Những biến động của 40 tuần thai nghén

Bắt nguồn từ xáo trộn của hệ thần kinh và nội tiết, việc mang thai sẽ khiến tất cả cơ quan, bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể khác hẳn so với bình thường. Nếu có ý định mang thai, bạn nên tìm hiểu kỹ về cuộc “đại cách tân” này thay vì chỉ mơ hồ “nghe người ta nói, khi có con sẽ…”

Cơ quan sinh dục “thay da đổi thịt”

“Khu vực” này là nơi ảnh hưởng trực tiếp vì cận kề “ngôi nhà” của thai nhi. Chúng có nhiều sự thay đổi lớn như:

– Thân tử cung: Nhất trong những cái nhất, không nơi nào trong cơ thể có sự biến đổi nhiều như thân tử cung. Bình thường, chiều rộng thân tử cung chỉ vỏn vẹn từ 6 – 8cm, khi bắt đầu mang thai đến cuối thai kỳ, nó có thể giãn rộng đến trên 32cm và trọng lượng có thể tăng gấp 20 lần.

Hình dáng của tử cung cũng có sự thay đổi ngoạn mục, phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Khi thai lớn, tử cung sẽ “chiều” theo tư thế của thai nhi bên trong nên có thể hình dáng giống hình trứng dọc (cực nhỏ ở dưới và cực to ở trên) để chuẩn bị “mặt bằng” tốt nhất cho sự ra đời của thai nhi.

– Âm đạo: Âm đạo sẽ dài ra và tăng tính axit để ngăn cản không cho mầm bệnh sinh sôi, xâm nhập.

 

Thay đổi trên phạm vi rộng

Sự thay đổi cũng đồng thời lan rộng đến những cơ quan, bộ phận khác.

– Vú: Hai tuần sau khi thụ tinh, vú và núm vú bắt đầu to ra và quầng vú sẫm màu hơn. Các tuyến dưới da (những hạt nhỏ) quanh quầng vú bắt đầu nổi to lên và tiết ra chất nhờn làm mềm da. Khi mang thai ngực nở nang và cũng nhạy cảm hơn, dễ bị đau khi đụng chạm.

– Hệ thống xương khớp: Khớp mu, khớp cùng và khớp cụt giãn và mềm ra, “hậu thuẫn” cho khung xương chậu dễ dàng rộng ra, giúp cuộc vượt cạn dễ dàng hơn. Chính sự giãn rộng này làm cho thai phụ thường cảm thấy đau, nhức mỏi.

– Da: Do sự thay đổi nội tiết nên ở mặt, nhất là ở hai bên gò má thường xuất hiện những đốm nám. Ở những phụ nữ mang thai lần đầu tiên, thành bụng có thể có những vết màu xanh sẫm do sắc tố sắt bị đọng lại. Thành bụng do giãn nở khiến da bị rạn nứt. Sau khi sinh, các vết rạn và các vết nám sẽ nhạt màu.

– Tóc: Xáo trộn của nội tiết có thể làm cho mái tóc có thể dày hơn, đẹp hơn nhưng cũng có thể yếu hơn, rụng nhiều tùy mỗi người. Bên cạnh nguyên nhân nội tiết, tâm lý và chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến mái tóc. Việc bổ sung thừa lượng vitamin cũng có thể là nguyên nhân khiến tóc yếu đi. Thường vào những tháng cuối thai kỳ, thai phụ bị rụng tóc nhiều là do tâm lý quá lo lắng, căng thẳng cho việc sinh nở.

 

– Hệ tuần hoàn: Đến cuối thai kỳ, thể tích máu có thể tăng khoảng 1.500ml. Lượng máu gia tăng đẩy cơ hoành lên cao khiến tim bè ngang và phải tăng cường hoạt động gấp đôi để đẩy máu đến nuôi các cơ quan nên thai phụ có cảm giác thở nông, nhanh, khó thở và mệt mỏi.

Khi mang thai, bạn không nên nằm ngửa, vì tử cung to sẽ chèn ép tĩnh mạch chủ làm máu chảy về tim gây chóng mặt, tụt huyết áp, có thể bị ngất. Ở những tháng cuối thai kỳ, hiện tượng ứ máu tĩnh mạch và sự gia tăng các yếu tố đông máu làm cho chân bị sưng phù. Kê chân cao khi nằm và ngồi là cách khắc phục tốt nhất.

– Răng miệng: Trong thai kỳ, nội tiết tố progesterone và estrogen tăng cao vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm nướu. Cộng với sự tuần hoàn máu tăng, hormone có tác dụng tăng sinh tế bào mạch máu làm cho nướu của thai phụ có khuynh hướng dễ chảy máu, dễ viêm nướu. Để hạn chế điều này, các bà mẹ nên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ và vệ sinh răng miệng thật tốt sau mỗi khi ăn.

– Hệ tiêu hóa: Tử cung to sẽ đề vào tĩnh mạch chủ dưới và làm phồng tĩnh mạch ở trực tràng, đại tràng là nguyên nhân khiến thai phụ bị táo bón, có thể bị trĩ. Trong ba tháng đầu, triệu chứng nghén thường “hành” thai phụ như ăn không tiêu, ngán ăn, nôn, buồn nôn. Có nhiều trường hợp bà mẹ thường xuyên túc trực trong toilet để kịp thời xử trí tình hình. Qua tháng thứ 4, thai phụ sẽ ăn uống bình thường trở lại.

– Hệ tiết niệu: Bà bầu thường đi tiểu nhiều, són tiểu khi gắng sức, cười to, hắt hơi… Nguyên nhân của điều này là do tử cung to, đè ép vào bàng quang. Ngoài ra, niệu quản (đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) giảm độ đàn hồi và trở nên cong queo khiến sự dẫn lưu nước tiểu kém đi khi thai phụ đi tiểu nhiều lần.

Khi bạn đón nhận thiên chức thiêng liêng cũng là lúc cả cơ thể bắt đầu một nhiệm vụ trọng đại biểu hiện qua hàng loạt những xáo trộn. Và tất nhiên không chỉ có người vợ, những ông bố tương lai cũng nên hiểu rõ hơn vấn đề của vợ mình để có những cách chăm sóc, quan tâm đúng nhất.

Tư vấn chuyên môn: TS.BS Phan Trung Hòa
Phó Trưởng khoa Sanh – Bệnh viện Từ Dũ

(Theo Sức khỏe)


From the same category