Theo đó, mỗi năm trên thế giới có khoảng một triệu người chết vì tự tử. Số ca tự tử tăng 60% so với 50 năm trước. Ở Việt Nam, tự tử là vấn đề chưa có sự quan tâm thỏa đáng và là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết. Thanh niên từ 15 – 24 tuổi là nhóm có ý định tự tử cao nhất, trong đó tỷ lệ nữ cao gấp hai lần so với nam.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống. Bà Vân Anh, người sáng lập PCP cho biết, phần lớn người tự tử là những người bình thường, chỉ có một số ít được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần. Những cảm giác lo sợ, bất an, trầm cảm kéo dài là yếu tố cảnh báo cho suy nghĩ tự tử, tuy nhiên, phần lớn người xung quanh chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để ngăn ngừa nhóm trẻ tự tử cần xây dựng các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè trên tinh thần bình đẳng, cởi mở, đồng thời thay đổi quan niệm xã hội về những vấn đề nhạy cảm như trinh tiết, bạo lực gia đình… PCP cũng cho rằng, báo chí cần nâng cao công tác truyền thông về vấn đề này. Thống kê của trung tâm cho thấy, 95% tiêu đề bài báo là giật gân, 43% đưa hiện trường tự tử, 44% mô tả tường tận phương thức tự tử và 91% lý giải một cách đơn giản về hành vi tự tử.
Theo Phụ nữ TP