Những kẻ khốn khổ với chứng cuồng dâm
Michael Fassbender vào vai Brandon trong “Shame”
“Sex addicted” (Con nghiện tình dục) – một khái niệm không mới, nhưng chưa bao giờ những “người bệnh” này được nhìn nhận dưới con mắt bao dung của xã hội. Họ bị kì thị, xa lánh, luôn luôn sống trong mặc cảm và cô đơn. “Shame” (Hổ thẹn) của đạo diễn và nhà sản xuất người Anh – Steve Mc Queen – là một góc nhìn đầy ám ảnh về cuộc sống của những người như thế. Bộ phim đã từng nằm trong danh sách nặng ký tranh giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan Phim Cannes lần thứ 68, năm 2011.
Nhân vật chính trong phim là Brandon, một doanh nhân thành đạt của New York hiện đại, khoác lên mình những bộ quần áo chỉn chu, mái tóc vàng óng được chải mượt không chệch một sợi, nhìn vẻ ngoài, khó ai nghĩ anh là kẻ lạc lõng trong thế giới “bệnh hoạn” của mình. Brandon khổ sở, hổ thẹn với chứng nghiện tình dục, anh vật lộn trong mối quan hệ với cô em gái. “Shame” khai thác trực diện về vấn đề này với những tình huống gai góc, nó khiến nam diễn viên Michael Fassbender bị ám ảnh sau thời gian quay phim. Rõ ràng, tình dục và nói về tình dục chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trên màn ảnh.
Hình ảnh trong “Nymphomaniac”
Ngoài “Shame”, không thể không nhắc tới “Nymphomaniac” (Người đàn bà cuồng dâm), một tác phẩm gây tranh cãi của đạo diễn Lars von Trier ra mắt năm 2013. Và trước đó, “Antichrist” (Tội lỗi vườn địa đàng) của của đạo diễn Las von Trier cũng từng gây sốc cho người xem vì những cảnh cưỡng dâm của một cặp vợ chồng trong tình trạng đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trong “Nymphomaniac”, tình dục trở thành một nỗi ám ảnh của nhân vật nữ chính, thứ đã tách cô ra khỏi xã hội và khiến cô mất hết mọi thứ. Những cảnh nóng trực diện trải dài hết hai phần phim với đủ các cung bậc cảm xúc, hệt như những trò đùa. Cuối cùng chính người phụ nữ này nhận ra sự ngớ ngẩn và vô tình mà xã hội ném trả lại mình trên hành trình cô đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu nhục dục mới.
Thế giới của những người đồng tính chưa được phản ánh đúng?
Trong một nghiên cứu của nhóm hoạt động vì quyền lợi người đồng tính Glaad, trên 102 bộ phim họ nghiên cứu chỉ có 17 phim có sự góp mặt của những diễn viên đồng tính, hoặc chuyển giới. Hầu hết các bộ phim đó, cuộc sống của các nhân vật đồng tính đều mang màu sắc u tối, hoặc phải sống trong sự phân biệt của xã hội.
Sarah Kate Ellis, CEO của Glaad cho rằng, sự thiếu vắng của các nhân vật LGBT thực sự trong các bộ phim, cộng với cách xây dựng nhân vật đồng tính hài hước theo kiểu lỗi thời, khiến Hollywood đang làm hại cộng đồng LGBT hơn là giúp đỡ họ. “Những nhà đài này có hàng triệu khán giả toàn cầu, và họ nên phản ánh đúng thế giới của chúng ta thay vì xây dựng nên những định kiến đối với những người LGBT trên toàn thế giới”.
“Dallas Buyers Club”(Căn bệnh thế kỷ) là bộ phim về một cộng đồng những kẻ đồng tính cùng khổ sống nương tựa vào nhau. Jared Leto vào vai một người chuyển giới sống lay lắt vì bệnh tật. Câu chuyện của Jared Leto phản ánh cuộc sống khó khăn mà người chuyển giới (transgender) phải đối mặt. Sự từ chối của xã hội, cách cộng đồng coi người chuyển giới như một phần “kì lạ” của tổng thể đời sống và soi mói đời tư của họ – là điều những người này phải đối mặt hằng ngày. “Như một cây xương rồng mạnh mẽ nhưng cằn cỗi giữa hoang mạc”, những người chuyển giới như Rayon vật lộn trong sự cô độc, túng thiếu. Bộ phim đạt tới 6 giải Oscar như “Dallas Buyers Club” là một góc nhìn cực đoan nhưng không bi luỵ về thế giới LGBT.
Trong khi đó, “Sense8” là một trong những series truyền hình mới, có sự góp mặt của một diễn viên chuyển giới và do một người chuyển giới làm đạo diễn. Góc nhìn cực đoan về tính dục được khắc hoạ đậm nét trong mối quan hệ đầy cấm đoán giữa hai cặp đồng tính. Nhân vật Nomi (trước đây là Michael), một hacker thông minh, xinh đẹp có vai diễn như kể về chính cuộc đời mình, thể hiện những mặt sáng tối quanh cuộc sống với bạn tình. Nomi phải đối mặt với sự tàn nhẫn của mẹ ruột, với sự thờ ơ của xã hội và sự nhạy cảm của ngay chính những người trong thế giới LGBT của cô. Với sự thể hiện chân thật, diễn viên Jamie Clayton đã nhận được những phản hồi tích cực ủng hộ cho thế giới của LGBT trên màn ảnh. Chưa bao giờ, cộng đồng người đồng tính được nhìn nhận như một phần chung của xã hội. Vì thế những người đồng tính nam như Lito, là một diễn viên nổi tiếng để tránh việc bị mất hết sự nghiệp đành phải che giấu giới tính của mình, sống trong sự đam mê vụng trộm và thường trực khao khát.
“Lilting”(Thế giới thứ 3), bộ phim có sự góp mặt của Ben Whishaw, một trong những diễn viên Anh mới công khai đồng tính gần đây.
Tham gia liên hoan phim Sundance năm ngoái, có một bộ phim Anh lặng lẽ và buồn như chính cái tên của nó. “Lilting”đưa người xem khám phá cuộc tình kì lạ giữa hai kẻ yêu, mà đau lòng thay chính một trong hai người mẹ lại chưa bao giờ có ý niệm về một chuyện tình đồng tính của con trai mình. Để tới khi con trai mất đi, kẻ yêu còn lại với trái tim tan nát phải cố gắng xây dựng không chỉ là một mối quan hệ, mà là một ý thức hệ trong một người mẹ đau khổ. Bộ phim khắc hoạ cái nhìn cực đoan của bà mẹ người châu Á đối với những khái niệm về tính dục đồng tính, tuy nhiên đồng thời xoay chuyển điều đó bằng sự cảm thông và tình thương yêu. Hai đề cử của Sundance và một giải thưởng chính là những đền đáp cho sự đóng góp xứng đáng của toàn bộ ekip sản xuất làm nên một tác phẩm tuyệt vời.
Bài: Ngọc King
Ảnh: WB, Brother