt tiền hoảng loạn nhón chân lò dò thăm viếng một vết trầy trên chiếc xe “mặt mũi” của mình và sẵn sàng xông vào lay cổ bác ba gác khốn khổ trót gây ra vết xước bạc tỉ kia, hay cách một thiếu gia lừng lẫy hùng hổ dọa nạt một cô nhỏ 17 tuổi vì tội làm facial “lột mặt” mình. Người hùng bé bỏng nọ đã hoàn tất cảnh giới tối cao của nỗi sợ đàn ông, đã quả cảm đạp lên những ưu chất nam nhân căn bản để bảo vệ điều tưởng như chỉ mang giá trị thẩm mỹ đối với chị em phụ nữ: cái mặt!
Bài: Trác Thúy Miêu