Những điều chưa biết về giải Oscar

Chủ nhật ngày 24-2 tới đây (sáng 25-2 ở Việt Nam), lễ trao giải Oscar lần thứ 85 sẽ diễn ra tại Nhà hát Dolby Theatre, thành phố Los Angeles, Mỹ.

Trong khi chờ đến ngày đó để biết diễn viên, đạo diễn, bộ phim… nào được vinh danh, mời bạn cùng điểm qua những điều thú vị, ấn tượng trong lịch sử giải thưởng danh giá này.

 

Nguồn gốc bức tượng Oscar

Giải thưởng Oscar được gọi dựa theo tên của bức tượng vàng trao cho người nhận giải. Tên chính thức của giải thưởng là Academy Awards được đặt theo tên của tổ chức trao giải, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (gọi tắt là Viện Hàn lâm). Giải thưởng ra đời năm 1929 và đến năm 1939 thì tượng chính thức mang tên Oscar.

Nguồn gốc tên bức tượng thì hẳn nhiều bạn đọc đã biết nên chúng tôi chỉ tóm lược lại thông tin. Hiện nay, cả hai luồng ý kiến chính đều xuất phát từ việc có người nhận thấy bức tượng trông giống người họ hàng tên Oscar của mình.

Tượng Oscar được thiết kế vào năm 1928 theo phong cách art deco với hình dạng một hiệp sĩ cầm thanh gươm đứng trên cuộn phim. Người thiết kế bức tượng là Cedric Gibbons, Giám đốc Nghệ thuật của hãng phim MGM. Ông cũng là một trong 36 thành viên sáng lập Viện Hàn lâm.

Các chuyện ly kỳ quanh tượng Oscar

Tượng Oscar ngày nay làm bằng kim loại britannium mạ đồng, bạc nickel và vàng 24 carat. Khi xem trên truyền hình cảnh trao giải Oscar, bạn sẽ thấy các diễn viên khi nhận giải có vẻ như cầm một vật rất nặng. Không phải là họ đang diễn đâu vì thực tế bức tượng cao 34cm này có cân nặng đến 3,85kg.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tượng Oscar cũng làm bằng kim loại đặc. Hồi Thế chiến thứ II, từ năm 1943-1945, tượng Oscar được làm bằng nhựa vì khan hiếm kim loại. Về sau, Viện Hàn lâm đổi lại tượng kim loại cho những người nhận giải các năm đó.

Có một điều đặc biệt là kể từ năm 1950, không ai được quyền bán bức tượng này, trừ trường hợp bán lại cho chính Viện Hàn lâm với giá tượng trưng 1 đô-la Mỹ. Tượng Oscar từng được bán trên chợ đen với giá lên đến hàng triệu đô-la.

Hai tuần trước buổi lễ trao giải Oscar năm 2000, toàn bộ 55 bức tượng Oscar đã bị đánh cắp. Những kẻ cắp bị bắt chỉ hai tuần sau đó. Mãi về sau, một người nhặt rác đã tìm thấy 52 bức tượng vàng sau một tiệm giặt ở Los Angeles. Đến năm 2003, cảnh sát tìm được một bức tượng ở Florida trong đợt càn quét ma túy. Hiện nay vẫn còn hai bức tượng đang bị thất lạc.

 

“Ben Hur”, phim đầu tiên nhận được 11 giải Oscar.

Chuyện về những người đoạt giải

Walt Disney là người giành được nhiều giải Oscar nhất trong lịch sử với tổng cộng 26 giải, trong đó có 4 giải danh dự. Ông cũng là người có số lượng đề cử Oscar nhiều nhất, 59 lần và là người giành được nhiều giải Oscar nhất trong một năm, 4 giải vào năm 1954.

Ngay ở lễ trao giải lần thứ hai, Cedric Gibbons, người thiết kế ra tượng Oscar đã nói ở trên, đã vinh dự được nhận tác phẩm của mình khi ông đoạt giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất với phim “The Bridge of San Luis Rey”. Ông còn đoạt giải thưởng này thêm 10 lần nữa trước khi giải nghệ vào năm 1956. Gibbons còn nhận được 28 đề cử Oscar khác trong sự nghiệp của mình và nhận thêm giải Oscar đặc biệt năm 1950 nhờ những cống hiến tích cực cho điện ảnh. Gibbons chỉ thua mỗi Walt Disney về số lần nhận giải.

John Williams, người được mệnh danh là nhà soạn nhạc của nước Mỹ, đã nhận được 48 đề cử cho những bản nhạc phim của mình. Ông cũng chính là người soạn nhạc cho bộ phim “Lincoln”, ứng cử viên nặng ký ở lễ trao giải Oscar năm nay.

Katharine Hepburn là nữ diễn viên nhận được nhiều giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với 4 lần thắng giải. Bà cũng từng được đề cử đến 12 lần cho hạng mục này. Tuy nhiên, xét về số lần nhận được đề cử giải Oscar của một diễn viên (cả vai chính và phụ) thì Meryl Streep mới là nhà vô địch khi đã 17 lần nhận vinh dự này.

Về phía các diễn viên nam, có hai người từng đoạt 3 giải Oscar về diễn xuất. Người đầu tiên là Jack Nicholson, ông có 2 giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và đã nhận đến 12 đề cử Oscar. Người thứ hai có lẽ bạn không biết là Walter Brennan. Ông đã nhận 3 giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất vào các năm 1936, 1938 và 1940.

Người lớn tuổi nhất được trao giải Oscar cho đến nay là Christopher Plummer. Ông nhận giải năm 2012 với vai diễn trong phim “Beginners”, khi đó ông đã 82 tuổi. Ngược lại, người trẻ nhất từng đoạt giải Oscar là Tatum O’Neal. Cô đoạt giải năm 10 tuổi với phim “Paper Moon”.

Tatum O’Neal không phải là người trẻ nhất được đề cử giải Oscar. Vinh dự đó thuộc về Justin Henry, cậu nhận được đề cử khi mới 8 tuổi với vai diễn trong phim “Kramer vs. Kramer” (1979). Cơ hội phá kỷ lục của O’Neal đang nằm trong tay Quvenzhané Wallis khi cô bé 9 tuổi này nhận được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm nay.

Những kẻ thất bại vĩ đại

Nam diễn viên gốc Ireland, Peter O’Toole, người nổi danh từ bộ phim “Lawrence of Arabia”, từng nhận được 8 đề cử Oscar trong sự nghiệp diễn xuất nhưng chưa một lần bước lên bục vinh quang. Để ghi nhận công lao của O’Toole, Viện Hàn lâm quyết định tặng ông giải Oscar danh dự vào năm 2003.

Tuy nhiên, O’Toole cương quyết từ chối giải thưởng này vì ông cho rằng mình vẫn còn sức cống hiến và sẽ giành giải một cách thuyết phục hơn. Phải đến khi các con của ông nài nỉ, thuyết phục thì O’Toole mới chịu lên sân khấu nhận giải thưởng danh dự do Meryl Streep trao tặng.

Về phía nữ, hai diễn viên Deborah Kerr và Glenn Close cùng nhau chia sẻ nỗi đau của người nhận được đến 6 đề cử Oscar nhưng chưa lần nào được bước chân lên bục vinh quang.

Những kỷ lục khác

Tính đến năm 1998, bộ phim “Ben Hur” (1959) giữ kỷ lục là phim đoạt nhiều giải Oscar nhất với tổng cộng 11 giải. Từ đó đến nay, lần lượt các bộ phim “Titanic” (1997) và “Lord of the Rings: The Return of the King” (2003) đã cân bằng được kỷ lục này.

“Titanic” vừa cân bằng kỷ lục của “Ben Hur” vừa cân bằng một kỷ lục đáng chú ý khác. “Titanic” cùng “All About Eve” (1950) là hai phim nhận được nhiều đề cử Oscar nhất trong lịch sử với 14 lần.

 

“Titanic” là phim nhận được nhiều đề cử nhất và cũng là phim đoạt nhiều giải nhất.

Bật mí bí mật

Trước năm 1941, báo chí biết danh sách đoạt giải trước và chỉ tiết lộ bí mật sau lễ trao giải. Nhưng năm 1940, tờ L.A. Times bật mí kết quả quá sớm, từ đó không ai biết được bí mật này nữa.

Phần tiếp theo đoạt giải

Lịch sử giải Oscar đến nay mới chỉ ghi nhận hai trường hợp đặc biệt có phần phim tiếp theo (sequel) chứng minh được là nó không chỉ ăn theo thành công của phần đầu. Đó là trường hợp “The Godfather Part II” (1974) và “Lord of the Rings: The Return of the King” (2003), cả hai đều nhận giải Phim hay nhất…

Gia đình Oscar

Gia đình của nữ diễn viên Liza Minnelli có thể xem là trường hợp độc đáo nhất trong lịch sử giải Oscar. Nữ diễn viên từng đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với phim “Cabaret” (1972) có cha là Vincente Minnelli từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất (phim “Gigi” năm 1958) và mẹ cô Judy Garland cũng được giải Cống hiến vào năm 1940. Đây là gia đình duy nhất cả cha, mẹ và con đều nhận giải thưởng này. 

Liên Bảo
Theo Thế giới văn hóa


From the same category