Những gợi ý cho một CV xin việc đúng chuẩn

Bạn đã được tuyển! Đây là một trong những câu nói có khả năng làm ta hạnh phúc. Nhưng trước khi nghe được câu nói đó, bạn cần phải làm điều quan trọng này trước đã: thiết kế một CV đúng chuẩn.

CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae, được hiểu là một văn bản dài khoảng 2 trang, phô bày những kĩ năng, định hướng nghề nghiệp và giá trị mà bạn sẽ đem lại cho nhà tuyển dụng. Bạn thuần thục trong công việc. Bạn có kĩ năng tuyệt hảo. Bạn có những phẩm chất vượt bậc hơn rất nhiều người khác. Nhưng bạn sẽ chẳng có lấy cơ hội chứng tỏ nó nếu thất bại ngay từ vòng CV. Vậy nên hãy đầu tư kĩ lưỡng cho bản CV, và CV sẽ giúp bạn làm nốt phần còn lại.

Dưới đây là những điều bạn cần nắm về một CV đúng chuẩn, cách trình bày từng phần của một bản CV và những lưu ý liên quan. Hãy cùng tìm hiểu và tự mình viết một CV đúng “gu” của các nhà tuyển dụng.

Điều cần làm trước khi viết CV

Bạn cần làm bài tập! Không nhà tuyển dụng nào thích một ứng viên thiếu hiểu biết về công ty và vị trí ứng tuyển. Thế nên bạn nên làm 2 bài tập nhỏ sau đây trước khi bắt tay thiết kế CV đúng chuẩn:

Thứ nhất, đọc kĩ bảng mô tả công việc. Bằng cách này, bạn sẽ biết được một ứng cử viên tiềm năng cần có những kĩ năng gì, phẩm chất gì, sẽ đảm nhận những công việc gì. Sau đấy, hãy chọn ra những từ khóa và khéo léo lồng ghép nó vào bản CV của mình. Lưu ý: Bạn không nên bê y xì những kĩ năng yêu cầu trong bảng mô tả công việc vào CV.

Thứ hai, xác định mức độ kinh nghiệm. Có 3 mức căn bản:  1) Entry level – ít kinh nghiệm/chưa có kinh nghiệm; 2) Middle level – kinh nghiệm/kỹ năng ở mức độ vừa; 3) Senior level – cấp cao, chuyên sâu. Xác định mức kinh nghiệm của mình sẽ giúp bạn chọn cách sắp xếp phù hợp cho các nội dung trong bản CV. Ví dụ, nếu bạn ít kinh nghiệm thì nên đưa phần học vấn và kĩ năng lên đầu. Ngược lại, đưa phần kinh nghiệm lên trên nếu kinh nghiệm của bạn từ mức độ vừa trở lên.

Bắt tay vào viết CV nếu bạn đã hoàn thành 2 bài tập trên!

Cách viết CV

Nhà tuyển dụng chỉ dùng khoảng 6 s để lướt qua bản CV. Vì vậy, bạn cần một bản CV được trình bày rõ ràng, tổ chức hợp lý, không mắc lỗi chính tả và liên quan đến vị trí ứng tuyển để biến 6 giây đó trở nên đáng giá.

Thông thường, một CV sẽ có 5 nội dung được sắp xếp theo thứ tự sau:
1. Thông tin cá nhân (Hoặc thông tin liên hệ)
2. Giới thiệu (tóm tắt ngắn gọn về bản thân)
3. Kinh nghiệm làm việc
4. Học vấn
5. Kĩ năng

1. Thông tin cá nhân

Ở phần thông tin cá nhân, bạn cần có những thông tin sau:

  1. Tên
  2. Vị trí ứng tuyển
  3. Email
  4. Số điện thoại
  5. Địa chỉ cư trú
  6. Địa chỉ website (nếu có)

Lưu ý: Bạn có thể thêm đường link dẫn tới profile trên LinkedIn hoặc profile của bạn trên các trang tuyển dụng khác.

2. Giới thiệu bản thân

Lưu ý thứ nhất, bạn không nên bỏ qua phần giới thiệu bản thân, vì đây chính là một trong những phần căn bản quyết định CV của bạn có chuyên nghiệp hay không. Hãy xem nó như một trailer phim, cố thu hút nhà tuyển dụng bằng cách nhấn nhá những chi tiết quan trọng nhất.

Lưu ý thứ hai, phần giới thiệu bản thân không hẳn là viết về… bản thân bạn. Bạn nên viết theo hướng có lợi cho nhà tuyển dụng. Bạn có kĩ năng ư? Kĩ năng đó có lợi gì cho nhà tuyển dụng? Bạn có phầm chất tốt ư? Phẩm chất đó có lợi thế nào cho nhà tuyển dụng? Ví dụ thay vì viết “Tôi rất muốn trở thành một kế toán viên cho công ty ABC”, hãy viết “Tôi có kinh nghiệm 3 năm làm việc như một kế toán viên, và là người tỉ mỉ, cầu toàn trong công việc”.

Lưu ý thứ 3, đừng dài dòng, hãy tóm gọn trong 1-3 câu. Một trailer tốt không có nghĩa là chiếu cả bộ phim.

3. Kinh nghiệm làm việc

Nếu bạn từng làm nhiều hơn một công việc, hãy sắp xếp chúng theo thứ tự lùi dần thời gian. Bắt đầu với công việc hiện tại rồi tới các công việc trước đây. Với mỗi công việc, hãy liệt kê theo thứ tự sau:

– Chức vụ

– Tên công ty

– Thời gian làm việc

– Tối đa 5 gạch đầu dòng giải thích nhiệm vụ/thành tích của bạn

Lưu ý: Chủ yếu dùng động từ dựa trên những từ khóa trong bảng yêu cầu công việc. Và đừng dông dài, chỉ chọn ra những nhiệm vụ chính, những thành tích nổi bật nhất của bạn.

4. Học vấn

Cũng tương tư như phần kinh nghiệm làm việc, học vấn được sắp xếp theo thứ tự lùi dần thời gian. Ở phần này, bạn sẽ cần chuẩn bị các thông tin sau:

  1. Tên trường/tổ chức giáo dục
  2. Thời gian nhập học và thời gian tốt nghiệp
  3. Bằng cấp và ngành học

5. Kỹ năng

Kỹ năng có hai loại là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Trong đó, kỹ năng cứng là những kỹ năng chuyên môn, phục vụ cho ngành nghề của bạn. Kỹ năng mềm là thái độ và cách bạn làm việc. Chẳng hạn kỹ năng cứng có thể là thành thạo tiếng Anh nói và viết, có khả năng editing, có khả năng viết tin tức báo chí,… Kỹ năng mềm là khả năng làm việc linh hoạt, chịu được áp lực cao, khả năng giao tiếp tốt.

  1. Viết dưới dạng bullet points
  2. Không liệt kê quá 10 kỹ năng.
  3. Không sao nguyên các kỹ năng yêu cầu trong mô tả công việc vào CV.
  4. Đảm bảo các kỹ năng liên quan tới vị trí đang ứng tuyển

Ở trên là toàn bộ những lưu ý cần thiết nếu bạn muốn viết một CV đúng chuẩn. Bây giờ tới lượt bạn thu hút nhà tuyển dụng bằng bản CV chuyên nghiệp của riêng mình!


From the same category