Những chữ gây khó cuộc đời - Tạp chí Đẹp

Những chữ gây khó cuộc đời

Tin Tức

(Minh họa: Vũ Toản)

(Minh họa: Vũ Toản)
 
Tôi cầm chiếc thiếp mời dự đám cưới ngắm nghía. Cũng thắt nơ lụa hồng. Chữ trên thiếp in nổi. Bìa cuối của thiếp còn in bản đồ chỉ dẫn đường tới khách sạn tổ chức hôn lễ, chẳng khác gì cả chục cái thiếp mời khác mà tôi nhận được trong mùa cưới năm nay. Lật lên lật xuống, săm soi mãi mà không phát hiện ra điều gì khác lạ. Ngượng. Liếc nhìn ông bạn, buông câu thăm dò: “ Đẹp! Sang …”

Bạn tôi cau mày: “Đẹp thì có đẹp, sang thì có sang, nhưng in thiếu, cái quan trọng nhất thì lại thiếu. Đó là cuối thiếp mời phải in dòng ghi chú: “Xin nhớ mang theo giấy mời này khi tới dự lễ thành hôn. Giấy mời chỉ có giá trị dùng cho một người, cấm đi kèm”.

– Ối trời ơi! Giấy mời dự đám cưới chứ có phải vé vào rạp hát, rạp chiếu phim hay sân vận động xem đá bóng đâu mà phải ghi những dòng chữ kỳ cục vậy.

– Trước thì không, nhưng bây giờ phải ghi, ông ạ. Vì đã có văn bản quy định cán bộ tổ chức đám cưới chỉ được mời tối đa 300 người dự. Con tôi in đúng 300  thiếp mời, đã bỏ kiểu ghi: “Kính mời anh chị và các cháu…” Mà chỉ ghi: “Kính mời anh” hoặc “Kính mời chị” rồi, nhưng không có ghi chú thêm như thế, phòng xa họ nhiệt tình đi cả hai vợ chồng, cả gia đình tới dự mừng hạnh phúc của nó thì số người tới dự vượt quá con số 300, có phải là vi phạm quy định không?

– Vậy tôi hỏi ông, dù giấy mời đã ghi như thế, một số người vốn nặng ân tình với ông bà, cứ đi cả hai vợ chồng thì làm thế nào?

– Chính vì thế mà ngoài việc thuê nhân viên nữ mặc áo dài đón khách, người dẫn chương trình, tôi phải lên bảo nó bổ sung gấp vào hợp đồng với khách sạn nhận tổ chức hôn lễ là thuê thêm hai nhân viên bảo vệ để soát giấy mời chặt chẽ như người soát vé ở rạp hát vậy.

Tôi cười buồn:

– Phải vậy thôi. Biết ông xưa nay vẫn là con người gương mẫu, cái gì cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng để giải quyết chuyện này, đường từ đây lên thành phố xa, ông rảnh rang, sao không chịu khó lên đó một mình mà phải bắt thằng con út bỏ công bỏ việc cùng đi với ông.

– Vì xe máy  của tôi sắp hết xăng rồi. Qua huyện phải rẽ vào trạm bán xăng mua bổ sung thì mới lên thành phố được.

– Ô hay, tới trạm xăng, cứ tấp xe vào mua, có ai quy định xe phải có hai người thì mới được mua xăng đâu?

– Chẳng có trạm xăng nào quy định như thế, nhưng tháng 6 vừa rồi đã có văn bản về phòng cháy chữa cháy quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ một trăm ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng đối với một trong những hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm và phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm. Vì vậy, khi vào mua xăng, biết gửi điện thoại di động ở đâu, đành phải bảo cháu đi cùng để khi tôi vào trạm xăng thì cháu ở ngoài giữ điện thoại di động vậy. Ông hiểu chưa?

 – Hiểu, hiểu rồi. Hóa ra đôi khi có những chữ trên văn bản xuất phát từ ý tưởng tốt, tưởng là cần thiết, nhưng lại gây khó cho cuộc đời vậy sao!? Hu hu …

Nguyễn Đoàn

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

18/11/2012, 10:52