Với 8 giờ/ngày liên tục ở cơ quan, các cặp vợ chồng chỉ còn rất ít thời gian dành cho nhau ngoài thời gian chăm sóc con cái, ngôi nhà của mình. Đôi khi, chính sự “mở cửa” trong hoạt động của vợ chồng cùng với khoảng thời gian bên nhau ít ỏi chính là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, hiềm khích tiềm ẩn mà ít ai để ý, dễ dàng có thể dẫn đến những xung đột đáng tiếc.
ĐẸP đã thực hiện một khảo sát nhỏ trên mẫu gồm 50 cặp vợ chồng, trong đó cả vợ và chồng đều là “dân văn phòng" để giải mã những ẩn số trong quan hệ hôn nhân của những gia đình này.
100% cá nhân tham gia cuộc khảo sát đều xác nhận rằng thời gian gặp gỡ, sum họp gia đình thường nhật nhất là vào khoảng 6 giờ tối trở đi tại nhà.
Với “giờ công chức” 8 giờ/ngày, khoảng thời gian sum vầy này gần như cố định, chỉ trừ các dịp lễ, Tết… không phải đi làm. Đây là thời gian các cặp vợ chồng dùng để giải quyết hầu hết những công việc nhà, vấn đề học hành, sinh hoạt của con cái, người thân.
Thật bất ngờ, thời gian chung sống càng lâu, các cặp vợ chồng càng ít có thời gian dành cho nhau hơn vì những vấn đề phát sinh ngày một nhiều trong cuộc sống thường nhật.
Ghen "ngầm" căn bệnh âm ỉ…
80% các chị cảm thấy lo lắng khi nghe những lời qua tiếng lại về các quan hệ bên ngoài của chồng mặc dù chính các chị luôn tin tưởng vào sự ngay thật của chồng.
Một số phiếu khảo sát ở nữ giới cũng cho thấy, các chị bị ảnh hưởng mạnh bởi những lời “truyền miệng” từ đồng nghiệp của chồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ lý trí và bình tĩnh để giải quyết ổn thỏa những lời thị phi đó.
Một số người vợ đã dùng đến những biện pháp như: nghe lén điện thoại, xem trộm tin nhắn hoặc kiểm tra áo quần của chồng mỗi lần đi về…
Thậm chí, cá biệt có trường hợp vợ đi làm về chưa thấy chồng đã nghi ngờ anh đang
80% 70% 67% 40% |
làm điều gì đó… mờ ám ngoài kia.
Tuy nhiên, các chị ít ai để ý rằng có đến 70% quý ông cảm thấy khó chịu khi biết mình đang bị quản lý như “trẻ con” (lời của một anh) bởi người vợ yêu dấu của mình. Có đến 60% các anh trả lời sẽ tìm cách “né” sự quản lý này nếu phát hiện ra.
Tuy nhiên, cũng đã có những “chiến thuật” khác được các quý phu nhân áp dụng nhằm “làm mới” để chồng đỡ khó chịu và… khó phát hiện ra, như: thường xuyên gọi điện thoại đến chỗ làm của chồng, trao đổi nói chuyện để phát hiện ra những dấu hiệu lạ trong giao tiếp của anh.
Một số chị còn cho rằng mạng lưới bạn bè của chồng chính là… gián điệp tốt nhất nếu như mình biết giao thiệp tốt.
“Tuy nhiên, cách này nhiều khi lại đem lại hệ quả không tốt vì nó cũng giống như lời qua tiếng lại, có khi cũng chẳng biết đâu mà lần!” – Chị N.M.A (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết.
Ngược lại, tần suất “chú ý” đến các mối quan hệ của vợ ở các anh cũng khá cao. 67% cho biết rất quan tâm đến các mối quan hệ bên ngoài của vợ.
Vì người phụ nữ hiện đại không đơn thuần chỉ gói gọn cuộc sống của mình trong bốn bức tường mà đã mở rộng, các mối quan hệ nghiễm nhiên cũng trở thành một “nguy cơ” đáng chú ý đến niềm tin trong quan hệ hôn nhân của hai người.
Quả bom nổ tung
Những nghi ngờ liệu có vỡ tung thành mâu thuẫn khó giải quyết? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự hy sinh của mỗi bên và sự chia sẻ ngay thẳng trong quan hệ hôn nhân của hai người.
Rất nhiều chị khi tham gia khảo sát trả lời rằng có thể khi nghe điều tiếng gì về chồng sẽ không nghi ngờ ngay mà có các cuộc nói chuyện thẳng thắn và rõ ràng với chồng mình trước.
“Còn gì tốt hơn là tự mình cùng với chồng giải quyết một vấn đề chung? Tại sao cứ phải làm rối lên chứ?” chị Thu Hà (46 tuổi, kế toán) cho biết.
40% các bạn trẻ tham gia cuộc khảo sát ở độ tuổi từ 20 đến 30 cũng cho rằng nên có những cuộc nói chuyện thẳng thắn nếu có những nghi ngờ trong cuộc sống vợ chồng.
“Tìm hiểu việc gì đang xảy ra, tìm thời điểm thích hợp để nói với chồng sự lo lắng của mình, phải tạo cảm giác an toàn trước cho anh ấy để anh có thể tâm sự với mình, những câu hỏi khéo léo sẽ giúp anh nói lên những rắc rối mình gặp phải… Dù gì cũng phải nhìn thấy chứ không phải nghe thấy đã nổi giận, phải kiểm tra sự tình” – đó là phương pháp của chị Mai Lý (28 tuổi, nhân viên kinh doanh) khi gặp phải tình huống chồng mình có điều tiếng ở ngoài.
Nhiều người trong số họ quan niệm “Tin cậy lẫn nhau có nghĩa là luôn tin tưởng về vợ hoặc chồng của mình. Không nghi ngờ vô cớ.”
Những tiến bộ trong suy nghĩ cũng đã trở thành một giải pháp giúp “quả bom” không nổ và hai người có thể tiến lên những nấc thang cao hơn trong cuộc sống hôn nhân.
Hơn thế nữa, con số 92% các cặp vợ chồng cùng nhau quản lý chi tiêu chung và 90% các anh không phải “khai báo” hoặc chịu sự quản lý trong chi tiêu cá nhân cũng cho thấy mức độ tin cậy, hòa hợp của các gia đình hiện đại.
Việc cả hai người cùng tham gia vào công việc trong xã hội đã góp phần cải thiện chi tiêu trong đời sống gia đình.
Nhưng, công việc văn phòng là công việc đặc thù có tính kiềm chế cao về thời gian và điều đó cũng gây ra những ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống chung – vốn đã nhiều khó khăn – của các cặp vợ chồng ở thành phố.
Tuy nhiên, Tình yêu chính là yếu tố căn bản của niềm tin trong cuộc sống hôn nhân.
Khải Đơn |