Những "giấc mơ Mỹ" của tôi - Tạp chí Đẹp

Những “giấc mơ Mỹ” của tôi

Tin Tức
>> Xưởng sản xuất giấc mơ

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa đặt chân đến Mỹ, đã quên cuốn sách viết gì nhưng đâu đó những câu chuyện tôi nhìn thấy cũng là những cái nhìn về nước Mỹ, một giấc mơ trọn vẹn với người này, một giấc mơ dang dở với người khác và một giấc mơ chưa từng có trong đời ai đó chả bao giờ quan tâm đến tỷ giá đồng đô la hay chiến sự Lầu Năm Góc.

Câu chuyện cuối năm

Sài Gòn những ngày cuối năm nhộn nhịp, tôi đón một chiếc tắc xi ra sân bay. Bác tài niềm nở câu chuyện ngay khi nghe điểm khách đến: “Đón kiều hả con, năm nay ăn Tết to nhỉ?”.

Tôi người Bắc lơ ngơ cũng chưa ăn nhập câu chuyện lắm, chỉ hiểu đại khái là bác hiểu nhầm tôi đi đón kiều bào ở sân bay và nhờ có kiều bào mang kiều hối về, năm nay tôi chắc hẳn sẽ có một cái Tết no đủ. Tôi chỉ cười vu vơ không hiểu sao bác lại đã nghĩ ngay ra cho tôi một câu chuyện có nhiều tình tiết thế. Nhưng đến lúc ra sân bay, nhìn dòng người lũ lượt vòng trong vòng ngoài chờ đón người thân ở nước ngoài về, tôi mới chợt hiểu ra rằng chuyện bác tài xế hỏi mình là chuyện phổ biến cuối năm, rằng bao nhiêu người ở Việt Nam đang đợi người thân mang về cho mình một góc phần nào đó của giấc mộng Mỹ.

Chuyến bay chồng tôi về trễ hai tiếng. Hai tiếng ngồi chờ ở sân bay ngoài dự kiến, tôi lần lượt chứng kiến những câu chuyện đứt đoạn của rất nhiều hoàn cảnh. Một cô có lẽ đã đi Mỹ lâu năm lắm rồi, về đến sân bay nhìn thấy mẹ già lụ khụ đứng chờ, cô thảng thốt khóc lên: “Má ơi, con đây nè má, má ơi má ơi!”. Rồi cô dẫn ra hai đứa trẻ con đang đứng ngơ ngác với chồng hành lý cao ngất giới thiệu: “Má ơi, thằng lớn nè, thằng bé nè”.

Cô hẳn đã đi xa gia đình quá lâu, hẳn đã sinh ra hai đứa con trong đời chưa một lần biết Việt Nam, chưa một lần gọi bà ngoại, chưa biết cuộc sống khác với Hoa Kỳ thế nào. Và cô nức nở: “Bao nhiêu năm nay giờ mới được về ăn Tết”. Chắc hẳn thế mà số người đi đón cô cũng đông, dù quê cô ở tận miền Tây xa Sài Gòn cả vài trăm cây số.

Một người khác cùng chuyến bay với cô thì thầm lặng hơn. Đón anh chỉ có mỗi cô vợ. Anh đi học hai năm bên Mỹ về Việt Nam ăn Tết. Năm ngoái anh cũng muốn về lắm, nhưng thị thực người ta cấp cho anh là “single entry”, vào Mỹ một lần rồi thôi. Năm ngoái anh nhớ vợ, nhớ Việt Nam nhưng không dám về, sợ cái cảnh qua cầu đứt ván, về rồi không sang lại được nữa thì mệt. Năm nay anh liều về, dù cũng thấp thỏm lo âu không biết sẽ sang lại Mỹ thế nào để tiếp tục cái sự học hành còn dang dở. Giấc mơ đến rồi giấc mơ cũng có thể đi, như chiêm bao ngắn ngủi thôi.

Câu chuyện đầu năm

Đầu xuân đi chơi ở Đà Nẵng thì được tận hưởng cái cảm giác vừa vặn của thời tiết hai miền: không quá giá rét như miền Bắc, không quá “ấm áp” như miền Nam. Ở Đà Nẵng, tôi gặp một gia đình, đã đợi đến 15 năm để chuẩn bị được vào Sài Gòn phỏng vấn qua Mỹ sống. Thời gian mở hồ sơ cho đến khi được xét duyệt xong thủ tục ban đầu đủ cho họ có thêm hai đứa con gái út, nuôi chúng lớn lên thành những thiếu nữ xinh xắn và chuẩn bị cho chúng vốn Anh ngữ dồi dào để có thể hòa nhập ngay với cuộc sống mới bất kỳ lúc nào có thể.

Anh con trai đầu của họ lại qua tuổi 21, nghĩa là theo luật Mỹ không thể được ăn theo bố mẹ nữa nên nếu lần phỏng vấn này thành công, gia đình họ sẽ đi sang Mỹ sống và đợi thêm chừng 8 năm gì đó để đủ quyền bảo lãnh tiếp anh con trai đầu qua. Cuộc đoàn tụ trên miền đất hứa sao mà gian nan. Không biết người trong cuộc có nghĩ những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời là những năm tháng chờ đợi. Nếu trong 8 năm đợi chờ đó, anh con trai đi lấy vợ, có con. Vợ con anh sau này muốn sang lại phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa. Không thể bắt anh ngừng có thêm những mối quan hệ mật thiết trong đời cũng như không thể ngăn cái vòng chờ đợi bớt luẩn quẩn.

Câu chuyện giữa năm

Bạn tôi sang Mỹ ba năm sinh liền hai đứa nhóc. Hai vợ chồng loay hoay với hai đứa liền nhau mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ hai bên nội ngoại. Bạn cứ thật thà nói là tuy cực một chút nhưng được cái việc lớn là tranh thủ mấy năm bố cháu xong cái bằng tiến sĩ thì mẹ cũng hoàn thành sự nghiệp con cái và hai đứa vì sinh ra ở Hoa Kỳ nên nghiễm nhiên được quyền công dân Mỹ.

Sau này cả nhà có về Việt Nam sống đi chăng nữa mà bọn trẻ lúc lớn lên muốn qua Mỹ học hành cũng thuận tiện và đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Bố mẹ vất vả chút vào thời điểm này nhưng về sau con lại có rất nhiều cơ hội mà nếu sinh ra ở Việt Nam con sẽ phải rất khó khăn mới có được.

Thằng anh tuổi rưỡi ngay lập tức được gửi đi nhà trẻ rẻ nhất khu vực gần nhà để phù hợp với túi tiền của bố mẹ. Nó nói chuyện với ông bà ở Việt Nam toàn khoe là con trắng nhất lớp vì học toàn với các bạn da đen làm bà nội phải suy nghĩ mấy ngày mới hiểu ra câu nói của cháu. Thằng em cũng chỉ kịp ở lại nước Mỹ được hơn một tuổi, chưa kịp bập bẹ mấy từ tiếng Mỹ đã về đi học mẫu giáo với các bạn trường làng.

Hai đứa giờ quên hẳn tiếng Mỹ rồi, cũng chả cần biết mình có hai quốc tịch thế nào, chưa hiểu khái niệm công dân ra sao nhưng bố mẹ thì ngồi giữa Hà Nội cũng có phần yên tâm là vài năm nữa con của mình vẫn có thể xin được suất học ngon lành đâu đó ở đất nước phát triển cách xa nửa vòng Trái đất chứ không phải hớt hải đi dò la các mối quan hệ để lục tục chạy trường mỗi khi con đến kỳ chuyển cấp. Lại cũng tặc lưỡi: Mấy năm vất vả của bố mẹ coi như là cái phí trả cho cơ hội được lựa chọn của con trong tương lai…

Bài: Thanh Yên

Thực hiện: depweb

07/06/2011, 11:45