Nhu cầu ăn của con không phải do mẹ quyết định - Tạp chí Đẹp

Nhu cầu ăn của con không phải do mẹ quyết định

Sống

Chuyên đề “Và mẹ đã lớn lên như thế, cùng con”

Làm mẹ là một công việc vô cùng khó, mà lại không có thời kỳ “thực tập”. Vì thế mà mẹ cũng có nhiều lúc “sa lầy” vào những quan niệm sai lầm. Nhưng, cùng với quá trình trưởng thành của con, mẹ đã học được những bài học cho riêng mình. Và, mẹ đã lớn lên như thế, cùng con.

>> Ăn dặm không phải là để “nhồi” dưỡng chất cho con

>> Nhu cầu ăn của con không phải do mẹ quyết định

>> Ăn dặm thế nào cho … sung sướng?

Khi chưa có răng thì không thể nhai

Xét theo lý thuyết, ai cũng đều biết răng là để nhai. Nhưng không phải cứ chưa có răng là sẽ không nhai được. Suy diễn như vậy hoàn toàn không thực tiễn chút nào. Mẹ cho My bú tí, thấy lúc 3 tháng tuổi My đã có một lực nghiến rất mạnh. Các bà mẹ xung quanh hầu hết cũng đều than thở rằng con họ dù chưa mọc một chiếc răng nào, vậy mà hai hàm lợi đã có thể nghiến vú mẹ đau trào nước mắt, có khi bầm tím. Mẹ còn thử cho My tập bú bình, lúc My đang muốn ăn, bố thử rút ra, vậy là My cắn hai hàm lợi vào núm bình cao su chặt đến mức bố phải bất ngờ. Bố bảo, phải gồng cơ bắp lên mà vẫn không “chiến đấu” được với cái “hợp tác xã toàn lợi” của My. Điều ấy chứng minh, phản xạ nhai xuất hiện từ trước khi em bé được mọc răng. Và dù chưa có răng hay chưa đủ răng thì cơ hàm vẫn có thể nghiền thức ăn tương đối tốt. Cũng có nghĩa là: việc xay nhuyễn thức ăn, rồi trộn chung lại, với hi vọng cho trẻ “dễ tiêu” là một việc hoàn toàn trái quy luật tự nhiên!

Xay rồi trộn, xay rồi trộn là quy trình nhà nào cũng áp dụng cho bé mà không hay biết rằng, nó toàn hoàn trái với quy luật tự nhiên

Sau này, những tài liệu mẹ đọc được từ những người bạn tốt bụng của mình đã củng cố hơn nữa lòng tin này cho mẹ. Hàng ngày, chứng kiến việc làm trái quy luật và chỉ duy nhất Việt Nam mới có, là xay, nghiền nhuyễn thức ăn rồi trộn chung lại – gia đình nào cũng dùng chiếc máy xay như một thứ bảo bối, xay nhuyễn tất cả những gì dành cho con trẻ, mẹ thấy rất buồn. Việc làm ấy chính là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, khiến cho nhà nào nuôi trẻ con cũng đều than thở: sao chúng lười ăn thế. Ấy là vì phản xạ nhai, nghiến bị thủ tiêu mất rồi. Chưa kể đến việc đứa trẻ còn nảy sinh tâm lý ức chế vì mỏi hàm, ngứa lợi mà không hề được thoải mái với cái bản năng nghiến ngấu – bản năng mà bà mẹ tự nhiên đã mất rất nhiều công xây dựng và gìn giữ cho con người qua hàng trăm nghìn đời tiến hóa.

Trẻ rất ưa thích các vị ngon nguyên bản – khác hẳn cách mà người lớn hình dung

Trẻ nhỏ có cảm giác về vị ngon khác hẳn chúng ta. Không khó hiểu khi nhiều em bé thích ăn cơm không và ăn rau, thịt luộc. Trải qua thời gian, trong khi chúng ta tìm cách trộn lẫn, tăng giảm, nêm nếm và càng ngày càng khiến các món ăn đi xa với hương vị ban đầu, thì trẻ nhỏ luôn thích hương vị nguyên thủy. Điều này dễ hiểu hiển nhiên y như việc: với trẻ, sữa mẹ là ngon nhất, dù chẳng hề pha thêm đường. Đặc biệt với vùng khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, các món rau củ quả nguyên chất, chế biến đơn giản như luộc, hấp… luôn cần được ưu tiên nhiều hơn so với xào, ninh, nấu. Vì vậy mẹ rất tránh việc nấu món ăn của My trong nước xương hay nước luộc thịt. Làm thế My ăn rất nhanh ngán và về sau không còn cảm nhận được vị ngọt của rau và củ.

Những món ăn giữ được hương vị tự nhiên sẽ làm trẻ thích thú
 

Đây là một thứ bản năng tồn tại được tự nhiên lập trình, giúp trẻ dễ dàng thích nghi và lớn lên trong cả những điều kiện khó khăn, sơ sài nhất. Đồng thời, các dưỡng chất được bảo tồn nguyên vẹn qua chế biến giản đơn cũng dễ dàng được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa hơn là việc chế biến cầu kỳ. Chính chúng ta đã làm phức tạp hóa vấn đề lên bằng việc luôn mong đứa trẻ ăn được nhiều, thật nhiều, nhiều về số lượng (bát càng to càng tốt) và nhiều về chất lượng (trộn lẫn thêm càng đủ thứ thập cẩm vào càng hay) nên chúng ta đã cố gắng thúc ép trẻ phải ăn. Khi thúc ép không thành công, chúng ta quyết định phải xay nhuyễn và nhồi nhét trẻ.

Ăn nhuyễn thường xuyên và kéo dài: nguy hiểm hơn chúng ta hình dung

Theo cách suy diễn chưa có răng thì không thể nhai, nhiều người còn một mực tin rằng dạ dày trẻ sẽ đau và viêm loét nếu chúng ta không xay nhuyễn thức ăn cho trẻ. Thật ra, dạ dày “khôn” hơn chúng ta hình dung. Hầu hết các bà mẹ dũng cảm đi theo phương pháp mới trong việc ăn dặm của con đều thấy con “out put” nguyên hạt ngô, nguyên miếng cà rốt, đậu, đỗ trong phân… Chuyện này không có gì đáng lo, thậm chí đáng mừng, bởi vì dạ dày đã nhận biết rằng nó không đủ sức “chiến đấu” với đối thủ to lớn đó, và nó thảnh thơi đào thải ra ngoài. Không có chuyện dạ dày “làm cố” và bị viêm loét ở đây.

Ngược lại, chứng viêm loét dạ dày lại bắt nguồn từ việc dạ dày phải tiêu hóa quá lâu một dạng thức ăn xay nhuyễn. Khi chúng ta cố công lừa cho trẻ há mồm rồi nhét bột/cháo vào miệng, trẻ hoàn toàn thụ động, bỗng nhiên thấy có thức ăn và nó vội vàng nuốt mà không hiểu lí do gì. Trẻ không có cảm giác về bữa ăn, không hiểu mẹ đang làm gì với nó. Nuốt nhanh khiến não không phát ra tín hiệu chỉ huy dạ dày làm việc. Cộng thêm dạ dày không có phản xạ tiết dịch vị. Vậy nên chỗ thức ăn được nghiền nhuyễn lại trở thành gánh nặng, “ậm ạch khó tiêu” đã gây ra dư axit. Lâu dài, chính là nguyên nhân gây đau dạ dày.

Trào ngược thực quản (biểu hiện ở mức nhẹ là nôn, trớ) sau khi bố mẹ ép con ăn cháo/bột cũng có nguyên nhân từ việc thực ăn xay nhuyễn. Qua một thời gian không hình thành phản xạ co bóp, không tiết ra dịch vị, dạ dày đã không làm đúng chứng năng của nó, trẻ lại phải tiếp nhận thức ăn thụ động, thậm chí chán ghét và sợ hãi, đến mức não nhận định cái “thứ” cha mẹ vừa nhét vào miệng trẻ là một thứ độc tố cần được đào thải. Vậy nên trung khu nôn ở não chỉ đạo dạ dày và thực quản đẩy tất cả ra ngoài.

Trong một số ngày nhất định, trẻ không cần ăn, chỉ cần uống nước vẫn hoạt động bình thường

Chuyện này nghe thật khó tin. Nhưng đó là sự thật. Không hiếm các ông bố bà mẹ nói rằng nếu họ không thúc ép, mắng mỏ, thì con họ có thể nhởn nhơ chơi cả ngày mà không ăn gì. Họ nghĩ, nếu tiếp tục duy trì sự biếng ăn ấy, trẻ sẽ suy dinh dưỡng hoặc đột quỵ! Sự lo lắng này là thái quá. Trẻ sống bằng bản năng nhiều hơn các lí do tâm lý, nên khi cơ thể thật sự không cần, còn tích trữ đủ năng lượng để hoạt động, có nghĩa là trẻ sẽ không cần ăn, và cha mẹ đừng cố công can thiệp.

Trong một số ngày, My chẳng chịu ăn mà chỉ … nghịch thức ăn thôi

Cơ thể trẻ em dưới 6 tuổi cũng chỉ mang trọng lượng chưa đến 1/2 người lớn. Với cơ thể ấy, mức năng lượng trẻ cần để hoạt động, tự nhấc chính mình lên đương nhiên sẽ ít hơn người lớn nhiều lần. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên nếu có những hôm em bé chẳng ăn gì, thậm chí không uống sữa, chỉ duy trì nước lọc mà không đói.

Nhìn chung, khi được tôn trọng cơ chế tự nhiên, cơ thể trẻ sẽ lại sớm điều chỉnh sang một giai đoạn mới, có thể vẫn ăn ít, có thể sẽ ăn nhiều, có thể sẽ thiếu từ 0.5 – 1kg so với chuẩn cân nặng. Cha mẹ cũng chỉ nên coi đây là một giai đoạn tạm thời. Thiếu cân không phải là bệnh tật, càng không phải là đã rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nên tuyệt đối không diễn đạt đao to búa lớn rằng đó là sự “dọa suy dinh dưỡng” như nhiều người vẫn trầm trọng hóa vấn đề, nhất là trên các bảng chiều cao cân nặng đi kèm quảng cáo của các hãng sữa trẻ em.

Trẻ em không phải là phiên bản thu nhỏ của người lớn. Các bé có nhu cầu cá nhân và khả năng phát triển tự thân riêng biệt, không phải do người lớn quy định. Chúng ta cần phải tôn trọng cơ chế tự nhiên của trẻ, không nên áp đặt nhu cầu của bản thân mình lên trẻ. Mẹ đã ngẫm và thấm thía được điều này trong chính quá trình ăn dặm của My.

Bài: Trúc An
logo

 

Sữa thực chất là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ dưới 1 tuổi, ăn dặm chỉ là phụ, không phải để “nhồi” dưỡng chất

Hãy gửi cho chúng tôi những tâm sự của bạn về chuyện gia đình, chăm sóc con cái tại đây, và đừng quên theo dõi những ý kiến chia sẻ của độc giả với bạn trên Đẹp Online nhé. 

Thực hiện: depweb

27/05/2014, 15:09