Những diễn viên nổi tiếng nhờ một vai diễn

Những diễn viên nổi tiếng với một vai diễn “để đời”

NSND Huy Thành đánh giá: “Với người diễn viên chỉ cần có được một vai diễn thật hay, thật ấn tượng là đủ cho cả một đời làm nghệ thuật”. Gần 40 năm trôi qua nhưng nhắc đến NSND Lan Hương, nhiều khán giả vẫn nhớ đến vai cô bé Hà Nội với đôi mắt to đen láy nổi bật giữa bom rơi, đạn nổ trong phim “Em bé Hà Nội” (giải Bông sen vàng tại LHPVN 1975). Khi ấy Lan Hương khoảng 10 tuổi, sau này dù tham gia rất nhiều bộ phim khác nhưng chị mãi vẫn là “Em bé Hà Nội”. Năm 13 tuổi, NSƯT Tố Quyên vào vai cô bé Nga trong bộ phim “Con chim vành khuyên” (giải Bông sen vàng tại LHPVN 1973). Khi trưởng thành, Tố Uyên đóng thêm nhiều bộ phim khác nhưng vẻ ngây thơ, trong sáng của cô bé Nga khiến khán giả nhớ mãi. Với vai Nết trong “Đến hẹn lại lên”, NSND Như Quỳnh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP VN năm 1975. Và đến tận bây giờ, trong gia tài gồm hàng trăm vai diễn trong phim điện ảnh và truyền hình của NSND Như Quỳnh thì khán giả vẫn nhớ mãi đến Nết…

NSND Như Quỳnh – vai Nết trong phim Đến hẹn lại lên

Trước phim “Sao tháng Tám” (1976), NSƯT Thanh Tú vốn rất thành công ở những nhân vật thị thành. Hóa thân rất thuyết phục vai chị Nhu – một cán bộ Việt minh xuất thân từ bần cố nông, chịu khó chịu khổ hi sinh cho cách mạng trong bộ phim kinh điển này, Thanh Tú đã được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở LHP VN 1977. Đạt đến đỉnh cao của vinh quang trong nghề nghiệp, nhưng cái bóng của vai diễn này quá lớn, đến nỗi Thanh Tú đã quyết định chia tay với điện ảnh khi nhan sắc và tài năng đang rực rỡ nhất. Cố NSND Phương Thanh có một vai diễn để đời, đã hằn sâu trong ký ức bạn nghề và những người yêu phim Việt, đó là Hiền “cá sấu” trong phim “Tội lỗi cuối cùng”. Vai diễn mang về cho Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc trong LHP VN 1979.

Không được đóng vai đẹp, thậm chí phải hi sinh cả nhan sắc thật của mình ở ngoài đời và chỉ đóng một bộ phim duy nhất nhưng NSƯT Đức Lưu vẫn rất nổi tiếng với vai Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Hóa thân xuất sắc, thậm chí đẩy nhân vật Thị Nở lên hàng nhân vật kinh điển của điện ảnh Việt Nam, Đức Lưu “chết” danh hơn 30 năm nay với cái tên Thị Nở. Từ khi phim công chiếu, đi đâu khán giả cũng gọi Đức Lưu là Thị Nở, đến con của bà cũng bị đùa là “con của Thị Nở”…

Cũng gần 30 năm nay, với bao thế hệ khán giả yêu thích bộ phim “Biệt động Sài Gòn” (4 tập, từng gây sốt vé kỷ lục những năm giữa thập niên 1980) thì NSƯT Thanh Loan luôn là “ni cô Huyền Trang” với gương mặt đẹp thánh thiện, đôi mắt buồn thẳm sâu vời vợi. Vai diễn này thực sự là “đỉnh cao mà tôi không bao giờ vượt qua được” – như lời NSƯT Thanh Loan tâm sự. Sau đó, Thanh Loan chuyển hẳn qua làm truyền hình, nhưng khán giả vẫn chỉ nhớ đến ni cô Huyền Trang, thậm chí còn thêu dệt nhiều câu chuyện li kỳ quanh sự vắng mặt của Thanh Loan trên màn ảnh sau này.

30 năm đã trôi qua, NSƯT Nguyễn Chánh Tín vẫn nói vui rằng, bộ phim “Ván bài lật ngửa” đã “lật ngửa” lại cuộc đời cho ông. Là một ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của thập niên 1970 nhưng tên tuổi của Nguyễn Chánh Tín chỉ thực sự tỏa sáng và bước đến đỉnh cao của vinh quang là khi ông may mắn nhận được vai Đại tá tình báo Nguyễn Thành Luân trong series phim “Ván bài lật ngửa” (1982 – 1987). Từ đấy, Nguyễn Thành Luân trở thành vai diễn để đời của NSƯT Nguyễn Chánh Tín, vượt qua tất cả những vai diễn trước và sau này của ông. Tại LHPVN năm ngoái, khi NSƯT Nguyễn Chánh Tín bước trên thảm đỏ, rất nhiều khán giả vẫn gọi ông bằng tên nhân vật trong “Ván bài lật ngửa” năm nào.

Những diễn viên nổi tiếng với một vai diễn “để đời” của điện ảnh Việt Nam còn có: NSND Lý Huỳnh với vai Hai Cũ trong phim “Vùng gió xoáy”, NSƯT Thùy Liên với vai Sáu Linh trong phim “Mùa gió chướng”; NSND Lâm Tới vai Ba Đô trong phim “Cánh đồng hoang”… vẫn ghi ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả đến mãi sau này…

Đến những diễn viên trẻ chỉ có một vai diễn

Những diễn viên trẻ như Minh Thư, Minh Anh, Đỗ Nguyễn Lan Hà, Minh Hương, Ninh Dương Lan Ngọc… được khán giả biết mặt biết tên, thậm chí được trao giải thưởng nhờ một vai diễn. Song thực chất giải thưởng mang tính động viên, khích lệ diễn viên trẻ thì đúng hơn là ghi công cho tài năng diễn xuất với một vai diễn thực sự ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Bởi vậy, gọi họ là những diễn viên chỉ có một vai diễn thì chính xác hơn.

Dịp Tết 2003, bộ phim “Gái nhảy” đã trở thành hiện tượng được ví như một sự đột phá tạo nên bước ngoặt lớn về doanh thu của điện ảnh Việt bước từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Thủ vai nữ chính tên Hạnh trong phim này, nữ diễn viên trẻ Minh Thư từ đó chết danh “Minh Thư – Gái nhảy”. Sau đó, Minh Thư còn được “chọn mặt gửi vàng” cho một loạt phim thương mại khác nhưng vẫn không vượt qua được “Gái nhảy”. “Gái nhảy” được ‘thiên thời địa lợi’ với chiến dịch PR, tiếp thị hoành tráng và đề tài câu khách, mới lạ khiến người xem tò mò kéo nhau đi xem, chứ không phải nhờ tài năng diễn xuất của diễn viên.

Bộ phim “Những cô gái chân dài” (2004) đã phát hiện và lăng xê một loạt ngôi sao mới cho phim Việt sau này. Trong đó, thủ vai nam chính là Minh Anh – một hotboy thế hệ 8X đời đầu với gương mặt điển trai, nụ cười hút hồn và thân hình lý tưởng của một siêu mẫu. Nhưng từ đó đến nay, nhắc đến Minh Anh thì khán giả vẫn chỉ nhớ đến Hoàng của “Những cô gái chân dài”, dù anh đóng thêm nhiều phim khác và cả ca hát, làm người mẫu.

Đỗ Nguyễn Lan Hà lần đầu đến với điện ảnh năm 13 tuổi với vai Gianh trong phim “Đời cát” và giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại LHPVN lần thứ 13. 7 năm sau, Lan Hà đóng vai chính tên Mai trong phim “Trái tim bé bỏng” của Nguyễn Thanh Vân và được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Cánh diều vàng 2007 và LHPVN 2009… Sau những vinh quang này, Lan Hà trở về quê nhà học tập và trở thành giảng viên của Học viện Âm nhạc Huế, rồi lập gia đình. Nhắc đến cô, người ta vẫn tiếc cho một tài năng trẻ không có cơ hội để đi tiếp với điện ảnh. Nhưng cũng có thể, nếu đi tiếp, chưa chắc Lan Hà đã bước qua được “cái bóng” của “Trái tim bé bỏng”, khi mà theo thời gian khán giả sẽ đòi hỏi ở cô diễn viên tay ngang này khả năng diễn xuất trưởng thành hơn.

Nữ diễn viên Minh Hương cũng được nhiều người biết đến chỉ nhờ một vai nữ chính Đặng Thùy Trâm trong bộ phim điện ảnh “Đừng đốt” (2010). Được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP về lòng yêu nước thời chiến – Volokolamsk lần thứ 8 tại Nga và Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Cánh diều vàng 2010, nhưng sau “Đừng đốt” thì Minh Hương chưa có thêm vai diễn nào khác để khẳng định tài năng diễn xuất của mình. Minh Hương may mắn bởi với hiệu ứng lan tỏa của “Đừng đốt” (dựa trên tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”) thì bất cứ nữ diễn viên nào thủ vai nữ bác sĩ này cũng nhận được sự ưu ái hơn từ khán giả và giới làm nghề.

Minh Hương trong phim “Đừng đốt”

Năm 2011, Ninh Dương Lan Ngọc đã trở thành “ngọc nữ” mới của điện ảnh Việt nhờ vai Nương trong phim “Cánh đồng bất tận”. Sở hữu vẻ đẹp trong sáng, tươi tắn, Lan Ngọc được giới chuyên môn và truyền thông đánh giá cao ở diễn xuất tự nhiên, chân thật. “Cơn mưa” giải thưởng từ Mai vàng, Cánh diều vàng, Bông sen vàng… đã trở thành “rào cản” khiến Lan Ngọc đến giờ vẫn chỉ là Nương, và bị “đóng khung” trong một vài vai diễn mờ nhạt. Liệu rồi, Ninh Dương Lan Ngọc có rơi vào trường hợp như Lan Hà, Minh Hương… sẽ chỉ được nhớ đến với một vai diễn khi tuổi đời còn quá trẻ, tài năng diễn xuất chưa kịp chín?

 Ninh Dương Lan Ngọc trong phim Cánh đồng bất tận

Trong danh sách những diễn viên trẻ từng chỉ có 1 vai diễn, có thể kể đến: Đỗ Hải Yến với vai nữ chính trong phim “Chuyện của Pao”, Thế Lữ với vai nam chính trong phim “Mùa len trâu”, Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn trong phim “Dòng máu anh hùng”; Thái Hòa với vai Hội trong phim “Để Mai tính”, Nhật Kim Anh vai nàng Cầm trong phim “Long thành cầm giả ca”… Không vượt qua được chính mình sau 1 vai diễn ít nhiều trở thành “hiện tượng” – là thực trạng chung của nhiều diễn viên trẻ hiện nay.

Thái Hòa vai Hội trong “Để Mai tính”

Nhật Kim Anh trong phim Long thành cầm giả ca

Khanh Khanh (theo Điện ảnh Việt Nam)


From the same category