Những đối lập trớ trêu từ bộ phim “Chappie”

Khi robot mang tâm hồn trẻ thơ đi cướp

Khác với hai bộ phim đã rất thành công trước đó là “District 9” (Tựa Việt: “Quận 9”) và “Elysium” (Tựa Việt: “Kỷ nguyên Elysium”); ở “Chappie”, vị đạo diễn sinh năm 1979 mang đến bối cảnh “viễn tưởng” cách thời hiện tại chúng ta đang sống chỉ vài năm.

Vì là tương lai gần nên bối cảnh phim tạo nên cảm giác khá thân thuộc. Xuất phát đểm cho phim là câu chuyện về việc ứng dụng “trí tuệ nhân tạo” (AI – Artificial Intelligence) trong cuộc sống. Đây là chuyện không quá xa lạ với nhiều người, bởi từ vài năm trở lại đây, khái niệm về AI đã được coi như một xu hướng mới trong ngành công nghệ thế giới.

Ở đây, Chappie, tên nhân vật chính là một người máy mang trí tuệ của con người. Như anh chàng này tự nói: “Tôi có ý thức. Tôi là cơ thể sống. Và tôi là Chappie”. Vì là robot có cảm xúc và biết nghĩ suy như thế nên Chappie khác biệt hoàn toàn những robot khác, tiêu biểu là hàng loạt robot được một công ty tự động hoá cung cấp để hỗ trợ công việc của cánh sát, hay người máy huỷ diệt Moose luôn sẵn sàng chiến đấu.

Điều trớ trêu đầu tiên cũng chính từ xuất thân của Chappie. Ban đầu Chappie cũng chỉ là một robot cảnh sát, giống như hàng loạt “đồng sự” khác ở Johannesburg. Sau khi bị hư hỏng trong một cuộc vây bắt, Chappie được Devon (Dev Patel) giúp hồi sinh bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo – thứ mà chàng kỹ sư tài năng này đã theo đuổi, nghiên cứu lâu nay. Như vậy, một robot cảnh sát “không làm đau con người” ra đời.

Chính xuất thân oái oăm này đã kéo Chappie bước vào một tình huống trớ trêu khác. Đó là khi Chappie rơi vào tay một băng nhóm bụi đời, chuyên cướp bóc đứng đầu là cặp đôi Ninja và Yolandi (tên trong phim cũng là nghệ danh ngoài đời). Một robot mang tâm hồn trẻ thơ thì liệu sẽ thực hiện những công việc tàn bạo ấy như thế nào?

Điều trớ trêu tiếp theo đến từ chính người chế tạo nên Chappie – nhà khoa học trẻ Devon. Anh muốn thấy được thành quả nghiên cứu của mình, nhưng kết quả là, “đứa bé” bằng máy mà anh tạo và ra sức dạy dỗ, giáo dục, bị cướp khỏi tay anh để phục vụ cho những mục đích buộc cảnh sát phải ngăn chặn. Devon tạo ra “tính người”, nhưng khó lòng dẫn dắt được “tính người” đó…

Rõ ràng “triệu phú khu ổ chuột” Devon là “maker”, tức người tạo ra Chappie; nhưng bước ra đời, đứa trẻ Chappie lại coi hai người cầm đầu băng đảng cướp bóc là bố và mẹ chúng.

Cũng lại thật oái oăm, nếu ai bảo những kẻ ngỡ hoang dại, không có tình người, được coi như những sát thủ máu lạnh như Ninja và Yolandi thì không biết yêu thương? Đây chính là lúc bộ phim của đạo diễn gốc Nam Phi và Canada mang đến những khoảnh khắc đặc biệt, hóm hỉnh. Yolandi, người được Chappie gọi là “mẹ” thì thường vỗ về Chappie: “Con không phải một chiếc máy. Con khác biệt. Mẹ yêu con!”,Để sống sót thì con phải chiến đấu”… Còn với Ninja, người ép Chappie gọi bằng “cha” thì dạy Chappie cách cầm súng, cách đi đứng như một tay anh chị…

Sự “ngớ ngẩn” của Hugh Jackman

Nói đến đây thì không thể không đề cập đến một trong những nhân vật quan trọng nhất của bộ phim, đó là Vincent Moore. Đây cũng là một kỹ sư tài năng, lão luyện, đang theo đuổi dự án phát triển người máy chiến đấu Moose. Vai diễn này do ngôi sao hạng A của Hollywood – Hugh Jackman – thể hiện. Lần này, “người Sói” vào vai có yếu tố phản diện, có tư tưởng chống lại việc triển khai “trí tuệ nhân tạo”.  

Điều trớ trêu đối với Vincent là con người này chỉ thực sự thấy mình hữu dụng khi nắm quyền điều khiển sản phẩm robot huỷ diệt của mình. Robot Moose sẵn sàng nã đạn vào đối tượng cần trừng trị để đạt được thành tích mà không một chút ghê tay. Rõ ràng Moose hay Chappie đều là những cỗ máy, nhưng Vincent lại từng bảo Chappie: “Mày biết đầu mày chứa cái gì không? Chỉ là một chuỗi những mạch điện!”


Vai diễn của anh trong “Chappie” có thể gây cảm giác nuối tiếc với ai từng là fan của Người Sói, bởi xem phim họ sẽ không hiểu sao Jackman lại rũ bỏ hình tượng anh hùng và hào hoa, để “sắm” một vai có vẻ ngoài tuềnh toàng, có phần lôi thôi và tính cách thì nhạt nhoà, có phần ngớ ngẩn. Nhưng đạo diễn đã thành công trong chủ đích tạo ra sự đối lập từ vẻ bề ngoài giữa hai nhân vật Vincent Moore (của Hugh Jackman) và Devon (của Dev Patel)

Xem “Chappie”, hẳn nhiều người sẽ ngẩn ngơ tự hỏi: liệu có ranh giới nào không giữa mạch điện, trí tuệ nhân tạo và cảm biến thần kinh não bộ? Điều gì khiến con người khác biệt với robot và máy thì khác gì với con người?

Ở đây, lại xuất hiện thêm một điều trớ trêu còn lại, có lẽ cũng là sự cao tay của đạo diễn, khi qua những trường đoạn kịch tính, hài hước; thì còn khiến khán giả phải nghĩ.

Đó là lúc con người phụ thuộc vào máy móc, thậm chí, con người trở thành robot để có thể sống sót. Vậy thì có phải khi chúng ta ngày càng lạm dụng sự tự động hoá, để máy móc giải quyết thay hầu hết mọi thứ, để rồi con người không còn phải nghĩ nhiều, mọi thao tác cuộc sống trở nên dễ dàng; thì cũng chính là lúc máy móc trở nên tinh vi hơn, đến mức có thể “thưa cha, gọi mẹ”?

Tất nhiên, cái hay của “Chappie” còn chính là ở chỗ bạn có thể chẳng cần nghĩ nhiều khi xem phim. Bởi vì sao? Bởi vì đây là bộ phim dễ xem, mang tính giải trí cao với nhiều màn hành động bắt mắt và đặc biệt là phần nhạc phim cực bắt tai do chính Ninja và Yolandi của ban nhạc nổi tiếng nhất Nam Phi – Die Antwoord – thể hiện.

“Chappie Underground Concert” là đêm nhạc được truyền cảm hứng từ Chappie – bộ phim về chú robot được sinh ra và lớn lên tại khu ổ chuột của thành phố Johannesburg (Nam Phi). Với thông điệp “Live your life, try your best”, đêm nhạc là sân chơi tự do cho giới trẻ yêu thích âm nhạc underground và thể hiện bản thân qua những vũ điệu sôi động.

Tại Việt Nam, “Chappie Underground Concert” sẽ được tổ chức ngày 15/03/2015 (từ 19h – 22h30). Địa điểm: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (207 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà  Trưng, Hà Nội). Cách tham dự: giữ cuống vé phim Chappie để vào cổng.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: Galaxy Studio


logo


From the same category