Những bộ phim về đề tài đồng tính gây thổn thức


1.    
“I love you, Phillip Morris” (Tôi yêu bạn, Phillip Morris)

Đối với những cặp đôi, tình yêu và sự điên rồ có lẽ là hai khái niệm không thể tách rời, đôi khi chúng là chất liệu tạo nên những khoảnh khắc ngọt ngào và khó quên trong các cuộc tình. Và điều này đã được “I love you, Phillip Morris” chứng minh. Bằng việc dựa trên câu chuyện có thật về một họa sĩ theo trường phái Con – man (tin tưởng) mang tên Steven Jay Russell, Jim Carrey và Ewan McGregor đã tạo nên một tình yêu đồng tính đáng yêu và thú vị ngay trong hoàn cảnh ngục tù. Sự thật là Russell (Jim Carrey) đã quá yêu bạn tình đồng tính của mình Phillip (Ewan McGregor) đến mức… vượt ngục rất nhiều lần để hai người có thể tới với nhau. Đây cũng là bộ phim đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của Jim Carrey và là bộ phim hài lãng mạn xứng đáng để trân trọng trong những ngày “ăn mừng” như thế này.

2.     “Gods and Monsters” (Thiện và ác)

Là một người đồng tính, diễn viên gạo cội Ian McKellen luôn là cái tên đi đầu trong những hoạt động ủng hộ cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới. Chọn ông để vào vai đạo diễn James Whale trong phim “Gods and Monsters” năm 1998 dường như là một sự sắp đặt tự nhiên. Câu chuyện về cuộc đời của vị đạo diễn và người làm vườn của mình (Brendan Fraser) qua diễn xuất của hai diễn viên đã làm người xem bàng hoàng vì những chi tiết cảm động, khủng khiếp và đớn đau đến cùng cực. Đây là một bộ phim hiếm hoi về góc tối sau sự hào nhoáng của Hollywood, với những con người thành công và đầy hy sinh.

3.    The Hours” (Thời khắc)

Bao trùm tới ba thế hệ phụ nữ khác nhau, “The Hours” của đạo diễn Stephen Daldry, được người xem nhớ nhiều nhất qua màn “lột xác” của Nicole Kidman trong vai nữ tiểu thuyết gia Virginia Woolf bị hành hạ bởi chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, vai diễn người phụ nữ nội trợ u sầu những năm 50 của Julianne Moore được đánh giá là một trong những màn thể hiện tinh tế và buồn thảm nhất trong lịch sử điện ảnh. Người xem rung động bởi sự thể hiện tình cảm chân thành, không chút gượng gạo của Laura Brown (Julianne Moore) trong vai người phụ nữ hàng xóm. Trong phim, những thời khắc lưỡng lự giữa sự sống hay cái chết của các nhân vật là tâm lý đè nặng lên vai khán giả. Đề cập đến vấn đề lưỡng tính của ba người phụ nữ, phim không có những cú ôm ghì, những nụ hôn ngọt hay những cảm xúc mạnh mẽ về người cùng phái, nhưng nó đạt tới sự tinh tế trong cách xử lý dựng phim và tài năng diễn xuất của nghệ sĩ, trong từng khoảnh khắc. Bộ phim từng giành giải Quả cầu vàng này thật sự là tác phẩm trung thực và mạnh mẽ khi trở thành tiếng nói đòi quyền được yêu của những người phụ nữ, dù họ thuộc giới tính nào.

4.      “Brokeback Mountain” (Chuyện tình sau núi)

Câu chuyện tình giữa hai chàng cao bồi ở miền Nam nước Mỹ phải lĩnh rất nhiều sự phản đối khi nó được trình chiếu lần đầu, nhưng đọng lại trong lòng người xem vẫn là một chuyện tình có sức mạnh giữ chân những người tuyệt vọng neo lại cuộc sống. Hai nam diễn viên Jake Gyllenhaal và Heath Ledger đã thể hiện xuất sắc một tình yêu nồng nàn dù không trọn vẹn. Nếu những phân cảnh cuối cùng không lay động bạn, thì có lẽ bạn chưa bao giờ được yêu nồng cháy, đau đớn tới mức huỷ hoại như hai nhân vật chính. Bộ phim hoàn thành năm 2005 này thực sự trở thành một tác phẩm quan trọng và đẹp đẽ của đạo diễn Lý An dành tặng cho lịch sử điện ảnh.

5.     “Cruising” (Tuần tra)

Đã từng bị chế nhạo là một mảnh ghép lệch lạc và đáng xấu hổ của cộng đồng đồng tính trên màn ảnh, ngày nay “Cruising” đã được nhìn nhận đúng như giá trị của nó, là một trong những bộ phim về “gay” hay nhất trong lịch sử. Ra mắt năm 1980, tác phẩm của William Friedkin là một cuộc truy đuổi đen tối và đầy nhục dục trong lòng thành phố New York. Al Pacino vào vai một thám tử dõi theo hành tung của một tên giết người đồng tính, và anh phải thâm nhập vào một thế giới ngầm tràn ngập những cảnh bạo dâm cuồng loạn. Thậm chí đạo diễn William Friedkin phải cắt 40 phút những cảnh sex quá nóng giữa các nhân vật nam trong phim, nếu không sẽ bị Hội đồng Điện ảnh Mỹ liệt vào phim khiêu dâm. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những bộ phim tạo ra bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh về phim đồng tính. Và với những ai còn chần chừ chưa muốn xem, thì cái tên William Friedkin hẳn là một “thương hiệu” đảm bảo cho sự hấp dẫn của tác phẩm này.

6.     “Boys Don’t Cry” (Con trai không khóc)

Dựa trên câu chuyện buồn thảm có thật của Brandon Teena do diễn viên Hilary Swank thủ diễn, đây là tác phẩm đầu tay xuất sắc của Kimberly Peirce. Để chuẩn bị cho vai diễn, Swank đã tập luyện để sinh hoạt như một người đàn ông trong một tháng, và sự cống hiến của cô cho vai Teena đã được đền đáp xứng đáng. Cốt truyện không có gì mới, nhưng đặt nó dưới điểm nhìn của một người chuyển giới khiến khán giả được trải nghiệm một câu chuyện về lòng dũng cảm và chân thành trong một lăng kính hoàn toàn khác. “Boys Don’t Cry” xứng đáng là một trong những bộ phim hay nhất của năm 1999.

7.     “Dog Day Afternoon” (Buổi chiều xui xẻo)

Năm 1975, bộ phim hình sự – hài của điện ảnh Mỹ, do Sidney Lumet đạo diễn này, ra mắt khán giả đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các nhà phê bình lẫn người xem.

Chúng ta sẽ gặp lại Al Pacino trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác, lần này anh ở phía tối của công lý, nhưng điều làm câu chuyện phim thoát khỏi khuôn sáo của những tác phẩm cướp bóc thông thường chính là sự nâng đỡ của tình yêu tràn ngập trong phim. Người xem bị ấn tượng với chi tiết người tình của Al Pacino (Chris Sarandon) rất cần tiền để làm một cuộc phẫu thuật chuyển giới thành phụ nữ, và đây chính là động lực cho Pacino thực hiện vụ cướp táo tợn. Đây có vẻ như một phần nhỏ trong bộ phim, nhưng nó tô điểm cho toàn bộ nội dung tác phẩm một cách logic. Vì người mình yêu, liệu có điều gì chúng ta không thể làm?

8.     “Monster” (Quái vật)

Nhìn nhận một cách công bằng, chúng ta phải công nhận rằng không phải tất cả những người đồng tính nam hay đồng tính nữ đều là người tốt. Cũng như vậy, không phải tất cả những bộ phim về đề tài này đều đẹp và đáng yêu. Minh chứng rõ ràng phải kể tới là tác phẩm đầy nhức nhối về nhân vật Aileen Wuornos (do Charlize Theron thủ vai). 

Khó có thể nhận ra Theron trong bộ phim này, khi cô làm cho vai diễn sát thủ hàng loạt Wournos vốn đã kinh khủng nay lại càng đáng ghét và đáng sợ. Trong phim, mối quan hệ của nữ đồ tể Wuornos với Selby Wall (do Christina Ricci) lại gây cho khán giả những cảm xúc đặc biệt. Selby cũng là người duy nhất từng bày tỏ lòng tốt và tình cảm thực sự với Wuornos. Bộ phim miêu tả nhân vật “không còn gì để thương” do những tội ác họ gây nên, nhưng người xem vẫn cảm thấy ở đó một tình yêu chân thật. Tác phẩm này xứng đáng để xem, mặc dù chắc chắn không phải là một lựa chọn hay cho những người yếu tim hoặc những kẻ hay phán xét.

Ngoài các phim kể trên, danh sách những bộ phim về đề tài đồng tính còn rất dài. Nhưng sự điểm danh này phần nào phản ánh chặng đường của phim về cộng đồng LGBT trong lịch sử. Thực tế, tình yêu ở giới tính nào cũng đẹp, dù nó đổi bằng nước mắt hay nụ cười. Và khi tình yêu được sẻ chia một cách chân thực, nó xứng đáng được trân trọng. Lá cờ lục sắc đang tung bay ở xứ cờ hoa, có lẽ nó tôn vinh cho điều đó.

Bài: Ngọc King

Ảnh: Drew Dietsch/ Chud.com


logo



From the same category