Mục tiêu giành vị trí số một tại SEA Games 31 của thể thao Việt Nam một lần nữa được đặt phần lớn lên vai của “những vô gái vàng” ở nhiều môn thể thao trọng điểm.
Hơn một tháng trôi qua kể từ ngày đội tuyển nữ Việt Nam giành thành tích lịch sử với tấm vé lần đầu tiên dự World Cup, các cầu thủ từng được nhắc tên liên tục ở thời gian qua như Tuyết Dũng, Thanh Nhã, Huỳnh Như và Chương Thị Kiều hay huấn luyện viên Mai Đức Chung đều đã trở lại nhịp sống thường ngày với những buổi tập quen thuộc hay bộn bề cuộc sống.
Sự quan tâm của khán giả, người hâm mộ và cộng đồng dành cho đội tuyển nữ Việt Nam đã không còn nhiều và giảm dần theo thời gian như sức hút sớm nở chóng tàn của “hot trend” trong xã hội hiện đại.
Thế nhưng, với ngành thể thao và giới chuyên môn, giá trị của “những cô gái kim vương” chưa bao giờ giảm sút.
SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào tháng Năm sắp tới. Đội tuyển nữ Việt Nam một lần nữa là niềm hy vọng cho tấm huy chương vàng và lời khẳng định vị thế số một khu vực Đông Nam Á.
Trước khi những người đồng nghiệp nam giành tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 30, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn là “lá cờ đầu” trong môn thể thao vua với số lần “giành vàng” nhiều nhất (6 lần) tại Đại hội thể thao Đông Nam Á dù luôn phải đối mặt với đại kình địch Thái Lan không hề đơn giản.
Tại kỳ SEA Games được tổ chứ trên chính sân nhà, sức ép dành cho đội tuyển nữ Việt Nam sẽ còn tăng cao và nặng nề hơn trước. Nhưng, áp lực sẽ tạo ra kim cương.
Với tinh thần và phẩm chất vốn có của người phụ nữ Việt Nam, đội trưởng Huỳnh Như và đồng đội được tin tưởng rằng một lần nữa làm rạng ranh bóng đá và thể thao nước nhà.
Trong khi đó, không chỉ có đội tuyển nữ trở thành niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Những cô gái ở nhiều môn thi đấu khác vẫn luôn là niềm hy vọng lớn cho mục tiêu đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.
Lê Tú Chinh, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Kim Tuyền (taekwondo), Ánh Nguyệt (bắn cung) và Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hảo (rowing) là những cái tên nổi bật được kỳ vọng “hái vàng” tại SEA Games 31.
Ít người biết rằng biết rằng những người phụ nữ mạnh mẽ mới đang chiếm thế thượng phong và trở thành đầu tàu của thể thao Việt Nam những kỳ SEA Games gần nhất.
Tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) năm 2018. Đoàn thể thao Việt Nam giành về 4 huy chương vàng, trong đó một nửa thành tích đến từ vận động viên như gồm Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh) và Hồ Thị Lý-Lương Thị Thảo-Phạm Thị Thảo-Tạ Thanh Huyền (môn chèo thuyền).
Ở SEA Games 29, những vận động viên từ “phái đẹp” cũng tỏ ra tốt hơn đồng nghiệp nam với 36 trong tổng số 58 huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam.
Còn ở Đại hội thể thao Đông Nam Á gần nhất vào năm 2019, “những cô gái vàng” cũng giành tới 53 huy chương vàng, hơn 8 chiếc so với “nửa kia.”
Danh sách 10 vận động viên tiêu biểu năm 2021 cũng ghi nhận tới 6 gương mặt nữ với Nguyễn Thị Oanh, Trương Thị Kim Tuyền, Huỳnh Như, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Thị Mỹ Tâm.
Tuy nhiên, việc nhắc đến những cô gái của thể thao Việt Nam không chỉ nói về kỳ vọng thành tích. Khi trở thành niềm hy vọng số một của thể thao Việt Nam, họ cũng cần những sự quan tâm xứng đáng hơn với thành công đã giành được.
Năm 2021, thể thao Việt Nam nhận mất mát lớn khi “tiểu tiên cá” Ánh Viên từ giã đội tuyển quốc gia, không tham dự SEA Games dù vừa giành 21 huy chương vàng tại giải vô địch quốc gia.
Trường hợp của Ánh Viên là bài học lớn cho thể thao Việt Nam về vấn đề đầu tư cho vận động viên trọng điểm nói chung cũng như vận động viên nữ nói riêng.
Còn câu chuyện đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dần bị lãng quên sau thành tích khủng một lần nữa cho thấy sự thiệt thòi của “phái đẹp” trong môi trường thể thao. Bởi vậy, rất cần những sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cộng đồng để các cô gái vàng tiếp tục tỏa sáng trên các đấu trường quốc tế.