Những cuộc chơi triệu đô - Tạp chí Đẹp

Những cuộc chơi triệu đô

Tin Tức

Nói “cuộc chơi” vì với số tiền bỏ ra như thế, nhưng hầu như không có phim nào thu lãi được, thậm chí hòa vốn cũng khó. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng tất cả những bộ phim triệu USD “made in Việt Nam” vẫn có những giá trị nhất định và là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phim Việt.

 

Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà trong bộ phim “triệu đô” Mỹ nhân kế – Ảnh: T.L

Thiên mệnh anh hùng cuối năm ngoái được nhà sản xuất cho biết đầu tư gần 25 tỉ đồng. Nhiều người đã đặt ra bài toán doanh thu phim này phải kiếm được trên 60 tỉ đồng (tức gần 3 triệu USD) tiền vé thì mới thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Bởi tỷ lệ ăn chia với các rạp chiếu thường là 50/50, có cụm rạp đòi mức 60/40. Đó là chưa kể các chi phí phải trả cho nhà phát hành, cho những chiến dịch PR, quảng cáo… Con số 60 tỉ gần như là một “điệp vụ bất khả thi”, bởi ngay bộ phim ăn khách nhất lịch sử chiếu bóng VN là Kungfu Panda 2 cũng chỉ mới cán mức 2,6 triệu USD sau khi càn quét các rạp trong suốt mùa hè 2011. Tuy doanh thu đạt được chỉ khoảng 20 tỉ, nhưng Thiên mệnh anh hùng đã đem lại niềm tự hào và sự tự tin rằng VN có thể làm phim võ hiệp kỳ tình không thua gì các nước châu Á khác.

Không chỉ Thiên mệnh anh hùng, phim Việt còn có các phim “triệu đô” trước đó như Áo lụa Hà Đông – đầu tư 15 tỉ (thời giá năm 2006 tương đương 1 triệu USD); Bóng ma học đường 2010 – phim 3D đầu tiên của VN và thứ 2 của châu Á cũng được đầu tư khoảng 20 tỉ. Thế nhưng doanh thu của các phim này ra sao? Áo lụa Hà Đông được nhà sản xuất tiết lộ “đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu”, còn Bóng ma học đường thì may mắn hơn, doanh thu vừa đủ hòa vốn khiến đạo diễn Lê Bảo Trung và Galaxy “hú hồn”, bởi Trung đã đặt một ván bài sinh tử cho phim này khi cầm cố nhà cửa, xe cộ để có tiền góp vốn làm phim.

Dù vẫn bị ám ảnh bởi doanh thu, nhưng hiện tại những bộ phim triệu USD vẫn được các nhà sản xuất bắt tay vào thực hiện, như phim 3D Mỹ nhân kế đầu tư khoảng 20 tỉ, đang trên trường quay, ra rạp vào dịp Noel 2012 của hãng Thiên Ngân Galaxy, phim Con đường vô tận đầu tư xấp xỉ 30 tỉ, sẽ được quay hình ở Việt Nam và New York (Mỹ) của ê kíp diễn viên Trần Bảo Sơn – Trương Ngọc Ánh…

Nhiều ý kiến cho rằng, ở một thị trường mà số lượng các rạp chiếu còn quá ít, quy mô phòng vé mới chỉ đạt chừng 35 triệu USD (ước tính năm 2011) như VN thì việc đầu tư cho một bộ phim với mong muốn đạt doanh thu 60 tỉ để hòa vốn là rất khó. Các nhà sản xuất phim cho biết doanh thu khủng nhất hiện nay của phim Việt Nam là 42 tỉ của Long ruồi sẽ không thể tăng lên được, vì thị trường phim nhựa của Việt Nam chỉ tập trung ở một số thành phố lớn có đầu tư rạp chiếu phim như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…, còn nhiều tỉnh, thành khác hiện lại không có rạp chiếu phim.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà sản xuất Phước Sang nói: “Kinh doanh trên thị trường phim VN không hề đơn giản, bởi nắm bắt được thị hiếu khán giả là một điều khó. Vốn bỏ ra sản xuất lại nhiều. Khả năng thu hồi vốn là không thể tính trước. Với Áo lụa Hà Đông, xét về doanh thu của phim ở VN thì chúng tôi vẫn lỗ, nhưng chúng tôi có lợi nhuận từ việc phát hành ở nước ngoài để bù vào, và điều quan trọng nhất Áo lụa Hà Đông là phim nghệ thuật thành công, gây tiếng vang trong nước thời điểm đó, kéo được khán giả đến rạp, đặc biệt “lấy” được nước mắt người xem”.

Còn với dự án phim Con đường vô tận, Trần Bảo Sơn cho biết: “Làm vì đam mê nung nấu từ rất lâu rồi. Phim có kinh phí sản xuất khá cao nên mục tiêu của ê kíp sản xuất là không chỉ phát hành tại VN mà còn ra thị trường nước ngoài nữa. Chúng tôi đã dọn sẵn đầu ra với những nhà phát hành phim toàn cầu, chiếu tại các thị trường điện ảnh thế giới chứ không phải chỉ chiếu cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại xem”.

Mục tiêu của ê kíp sản xuất là không chỉ phát hành phim tại VN mà còn phát hành ra thị trường nước ngoài nữa

   
Trần Bảo Sơn, nhà sản xuất phim Con đường vô tận

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

14/07/2012, 07:56