Sau sự kiện một thông tư của Bộ công an, ban hành hồi tháng 5/2012, quy định về mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới làm bằng nhựa, trong đó ở mặt sau có nêu nội dung đặc điểm thân nhân gồm: “Họ và tên cha; họ và tên mẹ”. Quy định này có hiệu lực từ 1/7, song bị dư luận hết sức phản đối do có thể xâm phạm vào đời tư của những người được cấp CMND. Và vào ngày 21/8 vừa qua, Bộ Công an phát đi thông báo ý kiến của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: tạm dừng triển khai thông tư mẫu CMND có ghi họ tên cha mẹ.
Thì một thông tư “đình đám khác” của Bộ NN-PTNT lại được ban hành và có hiệu lực từ 3/9 tới. Theo đó, kể từ thời điểm nói trên, các sản phẩm thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ.
Xin không đi quá sâu vào những chi tiết mang tính kỹ thuật của “Thông tư bán thịt 8 tiếng” nói trên. Nhưng ngay sau khi được ban hành và lấy ý kiến dư luận thì “đại ý tưởng” nói trên vấp phải những phản ứng dữ dội. Mà đây không phải là những phản ứng kiểu chống đối hay phong trào, mà là những phản biện có “cơ sở khoa học” và chứng lý hẳn hoi. Xin dẫn ra một vài lý do người ta “không chịu” như sau:
Về phía những người bán thịt thì cho rằng thực hiện quy định này quá bằng dẹp chợ đi luôn. Bởi thời gian qui định 8 giờ, hơn một buổi sáng làm sao bán hết thịt? Bởi mặt hàng thịt bày bán đều có từ thời gian giết mổ ba tới năm giờ sáng, thịt được lấy bán cả trong ngày. Quy định thời gian bán trong 8 giờ thì phải giết mổ chia làm hai lần trong ngày, một lần vào đêm tờ mờ sáng để bán sáng và trưa, một lần giết mổ nữa vào trưa để bán cho buổi chiều. Mà làm vậy sẽ thay đổi hết quy trình. Lại phải thêm một lần lấy hàng nữa. Nhưng không biết các lò giết mổ họ có làm hai lần trong ngày không?
Quy định chỉ được tiêu thụ thịt lợn sau 8h giết mổ được cho là thiết khả thi nên phải dừng thực hiện. |
Ngay cả cơ quan chức năng là Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng cho rằng trong điều kiện bình thường, sau 8 giờ giết mổ, chất lượng thịt sẽ suy giảm và rất dễ nhiễm vi khuẩn. Thậm chí, nhiều nước phát triển còn bắt buộc kinh doanh thịt phải bảo quản trong thiết bị giữ lạnh từ 0 đến 5 độ C.
Theo họ, tất nhiên những quy định trong Thông tư này là cần thiết để người tiêu dùng có thể ăn thịt an toàn. Nhưng cơ bản là làm sao kiểm tra được thời gian bày bán sau khi giết mổ? Bởi chỉ có mỗi tiểu thương là biết chính xác thời gian giết mổ. Còn người tiêu dùng, muốn biết thì có thể dùng tay, mũi kiểm tra. Tuy nhiên, để phân biệt thịt quá thời gian phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ. Nếu vào mùa hè trời nóng, thịt để nhiệt độ ngoài trời có thể bốc mùi nhưng vào mùa đông, nhiệt độ giảm chỉ trên dưới 10 độ C thì không thể phân biệt được”.
Mặt khác, thì vấn đề xử phạt được trao cho chi cục thú y các địa phương nhưng người ta cũng không rõ là sẽ xử phạt thế nào. “Các quy định thịt nhiễm bệnh, dịch thì đã có quy định, khung xử phạt rất rõ. Nhưng loại thịt được bày bán quá 8 giờ ở nhiệt độ bình thường, quá 24 hay 72 giờ ở chế độ bảo quản lạnh thì có phải thịt nhiễm bệnh hay không và xử phạt thế nào… là những điều người ta thắc mắc nhiều nhất
Vì những lẽ trên, không ít người đã gọi Thông tư này là “thông tư khó tính giờ, mập mờ xử phạt”!
Trước những phản biện gay gắt nhưng chính đáng của dư luận, mới đây, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung thông tư này cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đích thân lãnh đạo bộ đã phải thừa nhận “nhìn chung, ý muốn của Cục Thú y rất tốt nhưng tính khả thi đúng là khó áp dụng”.
Đây là một đánh giá công bằng của lãnh đạo Bộ này và may là họ đã nhanh tay chặn lại, không cho cái “đại ý tưởng” này được áp dụng vào thực tế, tránh được phiền toái cho bao nhiêu hộ tiểu thương bán thịt, bao nhiêu lò mổ và cả cho chính những người phải thực thi quy định này.
Nhìn rộng ra, lâu nay trong đời sống kinh tế -xã hội, thi thoảng một vài ý tưởng mới, độc đáo lại xuất hiện. Tất nhiên, nhìn chung đó những “ý tưởng này tưởng tốt và tích cực”. Mà cũng phải như thế thôi, chứ ý tưởng tiêu cực thì người ta còn bàn thảo thực hiện làm gì. Vấn đề cần bàn ở đây là không ít các ý tưởng nói trên rất thiếu tính khá thi, khó áp dụng, bởi những ý tưởng ấy quá cao xa, vượt qua những thông lệ thông thường của cuộc sống.
Tuy nhiên, điều buồn lòng là một vài ý tưởng dạng như vậy vẫn được áp dụng vào thực tế và gây ra những hiệu ứng khá tiêu cực.
Nói chẳng đâu xa, những “đại ý tưởng” một thời được tung hô như phong trào xây dựng nhà máy đường, xi măng lò đứng, hay hầm bộ hành tại các đô thị lớn với vốn đầu tư cả trăm cả ngàn tỷ đồng, nhưng lợi ích thu lại thì chẳng có là bao…
Có ý tưởng mới bao giờ cũng tốt hơn là không có ý tưởng gì, nhưng biết dừng lại, sửa chữa và uốn nắn kịp thời những ý tưởng phi thực tế càng tốt hơn. Trong trường hợp này, cần phải hoan nghênh Bộ NN-PTNT dù họ chỉ tạm dừng lại một văn bản rất đỗi đời thường…
Theo Vietnamnet