Đương nhiên, lẫn vào đó là run run ngây ngất nụ hôn đầu, là thê thảm bàng hoàng lần chia tay cuối. Rồi bờ hồ loang sương sớm, rồi ngõ nhỏ giăng mưa phùn. Giữa hầm hập nắng nóng ba chín bốn mươi độ, nhỡ cầm phải “thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng ở cái đoạn “có ai nằm nhớ lại Hà Nội ngày nào, vào những lúc trời se sắt, mưa dầm dề gió lê thê như thế, thỉnh thoảng ở giữa đường lại có một anh chàng mặc áo tơi, đội mũ mốt săng, đi ghệt, ngậm ống điếu lang thang một mình như đang nghĩ thơ không” (Sđd-NXB Văn Học, Trang 211), thì tự nhiên bỗng lập cập rét, vội vàng mở tủ lấy cái “bu dông” nồng mùi băng phiến ra mặc.
Để những nỗi nhớ lẻ kết tụ lại thành nhoi nhói hoài niệm rồi bền vững thành bơ vơ ký ức thì cái cảm xúc quá vãng ấy phải cực kỳ độc. Quả thật, tiết lập đông ở Hà Nội độc đáo đẹp vô chừng. Mây lững lờ nhẹ xám, nao nao như không muốn trôi vì bị mặt nước sông Hồng buồn bã neo lại. Những tán cây của tất cả các loại cây, đều bơn bớt xanh chầm chậm vơi lá. Ở những công viên hay vườn hoa lớn như Bách Thảo như Chí Linh hay Cột Cờ, từng xấp lá phảng phất vàng bị gió loay hoay đẩy chấp chới xuống đùa mặt cỏ. Ghế đá thưa người làm vài ba cặp vụng trộm ngoại tình có tuổi ôm nhau lâu hơn, chân thành hơn, tử tế hơn. Hình như đâu đó đã có một thời, người Hà Nội chống rét bằng cách âu yếm yêu nhau.
Ở vài mươi năm trước, người Hà Nội hầu như không ai nói là rét hại, cái lạnh mùa đông thường được gọi rét đậm hoặc rét ngọt. Cái ngọt và đậm ấy đã làm nên cái cô đơn kiêu sa của bếp lò nhỏ than hoa chả cá, làm nên cái đầm ấm bình dị của bát phở đêm. Nhớ quá. Bởi chợt có buổi tối đơn côi tha hương nào đấy, một mình lòng trống ngồi quán có “đề co” kiểu văn nghệ ở Sài Gòn. Rồi vô tình nghe gã nghệ sĩ xa nhà gốc Hàng Bạc buộc tóc đuôi gà thổi saxophone bài “Đêm Đông”, tự nhiên thấy thèm chả cá Lã Vọng hay bát phở ngõ nhỏ Tạm Thương kinh khủng. Thậm chí thèm tới mức khi bỗng gặp mấy “đi va” mấy á hậu hay siêu mẫu đi vào thì cồn cào chỉ ngửi thấy sực nức từ các nàng những là mùi hành hoa những là mùi gừng mùi nghệ.
Ngoài văn hóa ăn mà đã được đủ loại đàn ông tham ăn khắp nước sành điệu công nhận, thì xa xưa mùa đông bao cấp Hà Nội cũng có một văn hóa mặc rất riêng biệt. Cho dù là đồng phục vỏ áo bông xanh công nhân, cho dù là quân phục đồng loạt màu bộ đội thì những chàng và nàng mặc nó trông cũng rất khác. Hoặc “mơi” buông một nút khuy ngực, hoặc lơi lả phanh hết cúc khoe cái áo len ghi sáng bó sát bên trong. Ngay trước những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên, ở bất cứ ô cửa sổ nào, kể cả dọc phố cổ cũ kỹ hay các khu tập thể mới xây, cũng đều thấp thoáng vài dáng phụ nữ ngồi đan. Bọn họ ngồi đan áo len hoặc cho mình (nếu là nhà kha khá), hoặc gia công làm thêm cho một tổ hợp tác xã nào đó. Những ngón tay mềm mại như có mắt, thoắt lên thoắt xuống. Có những tay cự phách thì chỉ cần một buổi chiều là có thể xong một thân áo người lớn. Những người đan giỏi nhất thường là những thiếu phụ, khoảng tuổi ba nhăm bốn nhăm. Ở bọn họ vừa có sự dẻo tay của người chưa già, vừa có sự tinh luyện của người không còn trẻ. Bọn họ quây quần cả đám, đa phần buôn chuyện thời sự nhờ hóng hớt qua đài, đôi khi cũng có nàng cậy giọng trong, thầm thì tự hát.
Và tất nhiên, lãng mạn nhất là những thiếu phụ ngồi đan một mình. “Giữa chiều lạnh. Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ… Không thở dài, không mỉm cười… Lòng chị đang tràn đầy lòng tin hay ngờ vực. Không một lần chị ngẩng lên… Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu. Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng…” (Ý Nhi). Đây là trích đoạn bài thơ khét tiếng ở thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, khi mà hầu hết thiếu phụ Hà thành còn biết đan. Bài thơ được rất nhiều trung niên mặc áo len thuộc, vì chịu chẳng biết nàng thiếu phụ của mùa đông đấy đoan trang hay lẳng lơ, đang mông lung nghĩ về chồng hay về người tình. Đại loại nó linh tinh phức tạp y như cuộn len rối. Bây giờ chiều đông Hà Nội đã tuyệt truyền hết hẳn cái kiểu thiếu phụ tinh tế ngồi đan lưỡng lự kiểu ấy. Bên cửa sổ chỉ còn những nàng tinh tướng mặt phẳng phiu, tay thoăn thoắt, mồm say mê há hốc chơi facebook.
Mùa đông miền Bắc còn làm nhiều thiếu phụ bỗng dưng thấy buồn, một nỗi buồn trầm đẹp xót xa tủi thân man mác. Khác hẳn bọn đàn ông dung tục khử sầu bằng rượu, đa phần các thiếu phụ đều kiêu sang khử buồn bằng thơ. Nhờ cái hiu hắt lạnh nồng nàn nữ tính, thơ về mùa đông của họ thường tuyệt hay, nói chung hơn hẳn thơ về đủ loại mùa của đám mày râu tự hoang tưởng mình là đệ nhất thi sĩ. “Dường như ai đi ngang cửa. Gió mùa đông bắc se lòng. Chút lá thu vàng đã rụng. Chiều nay cũng bỏ ta đi… Làm sao về lại mùa đông. Mùa thu cây cầu đã gẫy. Thôi đành ru lòng mình vậy. Vờ như mùa đông đã về”. Thiếu phụ làm đoản thi kiệt tác này cũng đã bỏ mùa đông đi rồi. Thế nhưng những mùa đông Bắc Việt sẽ còn miên viễn nhớ chị.
Có điều lạ, hình như trời càng lạnh người ta càng dễ bốc hỏa yêu nhau. Khi vài đợt gió se se đầu mùa vừa dịu dàng chạm tới sông Hồng, thì cả Hà Nội háo hức lên đồng trôi vào mùa cưới. Rất nhiều chàng trai lương thiện đang lưỡng lự rút dát yêu bỗng thăng hoa thành cả quyết, lâng lâng nhắm mắt buông mình tự rơi vào hôn nhân.
Có phải vậy chăng mà hầu hết những tay chồng hôm nay đang bất hạnh, đều cay đắng khi bị ai đó nhắc về mùa đông.
Bài: Nguyễn Việt Hà