Những dòng sám hối và ước nguyện đoàn tụ

Bà mẹ lầm đường

Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) chìm trong cái rét như cắt da cắt thịt của những ngày giáp Tết. Trần Thị My (SN 1960, quê Hưng Yên) ngồi một mình cắm cúi ghi chép. “Lại làm thơ đấy à?” – Đại úy Trần Thị Huyền, Trưởng phân trại K3 (phân trại nữ), lên tiếng khiến nữ phạm nhân luống cuống vơ mấy tờ giấy viết dở.

“Mẹ tôi mới vào thăm, đến lúc đi ra, bà gục đầu vào bờ tường khóc, khiến tôi mất ngủ mấy hôm. Nghĩ thương mẹ già còn lặn lội khổ tâm vì mình, tôi làm mấy vần thơ cho khuây khỏa”, My nói mà đôi mắt đỏ hoe, hai dòng nước mắt dần lăn trên má. Khi chúng tôi hỏi về chồng My, nữ phạm nhân ngoài 50 tuổi bỗng khóc lên như một đứa trẻ: “Chồng tôi thương vợ lắm. Anh ấy liên tục vào thăm và động viên tôi, nhưng đã hơn 3 tháng nay, anh ấy không đi được nữa. Chồng tôi bệnh nặng lắm, nghi ung thư…Không biết tôi có trở về kịp để chăm sóc anh ấy không”.

Khi phạm tội, Trần Thị My là Kế toán trưởng và Chủ tịch công đoàn của một công ty dược ở Ninh Bình. Đánh vật nuôi con, nuôi bố mẹ bằng đồng lương ít ỏi, trong khi chồng là lính biên phòng đi biền biệt, khát khao làm giàu thôi thúc My gom góp ít vốn đi đánh hàng Trung Quốc. Không có kinh nghiệm, My liên tục thua lỗ, mất vốn. Túng quẫn, My nghĩ ngay đến khoản tiền của cơ quan mà mình đang “tay hòm chìa khóa”.

 Cuối năm 2005, My bị xử 16 năm tù vì tham ô 450 triệu đồng. My cho biết con trai duy nhất vừa tốt nghiệp đại học. Người mẹ lầm lỗi vừa vui mừng vừa tủi phận, mỗi khi nhớ đến đứa con trưởng thành thiếu bàn tay mẹ.

“Mẹ vẫn nhớ khi bị bắt, mẹ đã xin các chú công an đừng bắt mẹ và khám nhà vào buổi trưa vì sợ con đi học về nhìn thấy…Khi làm việc lầm lõi, mẹ chỉ nghĩ làm sao kiếm nhiều tiền để mua cho con cái nhà trên Hà Nội, để sau này con có chỗ ở ăn học, làm việc. Mẹ biết cả nhà, đặc biệt là con đã rất đau đớn khi nghe người ta nói mẹ là tội phạm. Đêm đầu tiên trong trại giam là một sự kinh hoàng đối với mẹ. Đầu óc mẹ quay cuồng với câu hỏi đau đớn: Con đi học về không thấy mẹ sẽ ra sao? Liệu con có vượt qua được để thi đỗ kỳ thi đại học sắp tới?” – My cho các PV xem những dòng viết trong cuốn sổ tay đã ngả màu.

Lá thư lần này của My sẽ đến tay người thân trước Tết. Trên tờ giấy dày đặc nét chữ nắn nót, có những dòng loang mực vì thấm nước mắt: “Mẹ vẫn nhớ đêm giao thừa tự tay làm mâm cơm cúng tổ tiên, tự tay mẹ chọn cho con bộ quần áo mới đi chơi đầu năm mới, tự tay mẹ làm những phong bao lì xì cho mọi người. Mẹ vẫn nhớ những lời chúc của con, của bố, ông bà vào ngày mồng một Tết. Mẹ tin tưởng nếu cải tạo tốt thì sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình…”.

Người vợ ghen tuông

Vụ án do Đỗ Thị Mùi (SN 1979, quê Thái Bình) gây ra làm chấn động một vùng quê. Vợ chồng Mùi có 2 mặt con, cuộc sống khá giả khiến nhiều người thèm thuồng. Nhưng rồi Mùi phát hiện ra chồng có người đàn bà khác, những lời khuyên ngăn của Mùi không dứt được người chồng ra khỏi cuộc tình vụng trộm. Những cuộc cãi vã liên tục xảy ra, sau đó chồng Mùi thưởng bỏ đi, mặc kệ Mùi chăm hai đứa con nhỏ cùng với nỗi ghen tuông ngày một lớn.

 

Đỗ Thị Mùi, người phụ nữ gây án vì ghen tuông (Ảnh: Công An TP HCM) 

Ghen quá hóa hận, đêm 23-12-2009, trong lúc chồng ngủ say, Mùi cầm dao cắt phăng “công cụ lang chạ” của chồng. Rất may các bác sĩ đã nối lại được “thằng nhỏ” cho anh ta, nhưng Mùi vẫn bị xử 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Mùi mất mẹ từ tấm bé, bố Mùi “gà trống nuôi con” không quản ngại điều gì để bù đắp cho đứa con gái sớm côi cút. Hẳn vì điều ấy, trong lúc cùng quẫn nhất, Mùi chỉ muốn giãi bày những ấn ức cùng bố mình: “Chuỗi ngày đau khổ mà con đã cắn răng giấu bố, con sống trong ghen tuông mù quáng, bất lực không biết cách bảo vệ hạnh phúc gia đình mình. Con ân hận nhiều lắm. Con trách con sao chỉ nghĩ cho bản thân. Sự ghen tuông đã khiến con lu mờ lý trí. Con xin lỗi bố. Lúc đó, con hành động đã không nghĩ tới bố để bây giờ bố đã gần 80 tuổi mà vẫn đau đáu mong con trở về, để hai đứa con nhỏ bơ vơ không có mẹ…”.

“Bố ơi, Tết này là cái Tết thứ tư con xa bố, xa các con của con. Giờ con chỉ mong được về ngôi nhà nhỏ nơi bố đang mòn mỏi chờ con. Con sẽ đón hai đứa con về đoàn tụ và xin chúng tha thứ. Bố ơi, chờ con nhé, chỉ còn 2 cái Tết nữa là con sẽ trở về. Lúc đó con sẽ chăm sóc bố tuổi già. Ở trong này, con học được nghề may sau này về nhà con sẽ mở tiệm may kiếm tiền nuôi bố và các cháu…”.

Nhắc đến người chồng cũ, Mùi bùi ngùi cho biết anh ta đã lấy vợ mới. Tưởng sẽ đau thêm nhưng hóa ra tin này lại giúp Mùi nhẹ nhõm phần nào. “Em chỉ mong được tha thứ và người ta hạnh phúc với gia đình mới…” – Mùi nói.

Đứa con lang bạt

Lê Bích Vi (SN 1993, ở Lạng Sơn) vốn là đứa bé không cha, sống nhờ họ hàng vì mẹ đi tù do buôn ma túy. Học chưa hết cấp 2, Vi suốt ngày dạt nhà để đánh nhau, trấn lột và đập đá. Để có tiền ăn chơi, Vi cùng lũ bạn thường mang dao, phớ đi cướp của những người chạy xe máy buôn gà lậu qua biên giới trong đêm. Có lúc cần tiền, Vi về nhà lấy trộm của bà ngoại và dì ruột. Tháng 7-2008, người nhà phải gửi Vi vào Trường giáo dưỡng số 2 (Bộ công an).

Chỉ sau một thời gian ngắn nhập trường, Vi nhanh chóng được phong đại ca. Để củng cố vị trí của mình, Vi đánh trọng thương một học viên khác (tỉ lệ thương tật hơn 50%) để rồi lĩnh 4 năm tù giam khi đang ở tuổi vị thành niên.

Lúc con gái vào tù thì mẹ Vi được ra tù. Sự ngang tàng, lạnh lùng của Vi tan chảy như nắm tuyết bị dội nước sôi mỗi khi ai đó nhắc Vi về mẹ. Bản năng khao khát thương yêu dường như càng bị đè nén thì càng hiển hiện mãnh liệt trong nỗi ao ước của đứa con gái mới lớn. Những bế tắc, mâu thuẫn, và cả những oán giận ứ tràn của Vi như dồn hết vào những lá thư gửi người mẹ một thời lầm lỗi.

“Mẹ ạ, nhiều khi con buồn, chán và tuyệt vọng trước số phận của chính bản thân con. Con không thực sự biết mình cần gì, muốn gì, cho nên cuộc sống của con trở nên vô nghĩa… Suốt thời gian qua, con không biết gì về mẹ, không có những kỉ niệm về mẹ, không hiểu gì về con người của mẹ. Con nhớ như in cái khoảnh khắc mẹ xuống thăm, cái khoảnh khắc ấy chẳng có gì khiến con có thể quên được: xa lạ, lạnh lùng và vô cảm đến rùng mình. Con ngạc nhiên và đau lòng, chứ không hề cảm thấy vui mừng… Tại sao mẹ đẻ ra con mà không nuôi con? Tại sao mẹ không ở bên quan tâm chăm sóc như bao đứa trẻ khác có mẹ? Tại sao mẹ không đưa đón con đi học, đi chơi như con hằng mong ước? Tại sao? Tại sao?”.

Vi nói sẽ không đánh mất mình nữa, ngã ở đâu sẽ đứng dậy ở chỗ đó. Khát khao về một mái ấm vá víu, nỗi thèm thuồng tình mẫu tử của Vi trút vào những câu chữ đau lòng. “Cuộc đời con đã có quá nhiều nỗi buồn mà chẳng có tuổi thơ.

Điều con mong mỏi nhất bây giờ là làm sao có nhiều kỉ niệm đẹp về mẹ, nó sẽ giúp con đứng vững trước mọi thử thách. Con chỉ mong sắp tới được ra trại, được ăn cái Tết đầu tiên cùng mẹ, được mẹ mua cho bộ quần áo mới, được mẹ lì xì cho ít tiền để ăn quà. Và mẹ, đừng bao giờ đi đâu nữa…”.

(Theo Tiền phong số Tết)

From the same category