Trong cuốn tự truyện của mình, nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã kể lại ký ức kinh khủng khiếp khi bị dư luận ném đá, lăng mạ vào thời điểm clip nóng của cô và bạn trai cũ bị phát tán. Suốt thời gian ấy Linh đã vùi mình vào rượu để sống qua quãng ngày đen tối ở tuổi đôi mươi đẹp nhất của người con gái. Và chỉ một chút nữa thôi cô có thể mất cả sự nghiệp lẫn tương lai bởi dư luận không cho cô đứng dậy… Để có ngày hôm nay, Hoàng Thùy Linh đã mất 10 năm để có thể đối diện với dư luận và ngẩng cao đầu bước tiếp.
Trước Hoàng Thùy Linh còn có diễn viên Y.V, ca sĩ N.H.N phải rời quê hương sang mảnh đất khác sinh sống khi bị dư luận chỉ trích vì lộ clip nóng với bạn trai.
Ở thời điểm xảy ra chuyện, Hoàng Thùy Linh, hay Y.V, N.H.N đều là những cô gái đến tuổi trưởng thành, lại hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ít ra họ cũng có kinh nghiệm hoặc được hỗ trợ để chống chọi với dư luận. Nhưng ba người phụ nữ ấy đã phải sống ấn dật trong nhiều năm như tội phạm để tránh cơn thịnh nộ của dư luận, mặc dù xét về luật họ không hề có lỗi.
Còn với các cô bé ở độ tuổi học sinh, khi xảy ra sự việc tương tự, các em hoảng sợ khi bỗng dưng trở nên “nổi tiếng”. Có em đã chọn cái chết khi bị cộng đồng mạng ném đá, cười chê như trường hợp của cô bé chuẩn bị lên lớp 10 ở Đồng Nai năm 2015. Hay mới đây thôi, vào giữa tháng 3, một nữ sinh lớp 11 đã tự tử để “giải thoát” khỏi cảm giác tội lỗi khi hình ảnh em hôn bạn trai xuất hiện tràn lan trên mạng…
Và ngay thời điểm này, khi chuyện một nữ cộng tác viên của tờ báo lớn tìm cách tự tử vì bị trưởng ban cưỡng bức được lan truyền trên mạng, nạn nhân đã bị tấn công bằng rất nhiều lời ác ý từ cư dân mạng. Họ tự cho mình quyền phán xét, phân tích và… luận tội cô gái kia rằng, “không có lửa làm sao có khói”?
Đặc biệt trong đó có rất nhiều lời chỉ trích tấn công cô gái xuất phát từ phụ nữ, những người cùng phe chân yếu tay mềm với người bị hại…
Sau mỗi sự việc, các chuyên gia tâm lý đã lên tiếng cảnh báo, tấn công người khác bằng lời nói dù không gây ra vết thương trực tiếp nhưng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, nhẹ là khiến người bị tấn công mất đi cuộc sống bình yên, mất sự nghiệp, gia đình… nặng là trầm cảm, hoặc khiến nạn nhân tự tử như trường hợp của hai cô bé trong sự việc nói trên.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), Điều 155 cũng quy định rõ ràng, cụ thể về tội làm nhục người khác: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Nhưng có lẽ, đa số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam còn thiếu hiểu biết về điều luật này, nên thản nhiên cho mình quyền được tự do phát ngôn sỉ nhục người khác vì không muốn đứng ngoài “phong trào”, muốn chứng tỏ mình “hiểu biết”, bắt kịp “xu hướng”… Thiết nghĩ cần có chế tài chi tiết hơn nữa cho những trường hợp xúc phạm nhân phẩm, vu khống người khác trên mạng xã hội để hạn chế những câu chuyện đau lòng như trên. Còn về phía những trường hợp có “nguy cơ” bị ném đá, tốt nhất hãy tạm khóa tài khoản cá nhân, nếu biết mình đang bị vu khống, lăng mạ hãy nhờ đến sự bảo vệ của pháp luật.