Những cái chết vì bóng

Bài học về những cái bóng nổi loạn giúp cho con người nhìn nhận lại đúng thực chất bản thân mình. Làm sao để cái bóng chỉ là cái bóng. Đừng để một cái bóng vô hình, lại có năng lượng đè bẹp chính tinh thần của mình, dìm lấp cuộc sống của mình.

Sự giành giật giữa cái bóng và con người sẽ ngày càng quyết liệt hơn, và nếu yếu đuối, mải mê chạy theo cái bóng, con người sẽ đánh mất chính bản thân mình và dẫn đến con đường tự triệt tiêu.


Ghen bóng ghen gió

Một chị vợ, vớ phải ông chồng hay ghen bóng ghen gió. Một ngày nọ, bèn nghĩ ra kế: Đưa cho chồng đọc “Thiếu phụ Nam Xương” của Nguyễn Dữ – câu chuyện buồn về một cặp vợ chồng phải ly tán thời chinh chiến. Chàng Trương đi lính bằn bặt, vợ ở nhà nuôi con chờ chồng.

Mỗi khi con khóc, lại trỏ cái bóng trên tường và bảo đấy là cha để dỗ đứa trẻ nín. Người chồng trở về, đứa con nhất định không nhận cha và bảo có cha khác cơ. Lửa ngờ nổi giận, người chồng bèn ra sức mắng nhiếc vợ.

Thanh minh không lại, người thiếu phụ Nam Xương bèn chọn nước cùng là nhảy xuống sông trẫm mình. Oan khuất chỉ sáng tỏ khi một đêm, đứa con thơ đang khóc bỗng im bặt và chỉ tay lên tường, reo: “Bố kìa, bố kìa…”. Người chồng hiểu ra sự tình thì đã muộn.

Về sau, vua Lê Thánh Tông đi qua miếu vợ chàng Trương, thương cảm người phụ nữ tiết hạnh bèn làm một bài thơ: “Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương/Miếu ai như miếu vợ chàng Trương/Ngọn đèn đầu tắt đừng nghe trẻ/Làn nước chi cho lụy đến nàng”…

Chiếc bóng đúng là một cái vô hình vô ảnh, nhưng rất lợi hại. Nó không hiện hữu nhưng làm cho khối người chết vì chiếc bóng không có thực. Những thứ không có thực ấy thường hiện hữu trong tưởng tượng và nó cứ lớn dần lên, ghê gớm, choán hết tâm trí và lấn át cả sự minh mẫn.

Bóng là bệnh ảo

Trong Thần thoại Hy Lạp có một chàng trai tên là Narcisse, con của thần sông và tiên nữ Liriopé. Chàng đẹp đến nỗi có quá nhiều nữ thần say mê van xin tình yêu nhưng chàng vẫn một mực lạnh lùng từ chối. Trong số những kẻ thất tình có Echo.

Đau khổ vì bị Narcisse từ chối, Echo cầu xin các vị thần và các nữ thần cùng yêu chàng tập hợp lại để trừng phạt chàng. Từ đó, Narcisse sẽ chỉ được phép yêu chính bản thân chàng.

Một lần, Narcisse nghỉ ngơi bên bờ suối, chợt nhìn thấy bóng mình dưới nước, chàng ngẩn ra ngắm mình và chợt hiểu vì sao biết bao con tim của các cô gái lại tan vỡ vì mình.

Càng ngắm, chàng càng ngưỡng mộ và say đắm cái bóng của mình. Nhưng cứ đụng tay vào nước suối, cái bóng lại tan vỡ. Cuối cùng, chàng chết trong mòn mỏi, với một khối tương tư cái bóng của chính mình.

Cái danh từ riêng Narcisse từ đó trở thành một tính từ chỉ sự yêu mình thái quá, tự phụ đến ích kỷ không còn thèm biết đến ai, ngoài bản thân mình và cái bóng của mình.

Chiếc bóng cũng như bệnh tưởng, được khoác lên mình những gì ảo giác nhất. Thầy Thích Nhất Hạnh thường nói: “Hãy biết yêu thương mình”, nhưng yêu thương và quan tâm đến mức độ nào để không thành kẻ ích kỷ chỉ biết bản thân, chỉ yêu chính cái bóng của bản thân? Và phải chăng, trong mỗi chúng ta, ai cũng có thể có lúc mang trong mình một chàng Narcisse đáng thương?

Bóng nổi loạn

Ai cũng mang trong mình một cái bóng. Nó là bản sao của chính chúng ta. Xưa kia, người ta thường quan niệm ai không có bóng, người đó là quỷ dữ. Vì vậy đã có nhiều câu chuyện viết về chuyện người không có bóng.

Bóng một ngày kia tách ra khỏi con người, phát triển thành những người thực, bản sao của người thực. Nhưng vì là những chiếc bóng nổi loạn, nên chúng thường có cá tính rõ rệt, nổi trội hơn, “oách” hơn người chủ của nó.

Không phải “Bóng đè” của nữ nhà văn Đỗ Hoàng Diệu hay những chiếc bóng trong chuyện cổ tích Andersen, trong “Là hình hay là bóng” của Dostoievski là những chiếc bóng nổi dậy. Chúng tách ra được từ con người và dần dần xâm chiếm, khiến chính con người thực lại trở thành những chiếc bóng.

Sau những dè dặt ban đầu, chiếc bóng dần dần tìm đủ mọi cách lấn át chủ nhân. Bóng coi nó mới là người, và ngược lại người phải chịu kiếp bóng, phải là nô lệ cho cái bóng.

Cuộc đấu tranh giữa hình và bóng rất quyết liệt, khi bóng luôn có lắm chiêu, lắm mẹo và luôn luôn muốn giành thế chủ động. Cho đến một ngày, cái bóng đã ra lệnh sát hại chính người chủ của mình để không ai biết rằng, chúng chính là cái bóng…

Núp bóng

Cái bóng lớn có thế lực, sẵn sàng bao che, giấu giếm một cách vụ lợi. Nhiều người huênh hoang, nghĩ mình quen nhiều thế lực, có nhiều cái bóng đứng đằng sau nâng đỡ, nên họ bắt đầu sống với cái vẻ tự tin khoác lên mình nhờ những cái bóng ảo đó.

Ai dám làm gì, ai dám dây vào? Núp dưới một cái bóng khác, khoác lên mình một vỏ bọc, để làm điều xấu, xằng bậy, hoặc đi lòe, đi lừa người khác. Chẳng thế mà có những kẻ lừa mua được hàng nghìn sổ đỏ của nhân dân.

Nghe xong, mà choáng. Có kẻ dựa vào danh nghĩa và tiền bạc, tên tuổi của một thế lực lớn (vô hình hoặc hữu hình, nói chung càng bí ẩn càng sợ) để chèn ép người khác.

Cái bóng này nguy hiểm và húc đầu vào những thể loại bóng này, có nguy cơ vỡ sứt đầu mẻ trán như chơi. Mà thôi, ở đời, ai chả nương nhờ vào ai, cái nọ liên quan đến cái kia. Thế mới nói xã hội là tổng hòa các mối quan hệ!

Bóng nổ

Có nhiều khi, trên hành trình tìm kiếm yêu đương, nhiều người hay thích tạo ra cho mình một cái vỏ bọc hào nhoáng hòng làm rung động trái tim kẻ khác giới, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là thích đánh bóng bản thân để sưu tập fan hâm mộ. Hẳn nhiên là những kẻ ưa thích đánh bóng bản thân thì không phải chỉ thời nay mới có.

Từ thời xưa, những TYPN, những Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng đã biết tận dụng sự ngây thơ, cả tin, thiếu hiểu biết của đám đông để lăng-xê bản thân một cách triệt để. Nhưng ở thời đại toàn cầu hóa này, cùng với sự phát triển vượt bậc của văn hóa văn minh nhân loại, thì nhu cầu cần được thể hiện bản thân của con người cũng tăng lên một cách chóng mặt theo cấp số nhân, mà các tiền bối xa xưa còn lâu mới theo kịp.

Rất nhiều người đã biết nâng việc đánh bóng hình ảnh của mình lên thành một thứ công nghệ: công nghệ làm hàng. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, những đối tượng thích làm hàng không chỉ khoe khoang, đánh bóng bản thân ở những nơi công cộng, chốn đông người, mà còn thả sức tô vẽ mình trên các diễn đàn online, blog cá nhân, nơi mà mọi thứ, kể cả cuộc sống, đều là ảo.

Cứ như thế, những đối tượng thích đánh bóng bản thân lúc nào cũng phải gồng mình lên để nâng đỡ cái "tôi" vốn không thuộc về mình, giống như một cô gái lạm dụng quá nhiều vào son phấn, không dám xuất hiện trước mặt người yêu với khuôn mặt chưa trang điểm.

Và những kẻ ưa thích sự làm hàng không bao giờ hiểu rằng: con đường ngắn nhất để chạm vào một trái tim, không phải là sự đánh bóng bản thân, mà chính là sự đồng cảm giữa hai tâm hồn, là sự yêu thương chân thành, giản dị và không vụ lợi.

Những người này, cho dù có tạo dựng được một mối quan hệ tình cảm với một ai đó, thì đến một ngày, khi bóng nổ, cái vỏ bọc hào nhoáng rơi xuống, thì thứ mà họ gọi tên là tình cảm cũng sẽ đội nón ra đi.

Vĩnh Khang – Đông Phương BB


From the same category