Những biểu tượng nữ quyền mới - Tạp chí Đẹp

Những biểu tượng nữ quyền mới

Sống

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Emma Watson đã có một bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc cổ vũ cho phong trào HeforShe khiến cả thế giới xôn xao. Ngày 10/10, cô gái Malala Yousafzai đoạt giải Nobel Hòa bình đồng thời trở thành người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng cao quý này. Điểm chung lớn nhất của cô gái này là họ đang trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ để đấu tranh vì nữ quyền trên thế giới. 


Nữ diễn viên xinh đẹp Emma Watson

Trước khi bắt đầu lên tiếng vì quyền lợi của nhân loại, bản thân họ phải có sự chuẩn bị của riêng mình về học thức, uy tín cũng như sự can đảm. Emma Watson vốn được biết đến như một nữ diễn viên trẻ, thành công và đầy triển vọng của Hollywood. Vào ngày 25/5/2014, Emma đã tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn của Đại học Brown, cũng như tự mình đạt được “Chứng chỉ dạy yoga” như một sở thích cá nhân. Ngay từ năm 6 tuổi, Malala Yousafzai đã được đến trường, một điều vô cùng xa lạ đối với các bé gái Pakistan. Từ năm 11 tuổi, với sự can đảm hiếm có của một cô bé sống dưới chế độ cai trị Taliban, Malala đồng ý hợp tác với BBC viết blog và làm phim để mô tả cuộc sống của cô ngay tai thời điểm đó.

Thế nhưng, hai câu chuyện tuyệt vời được kể ra đồng thời cũng mang đến sự tức giận cho một bộ phận xã hội. Khi mà chỉ vài ngày sau khi Emma có bài phát biểu, một thông điệp mang tính đe dọa cao được chuyển đến cô với mục đích làm tổn hại đến danh dự của Emma. Hay tệ hơn – khi Malala bắt đầu nổi tiếng, Taliban quyết định ám sát cô. Vào tuổi 16, khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa, Malala phải chiến đấu từng ngày từng giờ với thần chết vì hai phát đạn trong đầu.


Malala Yousafzai cùng bố tại bệnh viện trong quá trình điều trị vào năm 2013.​

Rất nhiều người sẽ tự đặt hỏi động lực nào giúp Malala và Emma vượt qua được những thử thách – mà có lẽ, cả hai đã lường trước – để cất lên tiếng nói của mình? Điều may mắn lớn nhất của Malala có lẽ chính là việc cô có một gia đình tân tiến. Cha cô, ông Ziauddin Yousafzai là một giáo viên, từng đứng trên sân khấu của chương trình TED danh tiếng toàn cầu, kể về con gái và những quan niệm hà khắc áp đặt lên phụ nữ tại quê hương ông. Nơi việc sinh con gái là điều sỉ nhục, việc giáo dục hay có một công việc đối với nữ giới là điều cấm kị. Người cha này đã yêu quý con gái mình bình đẳng như những đứa con trai còn lại, cũng như cho phép cô đến trường. Ông nhìn thấy được cái vòng luẩn quẩn việc cấm kị lên nhiều thế hệ phụ nữ xung quanh mình cũng như áp lực tồi tệ của ảo tưởng danh dự đặt trên nam giới.

Đấu tranh nữ quyền nhiều năm trước đây là việc yêu cầu các quyền lợi cơ bản cho phụ nữ như bầu cử, giáo dục hoặc được phép phục vụ trong quân đội. Nhưng theo sự phát triển của xã hội, khi các quyền lợi cơ bản đã được giải quyết, những hậu quả của bất bình đẳng giới tính được chú trọng hơn nữa. Cùng quan điểm với Ziauddin Yousafzai, Emma Watson trong bài phát biểu đã đề cập rằng chính sự bất bình đẳng về giới tính này cũng gây nên những áp lực tâm lý vô hình cho nam giới.  Hệ quả của việc này ở Pakistan là sự mệt mỏi vất vả tột cùng của những người đàn ông khi phải đi ra ngoài kiếm tiền nuôi cả mẹ, chị em gái, vợ con; những người không được phép đi làm vì điều đó làm ô danh gia đình. Còn ở xã hội tân tiến phương Tây, hàng năm có nhiều trường hợp nam giới tự sát vì không chịu được các áp lực của xã hội quy định về trách nhiệm của đàn ông. Những nỗi lo sợ thay đổi đã làm cho nhiều người đàn ông mất đi cơ hội được san sẻ và giảm bớt áp lực trong cuộc sống.

Hành động ám sát của Taliban và tung tin nặc danh đe dọa đối với Emma chỉ là một phản ứng của một bộ phận nhỏ những người lo sợ sự thay đổi, sự thay đổi có thể khiến thế giới trở nên bình đẳng, văn minh và đáng sống hơn. Có thể vào thời điểm này, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới tính với hai đại diện tiêu biểu là Malala Yousafzai và Emma Watson còn gặp nhiều trở ngại. Nhưng dù kéo dài bao lâu, tốn nhiều công sức thế nào, thì đến cuối cùng, với niềm tin của rất nhiều người ủng hộ, cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng giới tính và tự do sẽ đạt được kết quả mong muốn. Xin khép lại bài viết này với gợi nhớ về phép màu đã xuất hiện ở vụ ám sát Malala khi cô vẫn sống sót dù phải trải qua một năm đau đớn trên giường bệnh và được tôn vinh như một biểu tượng toàn cầu.

Bài : Duy Uyên

Ảnh : surgerystars, southpawtracks, topix

logo

Thực hiện: depweb

22/10/2014, 15:23