Trong một phần cuộc đời rong ruổi trên nhiều mảnh đất của tổ quốc, tôi đã nếm qua không biết bao nhiêu món ăn với sự hứng thú, hay có khi là cả sự… ép mình theo phép lịch sự để cố “thưởng thức” cho hết món ăn. Để rồi tôi chắc rằng, không có một món dân dã nào lại đẹp, đầy màu sắc và om đủ vị ngọt, ngậy, chua, cay như mì Quảng!
Lấy đũa trộn vài chục sợi mì vàng ươm màu nghệ, lại dày và to (hơn sợi phở) vào đám nước dùng loánh quánh màu đỏ của hạt điều, của những vị ngọt là nước thịt, nước tôm, trứng chim cút, là thơm ngậy vị lạc rang, mới thấy vẻ đẹp bề ngoài dễ quyễn rũ đến mức nào!
Mì Quảng không ngập nước dùng, mà theo cách phát âm của người Quảng Nam là nước “nhưng” (nước nhân). Mì Quảng chỉ sền sệt một vị nước “nhưng” với vài con tôm, một hai quả trứng, những miếng thịt nửa nạc nửa mỡ còn nguyên bì được om nhừ.
Nhưng chỉ ăn như thế thì chưa đúng vị của món miền Trung. Ẩm thực của dải đất hẹp và dài nhất Tổ quốc thế nào cũng có thêm giá sống.
Ăn man mát, mà ai tinh ý sẽ thấy cả vị tanh tanh nhưng hấp dẫn của những cọng giá trắng ngần, béo múp.
Nếu Thanh Hóa nổi tiếng với rau má, món Huế the the với rau bạc hà, rau diếp cá, thì Đà Nẵng lại xoắn xuýt với đám rau húng, rau thơm, rau răm, bắp chuối thái mỏng và rau cải (hoặc rau muống) thái nhỏ.
Chừng ấy thứ có sẵn ở trong bát mì đang háo hức chờ được thưởng thức, thêm thìa ớt đỏ và miếng chanh tươi để rồi xuýt xoa, rồi lại hút chùn chụt từng sợi mì!
Có lẽ chưa có một cách thức chế biến nào lại khiến con tôm hấp dẫn đến thế. Nó không bị che đi vẻ bề ngoài bằng lớp bột rán giòn ngậy mỡ, mà được ươm trong nước “nhưng” đậm đà của nước hạt điều, của ớt, tỏi, hành tây. Vì thế, con tôm cứ đỏ au, bóng bẩy và thơm mùi hành – mỡ – tỏi.
Tôi nghiệm ra một điều từ khi ăn bún bò Huế rằng, hành tây mà om với nhân của nước dùng, thế nào cũng cho ra một hương vị rất đậm đà mà theo nguyên liệu nó om cùng, sẽ cho ra các vị đặc trưng khác nhau.
Ăn mì Quảng còn có cái thú được ăn kèm với những miếng bánh tráng (mỏng hơn bánh đa miền Bắc) bẻ rối, có khi là đám vụn giòn giòn, có khi là cả miếng to bằng 1/5 lòng bàn tay.
Thêm cả đám lạc giã rối, ăn kèm chút rau sống được chan đều nước “nhưng” và tương ớt, chỉ thế thôi cũng đủ nét thú vị làm nên một món ăn chơi chơi.
Nghe cô chủ gánh hàng rong tự nhận là con gái xứ Quảng nên quyết bán món mì Quảng đúng chất. Để những ai có dịp nếm thử món mì Quảng cô làm, sẽ thấy cả hồn thơ và nét văn hóa ẩm thực của đất Quảng Nam trong đó.
Không quá cầu kỳ về nguyên liệu và tinh tế trong cách chế biến, nhưng phong phú về hương vị và nhất là mang đúng phong cách của người dân Quảng, phơi phới những nét phóng khoáng, màu sắc trong cách hưởng thụ.
Và phải chăng vì ham ưa màu sắc nên có những ba sắc màu của mì Quảng: màu đen ánh tím của nếp cẩm, màu trắng của những ngày mùa có gạo ngon và màu vàng đặc trưng được ngâm từ nước cốt củ nghệ.
Có “search” mòn tay trên Google cũng không tìm nổi món mì Quảng trên đất Hà Thành. Vì thế, đành phải mường tượng lại mà thôi, chứ có nổi hứng đến mấy cũng không dám vào bếp vì cách làm quá phức tạp và lâu công đối với gã đàn ông như tôi.
Và vì thế, cứ mỗi lần xem lại ảnh đi Quảng Nam về, tôi lại chẳng dám nhìn món mì Quảng thật lâu!
Việt Huy |