Những chuyện cười ra nước mắt - Tạp chí Đẹp

Những chuyện cười ra nước mắt

Tin Tức

Thuê đất khu công nghiệp để trồng rau

Trong một cuộc gặp gỡ giữa UBND với doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trên địa bàn thành phố, một giám đốc DN sản xuất nông nghiệp lâu năm đã nhờ ủy ban can thiệp để chuyển đổi một phần diện tích xây dựng văn phòng, nhà xưởng trên đất nông nghiệp của công ty thành đất thổ cư để DN này lấy sổ hồng đi thế chấp ngân hàng.

“Hiện DN chúng tôi đang kẹt vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất, vì thế, phải nhờ can thiệp với các cơ quan chức năng để giúp chúng tôi có thể có đất thổ cư để đi vay ngân hàng. Đây là hy vọng duy nhất để DN có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng”, vị giám đốc này nói.

Tuy nhiên, việc này thật khó, vì ai cũng hiểu rằng, nếu DN này được ưu ái thì những DN khác cũng tìm cách làm tương tự theo kiểu đưa chính quyền vào chuyện đã rồi.

Còn với chính quyền cũng tỏ ra bất lực vì nếu chấp nhận cho chuyển đổi quyền sử dụng đất thì tạo tiền lệ xấu để những DN khác làm theo, còn nếu yêu cầu dở bỏ phần công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thì cũng không được. Vì thế, chuyện người dân làm nhà trên đất nông nghiệp thì cứ để cho qua và chờ xin chỉ đạo từ cấp cao hơn.

Trong khi đó, một HTX chuyên trồng rau sạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) hồi mới thành lập đã được cho thuê một diện tích khá lớn để trồng rau. Ngoài ra, còn được hỗ trợ những khoản vay, tư vấn, thị trường nên chỉ trong một thời gian đã ăn nên làm ra.

 

Khi đó, HTX muốn mở rộng diện tích trồng rau nên họ mới bắt đầu thuê lại đất nông nghiệp của người dân trong vùng để trồng rau. Lúa này, bộ phận kế toán mới phát hiện ra: lâu nay phần diện tích đất họ được cho thuê là đất phi nông nghiệp. Nếu so với giá thuê đất nông nghiệp từ người dân thì giá thuê của Nhà nước cao gấp 20 lần. Hóa ra, những gì mà DN được hỗ trợ tưởng là giá rẻ nhưng miếng nào đắt ra miếng đó.

Giải thích chuyện này, một chuyên gia từ Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, HTX này được thuê đất phi nông nghiệp vốn quy hoạch dành làm công nghiệp để sản xuất vì đây là diện tích đất đang chờ chuyển đổi, trong khi chờ nên được cho thuê để kiếm chút vốn. Cũng giống như kiểu nhiều khu đất vàng ở quận 1, quận 2 được cấp cho các nhà đầu tư để xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại nhưng do thiếu vốn…. nên chủ đầu tư chuyển sang giữ xa máy, xe ô tô để kiếm thêm vài tỉ đồng/ năm trong khi chờ đủ vốn để xây dựng.

Sạch vẫn tràn lan thuốc trừ sâu

Hy vọng tăng được hoa lợi từ mảnh đất của mình, nhiều nông dân đã tham gia vào chương trình cánh đồng mẫu lớn ở một tỉnh tại ĐBSCL bằng việc góp diện tích trồng lúa của mình với hàng trăm nông dân khác để tạo nên cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật lẫn đầu ra cho hạt gạo đều được các doanh nghiệp cho ứng trước, bao tiêu đầu ra và khi thu hoạch người dân chỉ đến nhận tiền mà thôi.

Vốn là người dân ít học nêu chuyện ghi chép tính toán chi tiêu đầu vào, đầu ra từ bao đời nay hầu như không làm Với họ, chuyện tính toán đầu vụ mua bao nhiêu kg phân đạm, bao nhiêu tiền thuốc trừ sâu và khi bán ra lời lãi bao nhiêu chỉ là chuyện của DN, còn nông dân thì bán được lúa là tốt lắm rồi.

Vì thế, khi tham gia vào cánh đồng mẫu lớn, người dân vẫn tin tưởng vào DN nên để cho DN hoạch định chi phí đầu vào, đầu ra, họ chỉ biết đến cuối vụ thì đến nhận tiền

Những lợi ích khi tham gia vào cánh đồng mẫu lớn thì đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, trong đó vẫn có một vài hạt sạn khó có thể chấp nhận được khi một số nhà khoa học nông nghiệp phát hiện ra người dân tham gia vào cánh đồng mẫu lớn… dùng thuốc trừ sâu cấp gấp 4 lần so với trước đó. Phát hiện này cũng khá tình cờ khi một số cán bộ khoa học trong lúc đi kiểm tra đồng lúa chuẩn bị thu hoạch trước 2 tuần thì phát hiện một số người dân đem bình thuốc sâu để phun cho lúa.

Dĩ nhiên, chi phí sử dụng thuốc trừ sâu sẽ được đưa vào chi phí đầu vào, nghĩa là lợi nhuận mà người dân tham gia vào cánh đồng mẫu lớn cũng sẽ giảm đi nhiều. Câu hỏi đặt ra là nếu cán bộ khoa học không bắt gặp cảnh người dân đi phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch lúa thì chuyện một số DN lợi dụng cánh đồng mẫu lớn để tăng số lượng bán vật tư nông nghiệp khó bị phát hiện.

Quay lại với câu chuyện DN dùng đất nông nghiệp để xây văn phòng, nhà xưởng và chuyện DN thuê đất phi nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp để thấy chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều nỗ lực từ những nhà hoạch định chính sách. Và chừng nào những chuyện nhập nhằng này chưa được giải quyết triệt để thì thiệt thòi vẫn nằm ở người nông dân, vốn chỉ có dựa vào mảnh đất, mồ hôi nước mắt của mình.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

15/07/2012, 08:50