Những cô gái ”ngàn đô”

Không biết các cụ mình đánh giá cao hay… bất công với đàn ông, khi đặt ra nguyên tắc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”? Chỉ biết nguyên tắc bất di dịch đó từ lâu đã đặt lên vai đàn ông một trách nhiệm lớn lao, thậm chí làm cho lắm anh đàn ông bất thành hôn phu chỉ vì không đủ khả năng xây nhà… Tuy nhiều đời nay đàn ông không hề có ý định bác bỏ nguyên tắc đó, song trong thực tế nhiều trường hợp chính phụ nữ đã chủ động cởi bỏ gánh nặng cho đàn ông bằng cách mua nhà trước khi lấy chồng! Vì sao phụ nữ lại làm điều tưởng chỉ có đàn ông mới làm được? Câu trả lời rất đơn giản: vì thu nhập của họ rất cao, lên tới hàng ngàn đô mỗi tháng.

  Để xác định mức phồn vinh của một xã hội, người ta dùng một thước đo quen thuộc là thu nhập bình quân đầu người. Sau hai mươi năm đổi mới, năm 2005 thu nhập bình quân của người Việt Nam là 637,3 đô la Mỹ/năm. Năm 2006 được đánh giá là “năm bay lên” của Việt Nam, thu nhập bình quân cũng chỉ ở mức 724 đô la Mỹ/người/năm.

Tại thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế của cả nước, thành phố năng động nhất – thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt khoảng 2000 đô la/người/năm.

Vậy tại sao lại có những cô gái thu nhập hàng ngàn đô la mỗi tháng? Có lẽ nên bắt đầu với những “cô gái đặc biệt” này bằng một trình tự logic và khoa học.
 
 Những cô gái ngàn đô từ đâu ra?

 Một doanh nhân kể rằng, những ngày đầu lập nghiệp của anh (đầu những năm 90) vô cùng gian nan. Khi đó kinh tế tư nhân mới ra đời, chưa được sự quan tâm của Nhà nước. Doanh nhân này ví von, nếu coi thương trường là chiến trường, doanh nhân là chiến binh, thì trong cuộc đấu kiếm, “chiến binh tư nhân” giống như người cởi trần còn “chiến binh Nhà nước” là người mặc áo giáp.

Một anh cởi trần, một anh mặc áo giáp thì “đấu đá” kiểu gì? Nhưng giờ đây cơ chế đã thay đổi, và người “chiến binh cởi trần” năm nào đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty lớn. Anh còn vươn ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác và bắt tay với nhiều đại gia trên thế giới. Cuối năm vừa rồi, “chiến binh cởi trần” lại báo tin vui công ty của mình đã chính thức bước lên sàn giao dịch chứng khoán.

 Anh không phải trường hợp ngoại lệ, mà sự lên hương này là hiện tượng phổ biến ở nhiều doanh nhân làm kinh tế tư nhân. Với chính sách kêu gọi đầu tư của nước ngoài, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Điểm chung của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty nước ngoài, là luôn chấp nhận giá trị cá nhân – ai có năng lực, bất kể nam hay nữ, đều có cơ hội được thăng tiến. Và đây chính là thời điểm xuất hiện “những cô gái ngàn đô”!
 

 Điều gì làm nên Những cô gái ngàn đô?

 Nếu trước đây, mức lương “xêm xêm” nhau được coi là sự công bằng, thì bây giờ, nhiều người quan niệm đó là sự cào bằng vô lý. Thực tế, không thiếu công ty trả lương tháng cho nhân viên chỉ 1,5 – 2 triệu đồng, nhưng có những nhân viên nhận tới 2 ngàn đô la. Có những công ty nước ngoài sẵn sàng trả 4 – 6 ngàn đô la cho vị trí quản lý; trong số đó, không ít là những người lâu nay vẫn bị coi là “tầm nhìn không qua khỏi ngọn cỏ”.

Ví như ở tập đoàn Unilever, giữ vị trí quản lý các nhãn hàng đa số là phụ nữ, và mức lương họ nhận được hầu như không có con số dưới ngàn đô la. Nhìn vào những mức lương này, có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi, sao lại kiếm tiền dễ như vậy? Đúng là với vận hội hiện nay, việc kiếm tiền không khó, nhưng sẽ không dễ chút nào nếu những cô gái đó không có những tố chất cần thiết, mà công việc và vị trí bắt buộc phải có.
Một trong những tố chất hàng đầu của “những cô gái ngàn đô” chính là biết nắm bắt cơ hội và có những lựa chọn thức thời. Khi nhiều người còn quan niệm làm việc cho công ty nhà nước là an toàn và tìm mọi cách để “chen chân” vào các công ty này, thì lựa chọn của “những cô gái ngàn đô” là công ty tư nhân!

Khi các công ty nước ngoài mới đầu tư vào Việt Nam, và nhiều người còn quan niệm phải tránh xa kinh tế tư bản, nếu không muốn bị bóc lột sức lao động, thì “những cô gái ngàn đô” lại coi đây là nơi để phát huy khả năng của mình!

Một đặc tính nữa của “những cô gái ngàn đô” là muốn thay đổi và dám đón nhận thách thức để tạo động lực phát triển cho chính bản thân mình.

Sẽ không có gì bất ngờ nếu một cô gái đang làm công việc đã trở thành kỹ năng với mức lương hấp dẫn, được đồng nghiệp nể trọng, được sếp cưng chiều, nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả để đến một công ty mới toanh, thậm chí chỉ là văn phòng đại diện của một công ty kinh doanh mặt hàng hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Bởi với họ, cái mới là thách thức nhưng cũng là cơ hội, mà một phụ nữ hiện đại thì luôn tìm kiếm cơ hội mới. Kiên nhẫn, chăm chỉ và chịu khó học hỏi cũng là đặc điểm nổi bật của “những cô gái ngàn đô”.

 Một trong những tài sản quý giá nhất của mỗi người là thời gian. Với phụ nữ, thời gian còn quan trọng hơn, vì vòng quay của nó kéo theo sắc đẹp của họ. Nhưng “những cô gái ngàn đô” sẵn sàng bỏ ra nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để theo đuổi dự án, công trình của mình. Không chỉ học hỏi sếp, đồng nghiệp, mà họ sẵn sàng học hỏi chính nhân viên của mình.

“Những cô gái ngàn đô” còn sở hữu khả năng ngoại giao tuyệt vời. Với ngoại hình được chăm chút cẩn thận, lời nói dịu dàng, văn minh, khả năng diễn đạt lưu loát, và nền tảng kiến thức đáng nể, họ đủ sức gây ấn tượng tốt đẹp với ngay cả những nhà tuyển dụng khó tính nhất!

Ưu điểm của “những cô gái ngàn đô” còn là sự cẩn thận và biết hoạch định chiến lược cho chính tương lai, cuộc đời của mình. Ai đó đã nói: nếu bạn lên nhầm một chuyến tàu thì tất cả các ga dừng lại đều sai. Hơn ai hết, “những cô gái ngàn đô” nắm rất rõ nguyên tắc này nên họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều thời gian để làm một việc, đôi khi đàn ông cho là… ngớ ngẩn, đó là hoạch định xem 1 – 2 năm tới, 5 năm tới, hay 10 năm tới mình sẽ làm gì?

Nguyễn Hữu Hạnh – Trưởng phòng kinh doanh của Xone FM (gương mặt của chuyên đề này) chính là một trong “những cô gái ngàn đô” đã lên kế hoạch rất chuẩn xác cho từng bước đi của mình: “Khi còn là sinh viên, mục đích của tôi là có công việc, và công việc đó có thu nhập cao. Khi bước vào nghề PR, tôi đặt ra mục đích phải làm manager. Khi lên manager tôi lại muốn làm director. Hiện tôi đã giữ vị trí director.

Bước tiếp theo, không biết có tham vọng quá không, khi tôi muốn một ngày nào đó mình được làm cho bản thân, cụ thể hơn là tôi muốn được làm tổng giám đốc!”. Với Nguyễn Hữu Hạnh thì vị trí tổng giám đốc là mục tiêu trong tương lai của cô, nhưng cũng có nhiều phụ nữ khác, họ đã nhanh chân làm chủ công việc của mình.

Sy Sy Trang Hoàng là một trong những điển hình cho mẫu phụ nữ sớm làm chủ được công việc của mình, khi cách đây vài năm, chị vẫn còn là nhân viên của hãng rượu Hennessy, công ty quảng cáo Đất Việt, còn bây giờ chị đang là Giám đốc công ty Sen với dự án từng làm xôn xao dư luận: đưa truyền hình lên tàu.
 

 Nhận diện những cô gái ngàn đô

 Phải nói ngay từ đầu là không khó để nhận diện ra “những cô gái ngàn đô”. Họ có đặc điểm chung là rất hiện đại, văn minh và năng động. Trong “thế giới phẳng” ngày nay, khi ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trong công việc thì họ nói tiếng Anh như… chim hót.

Trong những công ty nước ngoài, không ít phụ nữ nói tiếng Anh còn nhiều hơn tiếng Việt. Những năm trước, và ngay cả bây giờ, việc ra nước ngoài còn xa lạ đối với nhiều người, thậm chí nhiều người không biết hộ chiếu, visa là gì, thì “những cô gái ngàn đô” lại là những người đi nước ngoài như… đi chợ.

Họ đi làm việc, đi dự những cuộc họp, những cuộc hội thảo, những lớp học ngắn hạn, đi du lịch, thậm chí họ đi nước ngoài chỉ để… mua sắm (shopping), và không ít người thuộc nằm lòng tháng nào là mùa… bán hàng giảm giá (sale off) của nước nào.
 
Các cụ xưa vẫn nói người phụ nữ biết yêu thương, chăm sóc chồng con là người phụ nữ đức hạnh. Điều đó luôn đúng, nhưng ở “những cô gái ngàn đô” thì phải cộng thêm một yếu tố nữa, là họ biết yêu thương, và chăm sóc bản thân mình. Bể bơi, sân tennis, câu lạc bộ thẩm mỹ… chính là nơi “nâng cấp” sức khoẻ và vóc dáng cho họ.

Thu nhập của họ là ngàn đô thì trang phục của họ cũng phải tính bằng… tiền đô. Hiện nay, các thương hiệu thời trang danh giá, các hãng mỹ phẩm lớn, các nhà sản xuất đồ dùng công nghệ cao (hi–tech) đều hướng tới một trong những đối tượng khách hàng chính là “những cô gái ngàn đô”.

Những năm gần đây, laptop điệu, iPod điệu, điện thoại di động điệu… đang là những vật bất li thân của họ. Một “cô gái ngàn đô” còn kể, cô mua nhà ở Phú Mỹ Hưng, và phương tiện đi làm là xe gắn máy. Sau lần đụng xe chỉ cách… gầm xe tải 2 mét thì cô đã quyết định đổi chiếc xe gắn máy đó bằng… ô tô! Và không ít cô gái ngàn đô cũng đã chọn ô tô. Với họ, đó là phương tiện an toàn, thời trang, thể hiện đẳng cấp và để tránh cái… nắng của xứ nhiệt đới!
 
 “Những cô gái ngàn đô” chính là sản phẩm của một xã hội hiện đại, văn minh, hội nhập và đang trên đà phát triển. Nên không có lý do gì để chúng ta không tự hào về họ – Những cô gái tuyệt vời!

Các tin liên quan

3 cô gái "ngàn đô"
Những cô gái "ngàn đô" trong mắt đàn ông


From the same category