Những bộ phim tuyệt hay để “ủ ấm” ngày đông buốt giá

Tiết đông lạnh giá, còn gì tuyệt vời hơn là được cuộn tròn trong chăn ấm, ủ tay bằng một cốc đồ uống nóng hổi và thưởng thức những tác phẩm điện ảnh xuất sắc lấy bối cảnh về chính mùa đông?

Phim mùa đông là bất cứ bộ phim nào khiến bạn cảm nhận được “hơi thở” của mùa đông: phim có tuyết, phim về kỳ nghỉ cuối năm, các môn thể thao mùa đông,… Những bộ phim được giới thiệu sau đây thuộc rất nhiều thể loại khác nhau, với vô số nhân vật và nội dung khác biệt, nhưng chúng đều có một điểm chung tuyệt vời: bối cảnh câu chuyện diễn ra vào mùa đông.

When Harry Met Sally… (1989)

“When Harry Met Sally…” là phim hài kịch lãng mạn của Hoa Kỳ, xoay quanh câu chuyện giữa Harry và Sally, từ lần gặp mặt đầu tiên của họ trong chuyến đi dọc đất nước cho đến mối quan hệ tình cảm của hai người tiếp diễn trong 12 năm sau đó ở New York. Phim đặt ra câu hỏi “Liệu phụ nữ và đàn ông có thể chỉ là bạn bè?” và đề cập đến nhiều ý tưởng về mối quan hệ tình cảm quen thuộc trong đời sống.

Theo dõi bộ phim, khán giả sẽ cùng hai nhân vật chính trải qua những lễ Giáng sinh bên nhau, hay những bữa tiệc đêm giao thừa cô đơn cứ lặp đi lặp lại,… cho đến khi họ quyết định kết thúc sự lẻ loi của mình. “When Harry Met Sally…” mang đến không khí của những ngày lễ cuối năm và nó thực sự là một trong những bộ phim hài lãng mạn hay nhất từng được thực hiện.

The Chronicles of Narnia: The Lion, the Witch, and the Wardrobe (2005)

Lấy bối cảnh tại một vùng đất có mùa đông kéo dài vĩnh cửu, “The Chronicles of Narnia: The Lion, the Witch, and the Wardrobe” dễ dàng trở thành một trong những phim đáng xem nhất trong những ngày giá lạnh. Bộ phim là phần đầu tiên trong series phim chuyển thể từ bộ truyện cùng tên nổi tiếng của nhà văn C. S. Lewis (đã xuất bản tại Việt Nam với tên gọi “Biên niên sử Narnia”). Phim kể về chuyến phiêu lưu của 4 anh em nhà Pevensie tại thế giới giả tưởng Narnia trong cuộc chiến chống lại mụ Phù Thủy Tuyết và đem mùa xuân trở lại với vùng đất này.

“The Chronicles of Narnia: The Lion, the Witch, and the Wardrobe” không chỉ là một tác phẩm điện ảnh dành cho thiếu nhi, mà nó còn hướng đến những tâm hồn người lớn luôn khao khát phiêu lưu và mơ mộng về thế giới phép thuật. Bộ phim đã “điện ảnh hóa” thành công vùng đất Narnia kỳ ảo mà tráng lệ, đem đến cho người xem những thước phim tuyệt đẹp về thiện – ác, tình yêu thương và phép màu của cuộc sống.

Let the Right One In (2008)

Bối cảnh của phim diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển), nơi mùa đông băng giá ngập tràn, và mọi cảnh phim đều chìm trong tuyết trắng. Cậu bé Oskar với cuộc sống cô độc, đã tình cờ gặp Eli, cô bé mới chuyển đến gần nhà luôn mang một nét gì đó bí ẩn. Từ khi cô bé chuyển đến, hàng loạt vụ án mạng liên tiếp xảy ra trong thành phố, nạn nhân thường bị treo ngược lên và cắt tiết. Càng thân thiết với Eli hơn, Oskar nhận ra tình cảm cậu dành cho cô còn lớn hơn tình bạn. Nhưng rồi, cậu phát hiện ra bí mật kinh khủng về thân thế của cô bạn.

Ra mắt cùng năm với một “hiện tượng” điện ảnh về ma cà rồng khác là “Twilight”, “Let the Right One In” không hề nhận được nhiều sự chú ý của công chúng. Bù lại, với sự công nhận từ giới chuyên môn cùng những giải thưởng điện ảnh danh giá, bộ phim đến từ Thụy Điển này đã trở thành một trong những phim về ma cà rồng đáng xem nhất mọi thời đại. Huyền bí, kinh dị, cô đơn và lạnh lẽo như chính gam màu tuyết trắng bao phủ lên từng khung hình, “Let the Right One In” đã kể một câu chuyện đau đớn theo cách vô cùng cảm xúc và nghệ thuật.

Frozen (2013)

“Frozen” chắc chắn là cái tên không còn xa lạ đối với người yêu điện ảnh. Câu chuyện về hành trình đi tìm chị gái của nàng công chúa Anna giữa mùa đông tuyết trắng đã trở thành “hiện tượng” văn hóa được yêu thích trên toàn thế giới. Bộ phim không chỉ cho ra đời bản hit “Let It Go” đình đám, mà nó còn là một câu chuyện đầy cảm xúc về tình cảm gia đình, một phép ẩn dụ mạnh mẽ về cuộc đấu tranh nội tâm và hành trình tìm kiếm bản ngã của những con người đang học cách trưởng thành. Bên cạnh đó, “Frozen” sở hữu kỹ xảo hình ảnh cực kỳ đắt giá, từng khung hình được vẽ tay tỉ mỉ, đem đến cho khán giả những thước phim chân thực, đẹp đến nao lòng về tuyết trắng và phép thuật.

Snowpiercer (2013)

“Snowpiercer” thuộc thể loại hành động, khoa học viễn tưởng, là sản phẩm hợp tác của hai nền điện ảnh Hàn Quốc và Cộng hòa Séc. Phim lấy bối cảnh thế giới năm 2031. Loài người cố gắng làm giảm sự nóng lên toàn cầu, nhưng lại vô tình khiến Trái Đất quay về Kỷ Băng Hà. Con tàu mang tên Snowpiercer với động cơ vĩnh cửu, chạy vòng quanh thế giới là hy vọng tồn tại cuối cùng của loài người. Nhưng trên con tàu ấy, sự phân cấp xã hội vẫn tiếp tục tồn tại. Chris Evans trong vai Curtis Everett, một trong những hành khách khốn cùng ở các toa tàu cuối, người đang lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại tầng lớp thượng lưu ở các toa tàu phía trên.

Là tác phẩm nói tiếng Anh đầu tiên của Bong Joon-ho – vị đạo diễn tài năng đứng sau thành công của “Parasite”, “Snowpiercer” đã nhận được sự hoan nghênh từ giới phê bình. Bộ phim khai thác sự xung đột giai cấp, những tính toán nhỏ nhen của con người ngay cả khi đang phải đứng trước sự diệt vong.

Carol (2015)

Therese Belivet, cô gái trẻ ở độ tuổi 20, đang làm nhân viên bán hàng trong một cửa hàng bách hóa ở Manhattan. Mùa đông năm đó, cô gặp gỡ với Carol, người phụ nữ sang trọng, quyến rũ bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không tình yêu. Một kết nối sâu sắc nhanh chóng được “nhen nhóm” lên giữa hai người phụ nữ. Và khi những chuẩn mực thông thường của thời đại bị thách thức bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của tình yêu, một câu chuyện cảm động về sự kiên cường của trái tim đã được bắt đầu.

“Carol” là một bộ phim ngập tràn những khoảng lặng, vì nó kể câu chuyện về tình yêu của hai người phụ nữ giữa một xã hội chưa thể chấp nhận chuyện tình đồng giới. Lặng lẽ, âm thầm mà khắc khoải, ngập tràn nhung nhớ cùng đau đớn, “Carol” đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp và mối tình ấm áp, dịu dàng giữa hai tâm hồn cô đơn.

Phantom Thread (2017)

Tại nước Anh những năm 1950, Reynolds là một nhà thiết kế danh tiếng, chỉ may đồ cho tầng lớp quý tộc và thượng lưu. Cùng với chị gái của mình, Reynolds đã xây dựng nên thương hiệu thời trang được nhiều người ao ước. Tuy nhiên, cuộc sống của người đàn ông khó tính nhanh chóng bị cô bồi bàn Alma đảo lộn. Trẻ trung, có ý chí mạnh mẽ, Alma dần trở thành “nàng thơ” cho những bộ trang phục tuyệt đẹp của Reynolds. Và mối quan hệ của họ sau đó dần đi xa hơn…

Không chỉ đơn thuần phô diễn quá trình tạo nên những thiết kế trang phục lộng lẫy, “Phantom Thread” còn đào sâu vào những suy tư về tình yêu, cũng như cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Reynolds và Alma, giữa họ không chỉ là sự kết nối trong tình yêu, mà còn tồn tại một “sợi chỉ vô hình” gắn kết họ trong suốt quá trình sáng tạo.


From the same category