Nhiều người Việt lái xe ô tô một cách rất bản năng và vô tư đến mức vô văn hóa, không chỉ gây khó chịu cho các phương tiện khác mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Chưa có thống kê chính thức nhưng có lẽ người Việt bấm còi (kèn) gần như mọi lúc trên đường. Việc này tạo nên vô vàn âm thanh hỗn tạp gây nên những ức chế, mệt mỏi cho người đi đường. Đôi khi, đèn đỏ còn chừng 3 giây mới chuyển xanh nhưng các xe phía sau đã bấm còi inh ỏi thúc giục đi. Ngay cả những nước trong khu vực Đông Nam Á, bạn có thể đi cả ngày không nghe thấy một tiếng còi xe. Ở Mỹ, nếu bấm còi có thể được hiểu là thích gây chiến với nhau.
Tình trạng thường xuyên diễn ra trên các tuyến phố đông người, nhiều chiếc ô tô không chịu nôi đuôi xếp hàng mà tách ra lấn luôn sang làn ngược chiều, số khác lấn kín cả làn bên phải khiến xe máy chỉ có cách đi… lên vỉa hè. Đây là hành động thể hiện kiểu “khôn lỏi” vừa cản trở giao thông, vừa cho thấy ý thức cực kém của tài xế. Nhiều xe máy thì lạng lách, tạt đầu trước xe ô tô để vượt lên.
Ngoại trừ một số rất ít người chưa biết cách sử dụng đèn pha (chiếu xa) và cos (chiếu gần), nhiều người vẫn không chịu cụp pha về cos dù phương tiện đối diện có nháy đèn bao lần đi chăng nữa. Khi bị đèn chiếu thẳng vào mặt, có thể gây nên tình trạng lóa mắt trong mấy giây, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Nhiều lái xe còn trang bị/độ thêm các loại đèn siêu sáng khiến các phương tiện khác rất ức chế và khó chịu, điều này còn thể hiện văn hóa giao thông kém.
Người đi bộ nào cũng muốn sang đường một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Dù đã có vạch kẻ, biển báo đầy đủ nhưng nhiều xe vẫn mặc kệ, bấm còi inh ỏi hoặc phóng nhanh lách qua người đi bộ. Hãy nhường đường và dành đủ thời gian và không gian cần thiết cho người đi bộ sang đường.
Nhiều người có tính kiểu “ghen ăn tức ở” khi thấy xe bên cạnh vượt lên một cách hợp pháp thì cũng tăng tốc đuổi theo, hoặc họ chạy chậm, giữa hai làn đường, thậm chí là lạng qua lạng lại khiến nhiều xe không thể vượt lên nổi.
Lái xe tuân thủ tốc độ theo quy định và cẩn thận là tốt nhưng tốc độ quá chậm sẽ khiến cản trở giao thông. Ví như cao tốc cho phép chạy 120km/h mà chiếc xe ở làn trái ngoài cùng cứ 60 -70 rồi cao lắm là 80km/h, cũng không chuyển làn khi các phương tiện phía sau ra tín hiệu xin vượt. Trường hợp này gặp rất nhiều trên cao tốc, nếu chạy chậm, xin hãy chạy ở làn ngoài cùng bên phải (bên cạnh làn khẩn cấp).
Lái xe như vậy vừa tự gây nguy hiểm bằng cách khiến các xe khác chạy chậm lại, vừa có nguy cơ bị đâm vào đuôi. Nên nhớ, không nên chạy liên tục ở làn bên trái, hay làn ngoài cùng, bởi đó thường là làn chạy nhanh và để rẽ trái. An toàn nhất là chạy làn giữa trên cao tốc.
Nhiều người phớt lờ luật cấm nhắn tin, dùng tay bấm nghe điện thoại khi lái xe ô tô. Nếu bạn thấy một ai đó đang mải dùng điện thoại, có thể là chiếc xe của họ sẽ chạy rất chậm gây cản trở, hoặc có khi lạng sang hai bên, hoặc đột nhiên phanh gấp thậm chí là rẽ chẳng thèm ra tín hiệu.
Nhiều người có thói quen lái xe bám sát vào đuôi xe khác, ngay cả khi chạy trên cao tốc. Việc này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi xe phía trước đột ngột phanh gấp, xe sau sẽ không có không gian để phanh kịp. Hãy giữ khoảng cách an toàn tùy theo tốc độ xe di chuyển. Nếu đâm vào xe phía trước, xe sau thường là người phải đền bù.
Lái xe khi đã sử dụng rượu bia bị phạt rất nặng và hành vi này cũng bị cấm tuyệt đối, nhưng không ít người vẫn tự tin điều khiển xe khi đã say mềm. Điều này vô cùng nguy hiểm, không chỉ cho bản thân và còn cho các phương tiện khác.
Không ít phương tiện vô tư vượt lên khi đèn đỏ vẫn còn 3-4 giây, thậm chí là hơn , điều này không chỉ vi phạm luật mà còn gây nguy hiểm cho các làn xe giao cắt, có thể gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông chỉ vì vội vài giây này.
Có lẽ không khó để bắt gặp tình trạng người ngồi trong xe ô tô vô tư hạ cửa kính rồi ném rác, tàn thuốc hay khạc nhổ ra ngoài. Hành động này thể hiện ý thức kém cũng như có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện khác khi họ bị giật mình tránh né hoặc xử lý.