Những Eva bên ngoài rìa lá nho

Nếu những mẫu bikini bỏng rẫy treo máng lên các thân hình Vệ nữ rập khuôn chính là kẻ tội đồ của bình đẳng giới, khi đặt ra một chuẩn mực ngục tù và thẳng tay đẩy hơn 90% nữ giới còn lại của nhân loại vào hàng nhan sắc thứ phẩm và những nạn nhân của thảm họa ăn kiêng, thì cũng chính những rẻo vải eo hẹp ngoạn mục này lại xứng đáng là biểu tượng nữ quyền khi được ưu ái đặt trên thân thể thật thà của những người đàn bà bên ngoài trang bìa tạp chí, những nữ nhân tự định đoạt tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng của bản thể.

Từ vụ nổ của những đường cong cứu rỗi…

Giới sử học vẫn cứ khẳng định rằng chính hai quả bom của quân Đồng minh dội xuống nước Nhật đã kết thúc Đệ nhị Thế chiến trong cú “knock out” thảm khốc kinh hoàng, nhưng giới thời trang lại nhận định hoàn toàn khác: chính quả bom mang cái tên vui nhộn Bikini, phát hỏa tại vùng duyên hải Riviera vào thời hậu chiến mới thật sự là vụ nổ sau cùng, vĩnh viễn kết thúc thời kỳ đen tối, mở ra kỷ nguyên hòa bình và hào nhoáng cho Châu Âu, mở màn cho tư tưởng hiện sinh cuối thập niên 60 và đại cách mạng tình dục tại phương Tây những năm 1970 kéo dài cho đến tận ngày nay. Vụ nổ thời trang ấy, với những lớp thịt da căng mẩy sinh lực chỉ chực nhảy phóc ra khỏi những rẻo vải nhỏ xíu, đã lây lan, rung chấn suốt khắp các miền duyên hải Âu châu cho đến Hoa Kỳ và bùng nổ lẫy lừng không kém ngay giữa thủ phủ các quốc gia Á châu vốn xưa nay tỏ ra chừng mực nghiêm cẩn. Brian Hyland và đám thanh niên choai choai nghêu ngao đoạn điệp khúc thần chú “Itsy bitsy teenie weenie yellow polka dot bikini” lôi tuột những cô nàng cả thẹn cuối cùng ra khỏi những vòng khăn tắm quấn chặt để tự do giải phóng thân mình vào cơn sốt bikini đang bỏng rẫy. Người ta tán thưởng sự tự tại của những người đàn bà tôn thờ tuyệt đối bản thể của mình và ca tụng một cách phô trương những thân hình phồn thực theo mọi trường phái, từ vẻ đẹp phồn thực Phục hưng, những bộ ngực phẳng và bắp đùi Charleston đầu thế kỷ, những thân hình đồng hồ cát thuộc Kỷ Hào nhoáng 1950, cho đến kiểu thanh mai mảnh dẻ với bộ ngực trai non lép kẹp của những ả tomboy tóc ngắn hơn một thập niên sau đó. Chưa bao giờ hình ảnh con dân thần Vệ nữ tại các bãi tắm trở nên đa sắc đa chủng đến vậy, với mọi loại kích cỡ, phom dáng hình hài. Chưa bao giờ cái đẹp nhục thể được trưng phô dưới ánh mặt trời, theo nghĩa đen, một cách an nhiên và hân hoan đến vậy. Những thân thể tù túng được giải phóng thỏa thuê, những rẻo vải vẫn ở nguyên vị trí chiến lược của mảnh lá nho trên vườn Địa đàng, nhưng con cháu Eva đã tiến hẳn một bước dài từ hành vi cả thẹn của thủy tổ, từ tâm thế che đậy đến tâm thế tôn vinh. Những mảnh “lá nho” đương đại được tô điểm, tạo dáng, và thiết kế tinh vi như thể các nhà thiết kế phải dùng đến kính lúp để tạo cấu trúc cho những mảnh chất liệu càng ngày càng teo nhỏ ấy.

… đến ngành công nghệ thiết kế ná thun

Có thể nói, những người đàn bà xinh tươi ấy chính là những chiến binh “quả cảm” khi ngạo mạn vượt qua chỉ trích và sự dè dặt phơi lộ thân thể mình dưới ánh nắng mặt trời (trừ những trường hợp hiếm hoi tắm đêm), và chính những mảnh áo tắm bé xíu đã sắm vai trò lau khô nước mắt hậu chiến cho toàn thế giới. Tại Cannes, đào Brigitte Bardot “tham chiến” lẫy lừng và ở Hoa Kỳ, người đẹp tóc vàng Monroe cũng tung “bom” hiển hách.

Khái niệm “phô trương” trong thời trang thay đổi ngoạn mục. Sự phô trương đẹp mắt không còn là những diềm váy nặng nề xa xỉ, những pháo đài che chắn bằng ren và lụa, những tấm khiên của thứ phẩm hạnh cồng kềnh, mà trở thành màn phô diễn khoái hoạt thật thà của những thân hình đủ kiểu, của da thịt trần tục, và trên hết, một tinh thần tự tại, say sưa sống và sẵn sàng yêu đương từ những phiên bản Eva tiến hóa.

Cũng chính từ đó, nữ giới bắt đầu đặc biệt quan tâm đến đường nét hình thể, sức khỏe làn da, và thậm chí dáng điệu cử chỉ của thân hình khi hầu như không còn một sự thật nào về họ mà ánh mặt trời không rọi được đến, ngoài ba điểm “chiến lược”, số thẻ ngân hàng, và bí danh thân mật thời con gái của bà thân mẫu. Và những “hệ lụy nô dịch” cũng bắt đầu, với các trang bìa tạp chí đăng tải hình ảnh bóng nhẫy của những thân hình siêu thực. Những cô nàng với nhục thể vừa được khai phóng cách đó không lâu lại trở thành nạn nhân của trò nô dịch thẩm mỹ mới. Họ thậm chí không dám thực hiện hai hành vi cơ bản là ăn và thở phía những cái bụng được hóp lại. Họ bắt đầu học cách thư giãn và tắm nắng trong trạng thái cực kì bất tiện của những mũi chân duỗi thẳng căng như vũ công ballet. Cùng lúc, các loại kem, sữa chống nắng, dầu rám nắng, dịch vụ bikini wax phát sinh và làm ăn phát đạt hơn bao giờ hết, hình thành cả một nền công nghệ sản phẩm và dịch vụ giúp đồng hóa những thân hình phồn thực với các người mẫu trang bìa.

Ở tâm điểm ngành công nghệ ấy, hẳn nhiên là các hãng sản xuất đồ tắm, dù một tỉ lệ lớn sản phẩm được bán ra chưa một lần thực sự nhúng nước và được sở hữu bởi những nữ chủ nhân không hề biết bơi. Oái oăm hơn nữa, đó là một nhánh thời trang thiết kế nên những thứ mà chính hãng sản xuất cũng kì vọng sẽ không phải là thứ thu hút ánh nhìn, mà dồn vầng hào quang vào chính những phần thịt da mà nó không che phủ tới. Những phần “sự thật cuối cùng” ngày càng bị thu hẹp lại, cho đến khi hình dáng chiếc lá nho vườn Địa đàng trở thành một thứ trông gần giống cái ná thun được kẹp một cách ngặt nghèo giữa vùng địa hình cực kì hiểm trở.

Câu hỏi được đặt ra là: liệu những rẻo chất liệu ấy còn thu nhỏ được thêm bao nhiêu? Liệu chúng có phình to trở lại, và kết thúc trong một vòng xoay nhàm mòn muôn thuở của thời trang?


Nữ vệ binh kiêu hãnh sau những mảnh bikini

Nếu thời trang, trên cả chức năng che đậy và làm dáng, là thông điệp chủ kiến cá nhân thể hiện trên vải vóc, thì đối với bikini hay áo tắm nói chung, trên cả chức năng bơi lội tắm gội, ngôn ngữ thông điệp cá nhân ấy được thể hiện một cách mạnh mẽ và đẹp mắt không phải trên những rẻo vải li ti thiết kế cầu kì, mà trên chính phần thịt da thân thể được kiêu hãnh trưng bày.

Sự thành công lớn lao khủng khiếp của ngành thời trang thân thiện với môi trường do khai thác rất ít chất liệu vải sợi ấy được quyết định không phải bởi tinh thần yêu chuộng các môn thể thao dưới nước, và chắc chắn cũng không bởi nhu cầu che đậy thân thể của  phụ nữ nói chung. Những mảnh bikini, những bộ swimsuits vẫn thay đổi trường phái và trào lưu theo mùa, không hề kém cạnh dòng thời trang chính thống, và mỗi đợt đi biển, một tín đồ sành điệu luôn có nhu cầu sắm một bộ mới dù nàng đã sở hữu vài bộ bikini đủ kiểu đủ màu. Tất cả bắt nguồn từ tâm lí tôn thờ bản thể – điều gợi cảm và kích thích hơn tất thảy những miếng độn ngực và các loại thuốc nam khoa bổ ngang khỏe dọc.

Chìa khóa cứu rỗi của mọi vòng xoay trào lưu thời trang áo tắm lại chính là thứ nằm bên ngoài những mảnh vải được cắt to hay xén nhỏ. Đó có thể không hề là những vòng eo siêu thực, làn da sánh ngang với những triền cỏ sân golf không tì vết và những đôi chân có thể kéo vút lên tới tận mang tai. Họ là những thần nữ mang trên mình mọi thủ pháp độc nhất vô nhị của tạo hóa ưu ái dành riêng cho từng cá thể, những vết bớt, những vết rạn kiêu hãnh của thiên chức, hay những hình xăm đầy thái độ của những ả đi bốt cưỡi mô tô. Tất cả được an nhiên phơi lộ thật thà, những đặc thù độc nhất mà chỉ riêng Nàng sở hữu.

Chính những phần thân thể được phô phang hào phóng ấy nói lên tất cả về nữ chủ nhân, một cách thuyết phục và gợi cảm hơn chính những rẻo vải được kì công thiết kế.

Họ không giống như những hình ảnh trang bìa tạp chí, nhưng quan trọng nhất là họ không cố gắng để giống với bất kì ai. Đàn ông ngưỡng mộ họ bởi vị trí độc tôn tự tại ấy, và hình dung gợi cảm về người đàn bà đương nâng niu ve vuốt thân thể mình không chỉ bởi những loại kem hảo hạng, những ánh mắt và tiếng huýt sáo tán thưởng trượt trên làn da bóng nhẫy rám nắng, mà từ trong tâm thế kiêu hãnh an nhiên của bản thân.

Những cậu thanh niên và những gã đàn ông, họ có thể chọn tìm đến với những thân hình phồn thực hay những bộ ngực mỏng dính theo sở thích và rung cảm cá nhân, nhưng hơn ai hết, từ bên trong những rẻo bikini nhỏ xíu, chính mỗi người đàn bà mới thật sự là người học yêu thương và tôn thờ bản thể một cách thật thà và chung thủy nhất, dưới mọi hình hài, vượt qua mọi dao động biến hóa của các số đo và tôn thờ tụng ca đến tận từng tì vết.

Nàng xác lập chế độ độc tài trên chính thân thể mình, và thách thức mọi bộ quy chuẩn của các ban giám khảo giải hoa khôi tỉnh lị lẫn những bộ lịch 12 tờ bóng bẩy.  Chính năng lượng tự tại ấy là trang sức của Nàng, và chính mọi khổ lụy cùng ân phước của một thân thể đàn bà ấy hình thành nên những thánh đường xứng đáng được nghiêng mình tôn thờ và chiếm hữu.

 Bài: Trác Thúy Miêu

logo


From the same category