1. Năm học lớp 11 – mười bảy tuổi, tôi mới bắt đầu được học những câu thơ có chủ đề tình yêu để rồi phải làm những bài nghị luận văn học – một thể loại đáng chán nhất mà ngành giáo dục còn áp dụng cho đến bây giờ.
Đối với những cậu trai trẻ nông thôn chúng tôi, 17 tuổi còn cực kỳ “si ngốc” trong chuyện ái tình, (tôi cam đoan là còn kém hơn cả lũ oắt con 11 – 12 tuổi ở thành phố bây giờ), mặc dù đầu óc chúng tôi đầy những tưởng tượng lãng mạn về nó.
Chúng tôi học về văn thơ lãng mạn 30 – 45, học đến bài của “cụ” Xuân Diệu, có những câu như: “Ta muốn ôm… / Ta muốn riết mây bay và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…”.
Đại loại là sau một loạt câu thơ với tiết tấu dồn dập với những say, ôm, riết, hôn, bài thơ “chốt hạ” bằng câu: “Cho no nê thanh sắc của đời tươi/ Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.
Đến từ “cắn”, giọng thầy tôi có vẻ chùng xuống, riêng tôi thấy như có gì nóng ran ran trên mặt. Cái động từ “cắn” có vẻ bạo liệt quá.
Và dù ngây ngô chưa trải nghiệm về ái tình, nhưng chúng tôi theo bản năng, cũng cảm nhận được cái trạng thái phấn khích đến tuyệt đỉnh trong cái động từ ghê gớm ấy. Và chúng tôi chẳng biết “phân tích nghị luận” thế nào!
Rất may, thầy giáo dạy văn của chúng tôi đã rất “tâm lý”. Thầy dẫn ra lời của cụ Ăng ghen, rằng chính cụ cũng rất thích thơ tình của nhà thơ (hình như là bạn chiến đấu của cụ) và đã ca ngợi nó như biểu hiện của một thứ “nhục dục thật là lành mạnh và cường tráng”.
“Bài thơ này thể hiện một niềm ham sống mãnh liệt, một khát khao cháy bỏng về tình yêu, một nhục cảm thật là lành mạnh và cường tráng” – thầy tôi đọc cho chép như thế (chữ “nhục dục” chuyển thành “nhục cảm”, vừa giảm bớt được một “tông”, lại vừa tăng sự hoa mỹ), thầy còn trích dẫn lời của Biêlinxki – nhà phê bình vĩ đại người Nga – giễu cợt thứ thơ đạo đức giả của những nhà thơ “không có cơ quan sinh dục” (câu này thầy lấy trong sách Văn và học Văn của thầy Nguyễn Đăng Mạnh)…
Và chúng tôi giống như tìm được một cái phao cứu sinh đã “xài” lại cái từ đẹp đẽ và táo bạo “cụ” cộng sản Ăng ghen không biết bao nhiêu lần. Tổng cộng cá nhân tôi có lẽ đã dùng không dưới 20 lần (nhiều nhất là khi phân tích thơ Aragon – “lão già dê cụ” người Pháp) trong tất cả các bài văn nghị luận cho đến khi… tốt nghiệp đại học!
2. Bây giờ, đầu óc thanh niên thời @ đã tiêm nhiễm đến mức chán ngấy các cung bậc về sex: nào hình ảnh sex, phim sex, truyện người lớn, truyện khiêu dâm, truyện tranh hentai…
Đó là những thứ văn hóa phẩm ngoài luồng không đáng nói, nhưng ngay cả văn học nghệ thuật chính thống cũng không kiêng kỵ lắm về sex nữa, thậm chí còn có vẻ hơi thoáng so cả với… Tây! Bất chợt, tôi nhớ lại cái từ “nhục cảm lành mạnh”. Tìm một tác phẩm có “nhục cảm lành mạnh” để tặng nhau trong ngày Tình yêu năm nay, thơ, truyện, tranh, ảnh… đều được cả, xem chừng không dễ.
Trước hết nói về thơ. Thơ là thể hiện cái tình của con người – định nghĩa là như thế. Người làm nghệ thuật, cái tình thường “nặng” hơn người thường. Nhưng nặng mà không thoát ra được, vướng nhiều “tham, si, sân, hận” quá, cứ ám ảnh quẩn quanh mãi, thì thành ra “dâm”.
Nếu cái tình mà chân thật, tự trong lòng viết ra, không màu mè gì thì rất “tình củ”. (Thơ quốc phong của Kinh Thi – đó là những bài dân ca của nước Chu – được khen là “tình” mà không “dâm”, vì cái tình đoan chính, không thái quá do phong hóa chưa suy).
Cũng có những người thoát ra được sự ham hố của ái tình, để cho nó đi qua mà không giữ lại, để sống mà chiêm nghiệm nó, thì được coi là đắc đạo tình yêu – những người đó có thể viết/ vẽ ra những thứ giản dị như không mà làm tê tái lòng người, làm cho người đọc muốn sống cả nghìn năm mà hưởng thụ cuộc đời… Hạng nghệ sỹ ấy mới có thể sinh ra những tác phẩm mang “nhục cảm lành mạnh”:
“Như dây leo nồng nàn
Cánh tay anh quấn quýt
Bờ ngực em như tuyết
Đang tan dần trong anh”
(Thơ cổ Nhật Bản)
Lộng ngôn một chút như thế cho vui. Ngay bây giờ, tôi đột ngột hỏi bạn, đọc ngay cho tôi một câu, một bài thơ tình đắm say mà bạn thích nhất (chứ không phải thứ thơ “mực tím”), bạn sẽ trả lời sao? Tôi tự hỏi tôi câu đó, và sau đây là những câu tôi nhớ:
“Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa”
(Nguyễn Quang Thiều)
Trời ơi, bao nhiêu năm ta khắc khoải hình dung gương mặt em mà không sao nhớ được:
“Ta là chiếc lưỡi câu bị bỏ quên đau khổ
Chỉ chực run lên trước đôi môi em”
(Nguyễn Quang Thiều)
“Đang nâng niu cho tình nở hoa
Chợt bàng hoàng tới kỳ trăng trối
Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy
Bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay
Ta tìm nhau một đời, để mất nhau vài giờ”
(Lời bài hát – Trịnh Công Sơn)
Theo cách trắc nghiệm này thì Trịnh Công Sơn mới thực là “ông hoàng của thơ/ nhạc tình” ở Việt Nam. Tiếc rằng, tôi không nhớ được câu thơ tình nào của các nhà thơ nam (trẻ) đương đại – các chàng trai trẻ của chúng ta dường như đã quá già, họ đã chuyển từ sự ham hố ái tình sang ham hố triết học khi tuổi thanh xuân còn phơi phới.
Thơ họ trúc trắc, nhiều suy tưởng, triết lý, ở họ hầu như không có những vần thơ “tình củ” ngọt ngào… Lứa già hơn, nhất là các bậc “dối già” lại rất thịnh hành thơ “tán gái”.
Thơ họ đầy những lục bát áo dài, mắt lúng liếng dao cau, người ơi người ở đừng về (sao mà điệu đà, õng ẹo thế)… Tôi ít thấy họ miêu tả tình yêu với vợ – thứ “nhục cảm” với vợ đương nhiên là “nhục cảm thật là lành mạnh” rồi (còn cường tráng hay không thì không biết) – người vợ nào trong thơ họ thường cũng chỉ đến mức “tần tảo”, “nhường nhịn chồng con”, “thức khuya dậy sớm”… là hết – cảm tưởng như vợ họ đều là những phụ nữ tuổi mãn kinh vậy. Hóa ra câu thơ “tình củ” nhất tôi nhớ tiếp theo lại của một “cụ” nhà thơ dân tộc – Bạc Văn Ùi:
“Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin trên về ba ngày
…
Về ôm vợ hai đêm
Vợ tôi nó sẽ khen
Chồng em nên người giỏi”
Các nhà thơ nam của chúng ta, tiếc rằng luôn thể hiện một thứ ái tình nhợt nhạt, yếu đuối – một trong những nhà văn nam viết về ám ảnh tình dục có vẻ mạnh mẽ nhất, mà tôi biết, đó là Trần Huy Quang với “Nước mắt đỏ”.
Đó là một tiểu thuyết viết về nỗi thèm khát tình dục của một người phụ nữ – “tởm” nhất mà tôi từng đọc. Nó khiến tôi thấy ghê hơn là nảy sinh ra bất kỳ một cảm xúc nhân văn nào.
Hình như chính vì nghệ sỹ nam của ta “yếu” trong chủ đề ái tình, nên giới nữ lại vô cùng mạnh bạo, và chưa bao giờ thể hiện một sự “thỏa mãn”. Nhục cảm trong họ – nhất là thơ trẻ luôn tràn ngập:
“Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em
Làm Thế giới hóa lỏng”(1)
Vi Thùy Linh là người tiếp theo tôi nhớ sau Bạc Văn Ùi. Nhiều bài thơ đầy nhục cảm của Linh dường như không phải miêu tả tình yêu mà giống như một sự diễn dịch các triết lý của mình thông qua những hình tượng tình yêu, tình dục.
Linh chỉ mượn những ám tượng tình dục, cho nên đọc nhiều bài thơ của Linh, tôi thấy rất hay, nhưng tôi không gọi là thơ tình, vì tôi không thấy có “tình củ” ở trong đó.
Nhiều người chê thơ Linh quá tự nhiên, quá sex, nhưng tôi nghĩ ngược lại, Linh là nhà thơ cổ điển (hay tân – cổ điển – mượn chữ này của Lê Thiếu Nhơn) nhất trong những người làm thơ trẻ mà tôi biết. Cổ điển ở sự vững vàng trong cấu tứ, thi pháp, ở hình tượng thơ và ý tưởng – đôi khi quá đỗi thông minh. Trong khi nhiều nhà thơ tân kỳ khác mới chỉ “quậy phá” ở hình thức thơ, mà chưa truyền vào đó một nội dung tương xứng.
Thơ tình của người làm thơ trẻ bây giờ, nói là “dâm” thì cũng không đúng (làm gì có nhiều tình đến mức dâm!). Cảm tưởng như trong một sự bế tắc muốn nổi loạn, người ta nổi loạn bằng cách phô bày bản năng của mình:
“Chiếc chiếu sờn lòng giữa/ Em save anh vào document tử cung/ Trét lên tường những gam màu bò cái/ Trong mơ… / Anh đốt đồng cỏ… tảng lờ hơi sữa/ Bức tranh về ánh sáng nhân loại/ Tòng teng trên lưng thằng gù/ Ô sổ trời chực mở/ Bào thai rắn rớt… nhầy nhụa bàn phím/ Hình dung anh cắn phải lưỡi khi làm tình” (“Đăng cai” – Lynh Barcadi) (2)
Và những câu đầy “tham, si, sân, hận”, chưa thoát lên được thành câu thơ:
“Nứt nẻ khóe môi
Đã lâu không vồ vập răng lưỡi”
(“Nằm nghiêng” – Phan Huyền Thư) (3)
“Con này cởi áo quần nhanh lắm/ Không phải bạ ai cũng vén miệng tụt lời/ Yêu đương thì phải giữ gìn/ Vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút/ Ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha” (“Thị Mầu 1997” – Phan Huyền Thư) (4)
Viết đến đây tôi muốn kể lại cho bạn một câu chuyện cười. Viên sỹ quan muốn khơi dậy tinh thần yêu nước của binh sĩ, bèn hỏi anh lính:
“Nhìn hai hòn đảo nhấp nhô kia, anh nghĩ tới điều gì?”. “Đàn bà” – anh lính trả lời. “Thế còn con tàu kia?” – viên sỹ quan hỏi tiếp. “Cũng đàn bà, thưa sếp”. “Cái gì? Tại sao anh lại liên tưởng ra đàn bà” – viên sỹ quan gắt gỏng. “Bởi lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến đàn bà, sếp ạ!”.
Câu chuyện này có thể áp dụng sang các nhà thơ, nhà văn viết về sex.
3. Khi các bài báo phải giật tít: “Phim X, phim Y nhiều cảnh nóng”, khi các nhà quản lý phải vò đầu bứt tai về việc nên quy định được phép “hở” bao nhiêu % ngực, đùi của diễn viên… khi các đạo diễn phải tìm mọi cách để lồng vào phim các cảnh tắm táp, vũ trường, gái nhảy, cave, đồng tính… để hút khách thì chỉ chứng tỏ họ và công chúng của họ đang có một “nhục cảm yếu đuối”. Sự thèm khát sex làm cho họ thật đáng thương.
Phim nước ngoài, như phim Mỹ chẳng hạn, không hạn chế sex, cho nên họ có thể đem sex, đồng tính ra mà giễu cợt, chứ không phải úp úp mở mở, kín kín hở hở với những cảnh tắm táp, vuốt ve, quằn quại đầy thèm thuồng… như ở phim ta.
Đời sống và nghệ thuật Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng tình dục – cuộc cách mạng mà thế giới đã trải qua từ những năm 60 của thế kỷ trước – nếu quả thực phán đoán trên của tôi là đúng, thì sức ảnh hưởng của nó là vô cùng lớn vì sự tiếp tay của phương tiện internet và băng đĩa lậu – nhưng phải trải qua giai đoạn này thì người ta mới thoát ra được những ám ảnh về nó.
“Khi người ta tranh cãi, tôi lặng im đi tắm, và giở thân thể mình ra ngắm.
Xin chào mỗi cơ quan, mỗi thuộc tính của người tôi, và của bất cứ ai có lòng trong sạch.
Không một mẩu nào, một chút xíu nào là hạ tiện và kém thân thương so với phần còn lại trong người.”
(“Bài hát chính tôi”, Walt Whitman, 1819 – 1892)
Nhìn “cụ” Whitman từ thời “cổ điển” đã “khỏa thân” trong thơ một cách điềm tĩnh mà không kém phần trí tuệ như thế – mới thấy “khổ thân” cho các nghệ sỹ trẻ và các nhà phê bình của chúng ta, đến tận thế kỷ 21, vẫn cứ loay hoay bàn bạc tranh cãi xem chủ đề sex là cao quý hay thấp hèn, là mục đích hay là phương tiện của nghệ thuật…
Đây chính là lúc chúng ta cần đến hướng đến một thứ “nhục cảm lành mạnh” trong đời thường cũng như trong nghệ thuật.
Trong khi việc tìm kiếm sex trở nên quá dễ dàng; trong khi việc phổ biến dùng bao cao su (BCS) đã vào tận các trường học, trong khi những biển hiệu quảng cáo BCS đầy rẫy trên đường phố với những câu slogan táo bạo như: “An toàn từng nhịp tình yêu”, “Khỏe như lực sỹ mà lại nhạy cảm”… thì triển lãm ảnh nude nghệ thuật của Thái Phiên lại bị nghi ngại. Đó là chỗ lúng túng của nhà quản lý.
Nhưng theo tôi, Thái Phiên cũng chưa phải là đã “đắc đạo” nude. Nude của Thái Phiên còn nhiều “tham, si, sân, hận” lắm: những thân thể ngọc ngà trinh trắng chụp trong suối sâu, rừng vắng, hay trong studio mờ ảo, là ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp thân thể đàn bà.
Nhưng “Trong mê tình chỉ là tình/ Tỉnh ra mới biết trong tình có dâm”. Trái lại, trong một cuộc triển lãm nhiếp ảnh quốc tế tại Việt Nam năm 2007, tôi rất ấn tượng với một bức ảnh của một tác giả không nhớ là Ấn Độ hay Nepal, bức ảnh có thể nói là hơi dâm: một căn phòng bừa bộn, người đàn ông nằm ngủ trong trạng thái thỏa mãn, còn người phụ nữ (chắc là vợ) thì ngồi dậy cặp tóc, áo ngực trễ nải – đương nhiên, người xem hình dung ngay ra cái cảnh sau ái ân, hoan lạc.
Nhưng cái dâm ấy lại bị vượt lên bởi cảm xúc ấm áp rất “tình củ” của vợ chồng nhà người ta: “Trong mê, dâm chỉ là dâm / Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình”.
Hóa ra 4 câu thơ trên của “vua chó” Bảo Sinh mà tôi nhớ để kết thúc bài viết này lại là những câu thơ mang “nhục cảm thật là lành mạnh và cường tráng”.
(1), (2), (3), (4): Các khổ thơ này trích từ tư liệu của Trần Hoàng Thiên Kim.
Tiểu Phương |