“Tối nay mình có đơn hàng sang Cầu Giấy (lấy hàng ở Trần Nhân Tông), hàng gọn nhẹ 5 kg, giá ship 20.000 đồng. Ai chạy được thì nhận nào”. Một mẩu rao vặt ngắn trên diễn đàn mạng được tung lên lập tức thu hút 5, 6 người vào bình luận và nhận việc. Thậm chí có người còn “phá giá thị trường” khi cam kết hoàn thành xong trong buổi tối chỉ với 15.000 đồng.
Những người trên làm công việc đang khá “hot” trong cộng đồng mua sắm online là chuyển hàng thuê, mà dân trong nghề gọi là “shipper”. Do chủ hàng bán trên mạng và thường phải chuyển hàng đến nhà khách, họ cần đến sự trợ giúp của đội ngũ những người vận chuyển. Thông thường, khi thuê shipper là người lạ, chủ hàng sẽ yêu cầu người vận chuyển đặt cọc lại tiền hàng. Sau khi chuyển xong, shipper sẽ được nhận lại tiền cọc kèm theo tiền công.
“Nghề này vất vả hơn cả xe ôm mà thù lao thì bèo bọt”, Hải, cựu sinh viên một trường Cao đẳng ngành điện nói. Tuy thu nhập thấp nhưng tranh thủ lúc thất nghiệp, Hải vẫn tranh thủ chạy để kiếm thêm chút tiền.
Giao hàng tận nơi cho khách, những shipper này làm công việc vất vả hơn xe ôm nhưng thù lao lại thấp. Ảnh: TB
Với mỗi đơn hàng, shipper nhận từ 15.000 đến 30.000 đồng, tùy khoảng cách và hàng hóa vận chuyển. Khác với xe ôm, shipper không chỉ chuyên chở mà còn tốn nhiều công sức cho việc tìm nhà khách hàng, chờ đợi, mất tiền gọi điện thoại cho khách.
“Nhiều trường hợp em gọi giục đến 3 cú điện thoại mà khách vẫn chưa xuống nhận hàng, tính thêm cả tiền xăng nữa thì chả còn được bao nhiêu”, Hải than thở. Chưa hết, Hải còn gặp nhiều tình huống oái oăm như giao đến chung cư cao tầng, gọi khách không được nên phải gửi xe mất 5.000 đồng rồi hì hục khuân hàng lên. “Đến nhà rồi nhưng khách từ chối không lấy nữa, em lại phải mang hàng về trả cho người bán. Tất nhiên thù lao vẫn được nhận nhưng công sức bỏ ra cũng quá tội”, Hải than.
Một tai nạn khác mà shipper nào cũng sợ hãi, đó là gặp phải chủ hàng lừa đảo. Một shipper kể kinh nghiệm của mình trên diễn đàn mua sắm cho mọi người tránh: “Thay vì gọi em đến nhà hoặc cửa hàng đến nhận đồ, người bán này lại hẹn em ở ngoài đường. Như thường lệ em phải đặt lại tiền cọc bằng trị giá gói hàng rồi đến nhà khách. Tuy nhiên đến nơi em mới thấy là địa chỉ giả, gọi lại cho người bán thì điện thoại đã ò í e”.
Tiền công bèo bọt lại gặp nhiều nguy cơ, nhưng giữa thời buổi việc ít người nhiều, đội ngũ shipper cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn. Chuyện giành giật mối làm ăn diễn ra thường xuyên. Do đó, nhiều shipper phải xoay xở bằng cách tụ tập lại thành nhóm, vừa hỗ trợ nhau trong công việc, cũng tạo uy tín trên cộng đồng mua bán online để có thêm mối hàng. Nhiều người cố gắng nhận nhiều mối hàng một lúc trên cùng một khu vực để “tăng gia” và cũng giảm thiểu chi phí xăng xe.
Chưa hết, giá xăng tăng liên tục nhưng giá thuê vận chuyển vẫn giẫm chân tại chỗ nên nhiều người quay sang chuyển hàng bằng xe đạp. Trên diễn đàn lamchame, một nhóm sinh viên tự lập ra đội shipper xe đạp đang tạo được khá nhiều uy tín. Quyền, thành viên của nhóm shipper nói trên cho biết mình từng tham gia hành trình tình nguyện đạp xe từ Hà Nội vào Cà Mau nên không “ngán” việc đi hàng chục km mỗi ngày. “Buổi sáng đi học, buổi chiều và tối em tranh thủ làm shipper lúc rảnh cũng kiếm được hơn triệu bạc mỗi tháng”, Quyền chia sẻ.
Bên cạnh các shipper tự do, nhiều người chọn cách làm việc cho một chủ hàng để có mối làm ăn ổn định. Tuy nhiên, đổi lại công việc lại khá vất vả. Nhật Tân là một sinh viên tại chức tại trường Đại học Thương mại. Ngoài buổi tối đi học, toàn bộ thời gian ban ngày Tân dành để làm shipper cho một cửa hàng bán hải sản online khá nổi tiếng.
“Lúc đầu, chị chủ hàng bảo làm giờ hành chính, thế nhưng cứ mỗi ngày chị tăng thời gian lên một chút, bây giờ có hôm em đi từ sáng tới 7h tối mới chuyển xong hàng”, Tân than thở. Mức lương của Tân từ ngày bắt đầu làm đến nay không đổi ở mức 3 triệu đồng mỗi tháng, kể cả xăng xe. Do vất vả mà lương thấp nên cậu sinh viên này đang định sang tháng sẽ xin nghỉ để tìm công việc khác khá khẩm hơn. “Tuy nhiên thời buổi bây giờ, việc bán sức lao động chẳng dễ dàng chút nào”, Tân cho biết.