Những điều trông thấy ở chùa Trăm Gian

Những điều mà chúng tôi trông thấy, bắt gặp ở đây cũng đủ khiến cho những ai quan tâm, yêu quý di sản này cảm thấy yên tâm phần nào, nhưng trong đó lại xen lẫn một vài nỗi bức xúc, trăn trở khác mà lâu nay chưa thấy được đề cập một cách riết róng…

Tầm 10, 11 giờ ngày 1.9, chùa Trăm Gian khá nhộn nhịp với những bóng áo trắng học trò, những đoàn khách hành hương về thăm chùa và cả những người nghe đài, đọc báo thấy bảo chùa bị… phá hết rồi.

Qua vài câu đưa chuyện, những cô cậu học trò cấp ba cho biết, họ đến từ huyện Thanh Oai, Quốc Oai. “Chúng cháu được biết chùa Trăm Gian đã lâu nhưng hôm nay mới có dịp đến. Chùa rất đẹp chú ạ, nhưng hơi tiếc là vệ sinh ở đây chưa được chú ý”, một cô học trò trong nhóm nói. Và tất nhiên, nhóm học trò này không hay biết gì về việc có một vài hạng mục của khu di tích bị xâm phạm mà dư luận phản ánh mới đây.

Tiền đường, gác Chuông là hai trong rất nhiều hạng mục công trình kiến trúc cổ vẫn được giữ nguyên vẹn. 

“Chùa vẫn còn nguyên đấy chứ!”

Ở dưới gác Chuông cổ kính, một trong những hạng mục công trình tụ chứa giá trị kiến trúc nghệ thuật cao trong tổng thể chùa Trăm Gian có một nhóm du khách ở Hà Nội tìm về. Bên chén nước vối thơm nồng, họ bàn tán khá rôm rả về chùa Trăm Gian, trong đó chủ yếu nói đến việc báo chí phản ánh chùa Trăm Gian bị huỷ hoại. “Các bác có thấy chùa bị huỷ hoại không?”, chúng tôi ướm hỏi, một người trong nhóm đáp: “Ừ, thì cũng có một số chỗ làm mới ở phía sau đó thôi (nhà Tổ, gác Khánh – PV), còn lại vẫn nguyên đấy chứ”.

Nếu ai đã từng một lần đến chùa Trăm Gian và để ý quan sát một chút đều dễ dàng nhận thấy rằng, khi bước vào “lãnh thổ” của ngôi chùa thì phải đi qua Tam quan. Kế sau hạng mục này là hai công trình tả Mạc và hữu Mạc.

Từ đây du khách sẽ đi lên bia quan Hiếu, gác Chuông, bậc cấp đá cổ, gian Tiền đường, Tam bảo, hành lang tả, hành lang hữu, sau đó mới đến gác Khánh, nhà Tổ. Theo giới nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, đấy là những hạng mục công trình làm nên những giá trị hiếm có của di tích chùa Trăm Gian.

Về niên đại của những công trình kiến trúc này, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết khởi đầu chùa được dựng từ thời Lý (1185). Sang thời Trần, chùa trở nên nổi tiếng với nhà sư có nhiều màu sắc Mật Tông là Nguyễn Bình An. Lịch sử và truyền thuyết là như vậy nhưng dấu tích về di sản văn hoá vật chất, mang giá trị khảo cổ và nghệ thuật vẫn còn nằm trong “vùng mờ” về sự hiểu biết của chúng ta.

Thời gian sau, những vết tích độc đáo còn lại cụ thể chỉ có một số gốm thời Mạc (thế kỷ XVI). Do trải qua chiến tranh cũng như sự huỷ hoại của thời gian, những dấu tích đó cũng bị tàn phá nhiều. Một số mảng chạm (không nhiều) thuộc niên đại thế kỷ XVII, XVIII cũng được giữ lại ở trên toà Tam Bảo và gác Chuông. “Nhìn chung, nơi đó hội tụ nghệ thuật tạo hình từ thế kỷ XVII cho tới nay, mà chủ yếu là thời Nguyễn. Và trong toàn bộ cấu trúc của chùa Trăm Gian thì hầu như các đơn nguyên kiến trúc như nhà Tổ (nhà Hậu) và gác Khánh đều là sản phẩm của thời Nguyễn muộn”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những hạng mục quan trọng như Tam quan, tả mạc, hữu mạc, gác Chuông, gian Tiền đường, Tam bảo, hành lang tả, hành lang hữu và những bảo tháp… hiện vẫn đang đứng vững cùng thời gian với màu rêu phong cổ kính. Kể ra những điều trên để thấy một thực tế rằng, chùa Trăm Gian không bị xâm hại một cách hoàn toàn và phủ khắp trên các bộ phận kiến trúc như một số thông tin phản ánh mà nó vẫn đang hiển hiện trầm mặc trong màu xanh của rừng cây cổ thụ.

Những cấu kiện gỗ cũ, gạch, ngói, chân bậc đá… bị hạ giải từ 3 hạng mục đã được sắp xếp gọn gàng, bảo vệ để phục vụ công tác hoàn nguyên

“Không tin, cứ đi kiểm tra”

Tuy nhiên, như đã phản ánh, sự việc đáng tiếc thậm chí là đau lòng đã xảy ra ở chùa Trăm Gian khi nhà chùa, chính quyền sở tại tự ý hạ giải nhà Tổ, gác Khánh, bậc cấp đá cổ trước sân Tiền đường để thi công, dựng mới không theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bậc đá trước sân Tiền đường đã được làm mới như kiểu bậc lên xuống dẫn vào một trụ sở cơ quan nhà nước; nhà Tổ đã được làm mới hoàn toàn và không có bất kỳ một cấu kiện cũ nào được sử dụng lại.

Gác Khánh đã dựng xong bộ khung cột. Toàn bộ những hạng mục công trình này đã bị đình chỉ thi công và các nguyên vật liệu đã bị hạ giải như ngói lợp cũ, gạch, chân đá tảng và các cấu kiện gỗ cũ đã được sắp xếp gọn gàng, có bạt phủ che bảo vệ chờ ngày hoàn nguyên.

Nói chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạnh, bán nước sát dãy nhà hành lang tả cho biết, gần một tuần nay không thấy bóng dáng người thợ nào vào làm nữa. Cũng trong thời gian này, nhiều đoàn của cơ quan nhà nước đến kiểm tra và lập biên bản gì đó. Có lẽ vì chuyện này nên mấy ngày nay nhà chùa đóng cửa. Nếu muốn vào dâng lễ, thắp hương thì phải đi cửa sau. “Nói thật với các chú, tôi không biết đúng sai ở đâu cả. Nhưng bán nước ở đây gần cả chục năm thì tôi biết rất rõ rằng, nhà Tổ đã xuống cấp lắm rồi. Cách đây không lâu, có một bà nhà ở gần đây vào làm lễ ở nhà Tổ. Đang lúc làm lễ, một khúc gỗ rơi trúng vào vai bà ấy. Hiện vẫn đang nằm điều trị ở nhà. Các chú không tin thì cứ đến kiểm tra”, vừa phe phẩy cái quạt, bà Hạnh vừa nói.

Môi trường, cảnh quan của di tích không được quan tâm

Bảng quy định bảo vệ di tích vừa rách, vừa mờ;

Cổng di tích có dòng chữ WC, còn gian hữu Mạc thì có hiệu cắt tóc;

Trâu bò được chăn thả ngay khu vực gác Chuông;

Trong hai gian tả, hữu Mạc người dân vô tư căng bạt, mở dịch vụ

Sự suy giảm, mất mát giá trị kiến trúc của nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp đá cổ thì đã quá rõ; sự vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hoá khi tiến hành thi công những hạng mục này cũng đã được xác định; sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền khi xảy ra vụ việc này cũng đã được kết luận, nhưng còn một vấn đề khác ít được đề cập, nói chính xác là không được quan tâm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của di tích, đó là công tác bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường sinh thái trong khu vực di tích.

Ngay trước Tam quan xuất hiện nhiều đống phế thải. Hai tấm bia hạ mã ở đây cũng bị cỏ cây phủ mờ. Trên cổng nhỏ, người ta đã ngang nhiên viết thẳng tấm biển “WC”. Phía trong hai công trình tả mạc, hữu mạc, người dân vô tư bày bán đủ thứ và tổ chức nấu nướng, ăn ngồi vạ vật.

Cũng tại khu vực này, mấy chủ cửa hàng chăng bạt một cách vô tội vạ. Hàng quán, hiệu cắt tóc không chỉ xuất hiện nơi đây mà còn lấn vào gác Chuông và sau lưng mấy bảo tháp. Từ Tam quan cho đến trước sân Tiền đường dường như không được làm vệ sinh. Trâu bò thoải mái đi lại. Những cây thông bị ngã đổ cũng không được chăm sóc. Một tấm bảng được xây đặt ngay trong chùa trên đó ghi nội quy bảo vệ di tích bị rêu phủ mờ cũng không thấy ai quan tâm, chú ý…

Những hình ảnh phản cảm này cứ lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng không nhỏ giá trị thẩm mỹ của di tích nói chung và cảnh quan, không gian và môi trường sinh thái nói riêng. Nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nghĩ rằng đây là những vấn đề nhỏ nhặt, không đáng quan tâm, điều đáng quan tâm hơn là phải đầu tư xây dựng, tu bổ thì thật là đáng tiếc và không kém phần đau lòng.Bởi giá trị di tích không chỉ thể hiện trên nền tảng kiến trúc mà còn ở những giá trị cảnh quan, không gian và môi trường sinh thái.

Theo chúng tôi, cảnh quan, không gian của di tích cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng, môi trường sinh thái đang bị xuống cấp và đó cũng là sự đau lòng không kém so với việc tự ý hạ giải, làm mới công trình.

Theo Báo Văn Hóa


From the same category