Những bờ chiến tuyến nhạc Việt - Tạp chí Đẹp

Những bờ chiến tuyến nhạc Việt

MIX & MATCH

Khi ồn ào cãi vã khẩu chiến đến mức suýt ẩu đả, lúc thờ ơ âm ỉ chiến tranh lạnh, thi thoảng khiêu khích chọc tức cho… quê độ v.v và v.v.

Những ê-kíp của làng nhạc Việt đã thực thi những “chiến lược” như vậy với nhau trong những cuộc cạnh tranh không theo quy luật nào của một thị trường ca nhạc đầy bất ổn… 
 
Người làm nhạc và một phần người nghe nhạc ở Sài Gòn đều biết ê-kíp Quang Huy–Ưng Hoàng Phúc– H.A.T bị… ghét nhiều nhất, vì nhiều lý do: gây lắm scandal, ăn nói phát ngôn bừa bãi trịch thượng do cậy có “người nhà” ở Đài Truyền hình, cậy có tiền đi giành giật ca sĩ hay tự làm show truyền hình lăng-xê gà nhà …

Trong những người ghét “đội” này có không ít ca sĩ hay bầu sô ganh tị trước thành công thị trường nhanh chóng của Ưng Hoàng Phúc, cái đỉnh mà cả ê-kíp nhà ấy đạt được (có vẻ rất dễ dàng) luôn là ước mơ đau đáu của họ – những kẻ cạnh tranh.

Vậy là bắt đầu một cuộc chiến không tuyên bố, âm ỉ, ngấm ngầm, chỉ chờ bên này bên kia sơ hở là bị “tóm” bêu ra trước công luận cho mất mặt.

Vụ ầm ĩ giữa Thế Giới Giải Trí của “nhà Huy” với Nhạc Xanh “nhà Khánh” (tức Duy Khánh) quanh một chàng ca sĩ muốn “ly khai” chính là một trận địa để hai bên nã vào nhau những căm hờn.

Trước công luận là những lời lẽ khi cay đắng lúc nín nhịn (để lấy lòng dư luận), còn ở hậu trường thì khỏi nói, chắc chỉ tiếc là không thể “đập chết ăn thịt” được mà thôi.

Chiến tranh “nóng”  hay “lạnh” chẳng hay ho gì nhưng cũng giúp đời sống ca nhạc bớt buồn tẻ, nhất là trong lúc suy thoái như thế này. Cứ mãi luyến tiếc cái thời chưa xa, chẳng hề có khái niệm nhạc thị trường-nhạc nghệ thuật, chẳng có chành choẹ phe nhóm, chẳng cần tuyên ngôn này nọ mà âm nhạc vẫn thăng hoa.

Sự cố gần nhất cũng liên quan tới cuộc đấu đá ê-kíp là vụ Đan Trường và ông bầu tuyên bố bỏ không diễn đêm thứ hai trong một chương trình ca nhạc lớn dành cho học sinh, phần lớn là khán giả của những ca sĩ như Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc…

Nguyên nhân cũng chỉ vì “căm” nhà Thế Giới Giải Trí dám thông đồng với nhà tổ chức để được đôn lên hát trước, do đó mà được lọt vào khoảng thời gian có truyền hình trực tiếp.

Nếu nguyên nhân khách quan thì chuyện đã không ầm ĩ, nhưng với “phe” Hoàng Tuấn – Đan Trường việc đưa một đối thủ đáng ghét như Ưng Hoàng Phúc lên hát trước bất chấp thứ tự chương trình là việc làm không thể chấp nhận được.

Tiếc cho người “đứng giữa” đã không biết được có cuộc chiến ngầm của các phe phái mà hồn nhiên để chương trình của mình thành một bãi chiến trường mới để hai phe vừa chơi xỏ vừa bôi xấu nhau.
 
Ngày trước, ê-kíp Hoàng Tuấn-Đan Trường cũng từng bị ghét chẳng kém đội nhà Quang Huy-Ưng Hoàng Phúc ngày nay.

Ngày đó chuyện bầu bí cho ca sĩ còn hiếm hoi, lý thuyết hữu xạ tự nhiên hương đang thịnh hành, việc một người dồn sức biến không thành có như ông Hoàng Tuấn là cực hiếm, hiếm nữa là vì ông dám ra công khai, chứ bao nhiêu người lăng-xê ca sĩ chỉ dám nép đằng sau “gà” càng kín càng tốt.

Kẻ dám đi tiên phong lẽ ra phải được vỗ tay ủng hộ thì lại bị ghét, chỉ bởi loi choi đi trước, lại thành công, nên bị ganh tị. Vậy là các địch thủ của nhà Tuấn – Trường thi nhau tung tin thất thiệt về quan hệ ngoài công việc của cặp này, có khi là kiểu tung tin suy chuyện ta ra chuyện người (nhưng ta ở trong bóng tối không ai biết!).

Đồn mãi thành nhàm, giờ mà ai còn nói về chuyện đó dễ bị coi là… âm lịch.

Chuyện không nói nữa! Chuyện nói ở đây, ai cũng biết là nhóm Tuấn-Trường này có một thời không ưa gì nhóm Minh–Ly (tức Hữu Minh-Cẩm Ly). Ngày trước Đan Trường-Cẩm Ly đã từng dắt nhau lên đỉnh cao, thế rồi chỉ vì mấy chuyện cỏn con hát trước hát sau mà rồi các ông bầu ghét nhau, từng chỉ vào mặt nhau xỉa xói những lời chẳng ngọt ngào gì.

Ai cũng nghĩ thôi rồi, vậy là đi tong một cặp song ca mùi mẫn nhất nhì Sài Gòn. Thế rồi một ngày Cẩm Ly lại lên sân khấu hát song ca với Đan Trường, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra, cứ như thể bất chấp các ông bầu mà làm một cuộc hội ngộ Romeo-Juliet lâm li. Vậy là mối hận quá khứ gần kia được hiểu như một lần cả giận mất khôn, ông bầu giận nhau thì đừng trút lên ca sĩ, tội nghiệp!

Những chuyện ồn ào như vậy thường được khuếch đại mức độ bởi tin đồn mà một phần là báo chí. Chúng công khai và được coi như món không thể thiếu của nhạc thị trường giữa thời cạnh tranh.

Vì cãi cọ nhiều, vì đấu đá lắm nên người ngoài nhìn vào thường thấy sao cái “đám thị trường” này lắm chuyện, sao không noi gương “đám nghệ thuật” chăm chỉ làm việc và sáng tạo kìa?

Nhưng có thực là phe “sáng tạo” không có những chuyện như phe “thị trường” không? Có cả đấy, nhưng cách thức tiến hành thì khác nhiều, bởi vậy mới phân biệt được phe này phe kia.

Chẳng hạn giới làm nhạc Hà Nội không mấy người ưa nhóm của Lê Minh Sơn, cũng vì những nguyên nhân na ná như trường hợp nhà Quang Huy “thị trường”.

Trong lúc Lê Minh Sơn mải quay cuồng trong hào quang thì các “phe” khác chỉ ở ngoài nhìn vào cười khẩy, ra điều ta đây không chấp. Nếu hỏi Quốc Trung về nhạc Lê Minh Sơn và con đường mới của Thanh Lam, thường câu trả lời là “Không nghe!”, vậy còn hỏi được gì nữa.

Tất nhiên, những người lịch sự như Quốc Trung không bao giờ thể hiện sự không ưa của mình với bất cứ ai, nhưng việc không quan tâm một cách chủ ý là có, nhất là khi đã quá hiểu cái giá của vinh quang cộng với một tính cách thâm trầm.

Nhiều đồn thổi cho rằng khi Thanh Lam về với Lê Minh Sơn, Dương bị out khỏi tầm ngắm và chạy về với Quốc Trung. Cuộc chuyển dịch chéo này không bị để ý nhiều về quan hệ chuyên môn mà chỉ được nhắc đến như một dấu nghịch của nhà sản xuất.

Hỏi những người khác về cái nhóm lúc nào cũng “mất trật tự” tuyên bố ầm ĩ kia thì có khi là những câu trả lời đại loại như không nghe, không biết, không quan tâm, có khi chỉ là một nụ cười ý nhị, rằng đừng hỏi nữa, ai mà quan tâm đến mấy cái ồn ào ấy làm gì, việc mình mình làm.

Nếu tình huống khác đi, chẳng hạn Lê Minh Sơn khiêm tốn hơn hoặc không cần khiêm tốn chỉ cần biết mình thực sự đang là ai, làm được gì, thì có lẽ Thanh Lam đã không bị ghét lây mà mọi người sẽ không khó chịu khi nhắc đến cuộc hợp tác mới của cô. 

Cuối cùng thì những ê-kíp lặng lẽ nhất lại được việc nhất, chẳng cần phải tuyên bố rình rang như một cách tự lăng-xê và cũng là tự hạ thấp con người nghệ sĩ của mình.

Cứ như nhóm Anh Quân–Huy Tuấn-Mỹ Linh hay Đức Trí-Hồ Ngọc Hà thế mà lại hay, thị trường có phần cho tất cả mọi người, lãnh địa ai người ấy giữ, khỏi cần khiêu khích hay thách thức ai. 

Chiến tranh “nóng” như đám “thị trường” hay chiến tranh “lạnh” kiểu phe “nghệ thuật” kể ra chẳng hay ho gì nhưng có lẽ cũng giúp cho đời sống ca nhạc bớt phần buồn tẻ, nhất là trong lúc suy thoái như thế này. Những cãi cọ nảy lửa, những tuyên bố giật mình có khi lại giúp cho kho tàng tiếu lâm nghệ sĩ thêm phong phú.

Ai đau đời thì cứ mãi luyến tiếc cái thời chưa xa, thời chẳng hề có khái niệm nhạc thị trường, nhạc nghệ thuật, thời chẳng có chành choẹ phe nhóm, thời chẳng cần tuyên ngôn này nọ mà âm nhạc vẫn thăng hoa, thời không cần phải tỏ ra lập dị để tìm chỗ đứng riêng…

Thời ấy, tiếc là đã qua. Nó có quay lại hay không, chắc chỉ đợi lúc thanh bình, không chiến tranh, dù nóng hay lạnh./.

Thực hiện: depweb

08/08/2005, 16:56