DepPodcast Banner 970x250

Những điều cần biết về sự tham gia của Việt Nam với ACMECS

Diễn ra trong bối cảnh hợp tác tiểu vùng Mekong tiếp tục có những bước tiến quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập và phát triển tại lưu vực sông Mekong, hội nghị sẽ đặc biệt thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Đoàn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị nhằm thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác ACMECS, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hợp tác ACMECS, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối khu vực, hợp tác nguồn nước, thương mại và đầu tư, tăng cường sự liên kết giữa các nước trong khu vực.

acmecs
Các vị trưởng đoàn tại hội nghị ACMECS 7. (Nguồn: TTXVN)

Mục tiêu và những lĩnh vực, cơ chế hợp tác

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) còn được gọi là Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế (ECS). Đây là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu bao trùm là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia.

Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ nhất tháng 11/2003, các nước thành viên đã thông qua Tuyên bố Bagan và Chương trình hành động ACMECS, trong đó nêu 5 lĩnh vực hợp tác: (i) thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; (ii) hợp tác công nghiệp-nông nghiệp; (iii) giao thông; (iv) hợp tác du lịch; và (v) phát triển nguồn nhân lực. Tại HNCC ACMECS lần thứ hai tại Bangkok, Thái Lan, vào tháng 4-2006, các nước nhất trí bổ sung thêm lĩnh vực y tế vào khuôn khổ hợp tác. Tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần 4 tại PắcSế, Lào, vào tháng 7-2006, các nước nhất trí tách lĩnh vực công nghiệp-nông nghiệp thành 2 lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp-năng lượng. Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 4 tại PhnomPenh, Campuchia, vào tháng 11/2010, các nước thống nhất bổ sung hợp tác trong lĩnh vực môi trường.

Như vậy, đến nay ACMECS có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: (i) thương mại-đầu tư; (ii) nông nghiệp; (iii) công nghiệp-năng lượng; (iv) giao thông; (v) du lịch; (vi) phát triển nguồn nhân lực; (vii) y tế; (viii) môi trường. Mỗi nước ACMECS điều phối ít nhất 01 lĩnh vực hợp tác trong đó Thái Lan điều phối 02 lĩnh vực là thương mại- đầu tư và y tế; Việt Nam điều phối 02 lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp-năng lượng và Việt Nam đồng điều phối với Campuchia trong lĩnh vực môi trường; Campuchia điều phối hợp tác du lịch; Lào điều phối hợp tác giao thông; Lào, Myanmar điều phối nông nghiệp.

Hội nghị Cấp cao ACMECS được tổ chức hai năm một lần theo luân phiên chữ cái tên các nước, Hội nghị Bộ trưởng họp hàng năm.

Tại hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ hai tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 4-2006, các nước nhất trí tổ chức hội nghị cấp cao ACMECS giữa kỳ (Mid-term Review) dưới hình thức không chính thức giữa hai hội nghị cấp cao chính thức kế tiếp và tổ chức bên lề các Hội nghị cấp cao ASEAN.

Các nước hiện đều giao Bộ Ngoại giao làm điều phối các bộ, ngành liên quan tham gia hợp tác ACMECS.

ACMECS và tình hình triển khai hợp tác

ACMECS thành lập tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất tại Bagan, Myanmar, theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và ban đầu gồm 4 nước là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Tại Hội nghị lần này, các nước đã thống nhất đổi tên thành Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong). Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái Lan vào tháng 11/2004.

Chương trình hành động ACMECS (ECSPA) giai đoạn 2003-2005 đã đề xuất 46 dự án hợp tác chung và khoảng 280 dự án song phương trong các lĩnh vực hợp tác của ACMECS. Các nước đã nhất trí 26 dự án ưu tiên để vận động tài trợ bên ngoài, trong đó Việt Nam có 3 dự án. Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ tư tại Pakse, Lào, tháng 7/2006 đã kiểm điểm việc thực hiện ECSPA giai đoạn 2003-2005; thông qua ECSPA 2006 và danh mục dự án ACMECS 2006-2008 gồm 60 dự án chung và 251 dự án song phương và nhất trí trình Lãnh đạo Cấp cao các nước ACMECS thông qua tại Hội nghị Cấp cao ACMECS giữa kỳ.

Tại hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ hai tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 4/2006 các nước nhất trí tổ chức hội nghị cấp cao ACMECS giữa kỳ (Mid-term Review) dưới hình thức không chính thức giữa hai hội nghị cấp cao chính thức kế tiếp và tổ chức bên lề các Hội nghị cấp cao ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ACMECS giữa kỳ nhất trí: (i) thông qua Chương trình hành động ACMECS 2006, danh mục dự án ACMECS 2006-2008 và danh mục 14 dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ của các Đối tác phát triển; (ii) ghi nhận các thỏa thuận về việc kết hợp Chương trình hành động ACMECS và CLMV; (iii) ưu tiên hợp tác giao thông, nông nghiệp, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực và du lịch; (iv) ghi nhận và giao các Bộ trưởng và các Nhóm công tác ACMECS nghiên cứu cụ thể sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về thành lập hiệp hội xuất khẩu gạo ACMECS.

Từ ngày 4 đến 7/11/2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ ba tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố các nhà lãnh đạo ACMECS về thúc đẩy và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, nhất trí ưu tiên hợp tác liên kết kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối nhằm đối phó với thách thức và biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị đã nhất trí thành lập nhóm công tác về môi trường.

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ tư tại PhnomPenh, Campuchia, ngày 17/11/2010 đã trao đổi về việc triển khai hợp tác trong thời gian vừa qua trong các lĩnh vực: thương mại đầu tư, công nghiệp năng lượng, phát triển nguồn nhân lực, giao thông vận tải và lĩnh vực hợp tác mới là môi trường. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung PhnomPenh trong đó đề cập sơ bộ về hợp tác gạo và Chương trình Hành động ACMECS.

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ACMECS, Campuchia đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp ACMECS lần thứ II. Diễn đàn cũng đã quyết định thành lập Hội đồng doanh nghiệp chung của các nước ACMECS nhằm tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào hợp tác giữa 5 nước.

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ năm tại Vientiane, Lào, ngày 13/3/2013, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chương trình hành động nêu rõ các định hướng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp-năng lượng, du lịch, thương mại-đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông, y tế và an sinh xã hội, và môi trường. Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao tính khả thi của các dự án, nhất trí các nước cần sớm xây dựng nội dung chi tiết cho 28 dự án ưu tiên và phối hợp với Ban thư ký ASEAN để vận động tài trợ từ các đối tác phát triển.

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ sáu tại Nay Pyi Taw, Myanmar tháng 6/2015 đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw và Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2018. Mục tiêu chính của Kế hoạch hành động là đưa ACMECS trở thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt là ở các khu vực biên giới, tận dụng cơ hội mới mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại.

Cụ thể, với 8 lĩnh vực hợp tác ưu tiên (tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, kết nối giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường), Kế hoạch Hành động ACMECS giai đoạn 2016-2018 tập trung vào các lĩnh vực (i) Hỗ trợ các nước ACMECS trở thành các nhà cung cấp hàng đầu khu vực và thế giới về nông sản, trong đó chú trọng hợp tác sản xuất gạo giữa các nước ACMECS và với các đối tác phát triển; khuyến khích mô hình hợp tác sản xuất bao tiêu giữa các nước; (ii) Mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong khu vực, chú trọng phát triển các cửa khẩu quốc tế và nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”; (iii) Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất dọc khu vực biên giới, trong đó có khu công nghiệp, đặc khu kinh tế; tăng cường kết nối khu vực thông qua phát triển vận tải đa phương thức; (iv) Tạo thuận lợi cho giao thông giữa các nước thông qua phát triển hạ tầng mềm và xây dựng các tuyến đường còn thiếu dọc các hành lang kinh tế; (v) Phát triển du lịch bền vững và hiện thực hóa ý tưởng “Năm quốc gia, một điểm đến”; (vi) Nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của lực lượng lao động; (vii) Hợp tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; (viii) Hợp tác quản lý và phát triển bền vững lưu vực các dòng sông Ayeyawadi, Chao Phraya và Mekong, trong đó có thúc đẩy các hoạt động đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề về môi trường.

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ bảy tại Hà Nội ngày 26/10/2016 có chủ đề “Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng.” Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 tập trung thảo luận hai nội dung chính gồm: (i) Tăng cường kết nối khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ACMECS; và (ii) Các định hướng hợp tác vì phát triển bền vững tại khu vực Mekong.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước Mekong cần: (i) Tạo động lực phát triển mới dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp khu vực Mekong phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, đón đầu cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ; (ii) Thúc đẩy kết nối giữa các nền kinh tế; (iii) Gia tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; và (iv) Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong, phối hợp thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, nhất trí thúc đẩy các nội dung hợp tác ưu tiên của ACMECS trong thời gian tới bao gồm giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại-đầu tư, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và môi trường. Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 tại Thái Lan vào năm 2018.

Sự tham gia của Việt Nam trong ACMECS

Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái Lan vào tháng 11/2004.
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong ACMECS. Với vị trí cửa ngõ phía đông của tiểu vùng Mekong, Việt Nam là một nhân tố không thể thiếu của các hành lang kinh tế ở khu vực. Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong cơ chế hợp tác ACMECS, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mekong, Việt Nam tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm Công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và hiện đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác.

Năm 2016, Việt Nam đã hai lần chủ trì tổ chức các cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành, các cuộc họp quan chức cấp cao ACMECS và Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ bảy. Với mong muốn nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác, Việt Nam chủ động thực hiện các bước cải tiến giúp các nhóm công tác hoạt động bài bản hơn, có sự phối hợp tốt hơn. Nỗ lực của Việt Nam được các nước thành viên ACMECS hoan nghênh và nhất trí tiếp tục triển khai trong thời gian tới.


From the same category