Những bộ phim về tuổi teen chuyển thể thành công

Các tác phẩm phim chuyển thể từ nguyên tác văn học vốn không phải là chuyện hiếm, tuy nhiên để có được một bộ phim hài lòng cả những người xem lẫn các fan của truyện thật không phải dễ dàng. Lứa tuổi thanh thiếu niên là khoảng thời gian đẹp đẽ và rực rỡ nhất trogn đời người, vì thế những tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên cũng đầy đủ các cung bậc từ li kì, hư ảo tới hài hước, gai góc, chân thật…Cùng Đẹp Online điểm qua một số bộ phim chuyển thể trong đó, người xem cảm thấy mình như một cô cậu bé đang lớn lên trong những ngày tháng trẻ trung.

1.     “Harry Potter and The Prisoner of Azkaban” (Harry Potter và tù nhân ngục Azkaban)

Khi nhắc tới những bộ phim chuyển thể đã làm nên tuổi thơ của cả một thế hệ, không thể không nhắc tới series về Harry Potter. Được đánh giá là một trong những tập phim xuất sắc nhất trong cả series, “Harry Potter and The Prisoner of Azkaban” ra mắt năm 2004 dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn Alfonso Cuarón, người từng đứng sau thành công của những “Children of Men” (Đứa con của loài người), “Gravity” (Cuộc chiến không trọng lực) hay “Y Tu Mama Tambien” (Vào đời). “Harry Potter and The Prisoner of Azkaban” được Alfonso thổi “phép thuật” của mình vào từng thước phim, khiến bộ tiểu thuyết vốn đã hút khách của nhà văn J. K Rowling nay càng sống động hơn hết trên màn ảnh. Những đứa trẻ từng mơ về một lần cưỡi Bằng mã sẽ phải tròn mắt khi nhìn thấy tưởng tượng của mình nay đã bước ra khỏi trang giấy, sải đôi cánh tung bay trong đêm.

2.     “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”


Dựa theo tập truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khiến những ai đã trót yêu nguyên tác phải rung động một lần nữa khi ngồi trước màn ảnh rộng. Không cầu kì, phô trương, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tấm vé trở về tuổi thơ cho bất kì ai, với những hình ảnh bình dị nhưng đẹp đến ngỡ ngàng về một làng quê Việt trong tiềm thức mỗi người. Góp nhặt những câu chuyện nhỏ nhặt để làm nên một thông điệp lớn, bộ phim tôn vinh cái đẹp giản dị của những tâm hồn trong trẻo như buổi sớm như Thiều, Tường.

3.     “The Perks of Being a Wallflower” (Câu chuyện tuổi teen)


Charlie, một cậu học sinh trung học nhút nhát, sống nội tâm, chịu những tổn thương tâm lý nặng nề vốn là nguyên tác trong tiểu thuyết của tác giả Stephen Chobsky. Những “kẻ ngoài cuộc” như thế, chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu, sau những góc khuất của trường học, những dãy bàn tăm tối cuối lớp…Chobsky đã sử dụng chất liệu hiện thực ấy để xây dựng nên Charlie, nhưng người khiến nhân vật này hiển hiện trước mắt người đọc chính là Logan Lerman. Xuất hiện trong bộ phim chuyển thể, bên cạnh những cái tên như Emma Watson, Erza Miller…bộ ba đã làm nên những câu chuyện cảm động về tình bạn, tình yêu, ý nghĩa cuộc sống. Từng khoảnh khắc, từng câu thoại trong “The Perks of Being a Wallflower” đều tiệm cận sự hoàn hảo, vì bắt rễ từ hiện thực và dường như đây là câu chuyện đời mà mỗi diễn viên tự nói lên bằng diễn xuất của mình.

4.     “The Chronicles of Narnia” (Biên niên sử Narnia)


Mọi đứa trẻ đều mơ về miền đất hứa, nơi có những sinh vật kì lạ, phép thuật, nơi trí tưởng tượng được thoả sức bay bổng và sự dũng cảm được thử thách. Thật kì diệu làm sao khi cánh cửa dẫn tới thế giới Narnia ấy lại được giấu sau tủ quần áo. Dựa theo bộ truyện cùng tên của nhà văn C. S. Lewis, “The Chronicles of Narnia” thoả mãn mọi tưởng tượng của những nhóc tì khi theo chân 4 anh em nhà Pevensie chống lại mụ Phù Thuỷ Trắng.

5.     “Đất phương Nam”


Chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim truyền hình ra mắt năm 1997 “Đất phương Nam” cho tới nay vẫn được trình chiếu tại một số kênh, đài địa phương. Điều đó phần nào cho thấy sức hấp dẫn của bộ phim cho tới ngày nay, dù đã gần 20 năm trôi qua. Một miền Nam sông nước bình dị, trù phú nhưng loạn lạc dưới gót giày của thực dân Pháp đã được “Đất phương Nam” khắc hoạ xuất sắc. An, Cò và những con người từng đi qua đời của hai cậu bé đã làm nên bức tranh con người Nam Bộ đặc sắc, thực tế và vẫn đầy hấp dẫn.

6.     “Percy Jackson series” (‘Percy Jackson & the Olympians: The Lightning Thief’ (2010) / ‘Percy Jackson & the Olympians: Sea of Monsters’ (2013) (Percy Jackson: Kẻ cắp tia chớp (2010)/ Percy Jackson: Biển quái vật (2013).


Bộ tiểu thuyết về Percy Jackson của Rick Riordan là nguồn cảm hứng tạo nên hai phần phim thành công về cậu thiếu niên á thần, con trai của Poseidon và con người. Ước mơ khẳng định mình của thanh thiếu niên có thể được tìm thấy ở Percy, một cậu bé bình thường bỗng chốc một ngày phát hiện ra mình là con trai của vị thần biển quyền uy, gánh vác những sứ mệnh cao cả và nguy hiểm mà chính mình cũng không ngờ tới. Những người yêu thích thần thoại Hy Lạp cũng không thể bỏ qua bộ phim này, khi xây dựng hệ thống nhân vật gắn kết chặt chẽ với những câu chuyện cổ về các vị thần trên đỉnh Olympia.

7.     “The Book Thief” (Kẻ trộm sách)


“The Book Thief” bắt đầu bằng lời của Thần Chết: “Cùng với những chuyện khác, thì đây thực ra chỉ là một câu chuyện nhỏ về: Một đứa bé gái. Vài lời nói. Một người chơi đàn xếp. Vài gã người Đức cuồng tín. Một tay đấm Do Thái. Và khá nhiều vụ ăn trộm. Tôi đã nhìn thấy kẻ trộm sách ba lần”. Bộ phim dựa trên nguyên tác cùng tên của nhà văn Markus Zusak, thực sự đã “đánh cắp trái tim người xem”, khi khắc hoạ một tâm hồn non nớt khao khát học hỏi và thương yêu bị đày đoạ trong tăm tối của chiến tranh, nhưng rồi được những cuốn sách cứu rỗi. Có thể nói, với những người yêu sách, bộ phim của đạo diễn Brian Percival và biên kịch Micheal Petronđã dẫn dắt họ đi về những ngày tháng trẻ thơ run rẩy lần giở từng trang sách với sự nâng niu gần như kính cẩn. Còn với những người trẻ, đây là một bài học nghe – nhìn chạm tới trái tim về tình yêu thương, giá trị tâm hồn vượt lên những rào cản về chủng tộc, văn hoá, chiến tranh…


From the same category