“Coi vậy chớ trái tim đâu có già!”
Nhắc đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người yêu nhạc ông sẽ nhớ ngay đến ca khúc phơi phới, tràn đầy lạc quan như tâm hồn ông: “Cuộc đời vẫn đẹp sao!” (thơ Dương Hương Ly). Sinh thời, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người nhẹ nhàng, tình cảm, thông minh, sâu sắc và cực kỳ hóm hỉnh. Cho nên, có thể quá khi viết câu hát ấy trở thành phương châm sống của ông. Bởi, những gì cứng nhắc không thuộc về Phan Huỳnh Điểu.
Nguồn ảnh: VTC
Người ta ca hát, vẽ tranh, viết văn, sáng tác nhạc,… để được là mình nhất. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng vậy. Và trong khoảng trời “được là mình” ấy, người ta thấy âm nhạc Phan Huỳnh Điểu cũng như cách sống của ông luôn vút lên cái tinh thần “cuộc đời vẫn đẹp sao” tự nhiên như nhiên nhất. Không gắng gượng, không thét gào. Nhạc Phan Huỳnh Điểu dịu dàng, sâu lắng, nhớ mong, tha thiết nhưng không bao giờ có nét buồn thương, bi lụy. Âm nhạc của ông trau chuốt, giàu hình tượng mà gần gũi và dễ đi vào lòng người.
“… Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể thiên nhiên mang nhiều thương tích/ Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/ Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngàn…”
Gặp nhạc sĩ, bao giờ cũng thấy thường trực trên môi ông là nụ cười hiền hậu, ánh mắt lúc nào cũng hấp háy niềm vui. Có lần, phóng viên mạo muội hỏi, ông không có bản nhạc buồn nào sao? Ông cười: “Tôi viết dở nhiều ca khúc, cũng có ca khúc chưa công bố nhưng không nói đến những thất vọng trong tình yêu. Không phải vì tôi chưa từng trải qua những cuộc tình dang dở, cũng không phải là tôi không biết buồn… tình. Có lúc tôi buồn lắm chứ, buồn muốn chết đi. Nhưng rồi mục đích viết nhạc của mình là gì? Khi ta buồn khổ hay thất vọng, có lẽ ta muốn được thấy những gì lạc quan hơn, tích cực hơn. Nghĩ vậy nên tôi không viết về những gì gây thất vọng, mang nhiều u buồn.”
Vậy nên, khi 90 tuổi, lưng đã còng, chân đã mỏi, mắt đã mờ, râu tóc đã bạc trắng nhưng đặc biệt sự dí dỏm, vui tươi, hóm hỉnh chưa bao giờ rời bỏ ông. Ông ngồi ghế giám khảo “Tiếng hát mãi xanh”, khán giả và cả thí sinh, ai cũng thương ông, cũng mong được gặp để coi bữa nay ông nói gì. Cô bạn đồng nghiệp tôi có lần đến thăm nhạc sĩ tại nhà riêng, kể, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mê bóng đá và xem không sót trận nào của World Cup. Chẳng những theo dõi, sau mỗi trận, ông còn lọ mọ ghi lại tỉ số từng trận vào một cuốn sổ nhỏ!
Theo lời kể của nhạc sĩ Trần Nhật Vy, cách đây độ 10 năm, khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (lúc đó đã 80 tuổi) còn bon bon chạy con cup 80 cũ mèm tới Hội Âm nhạc thành phố, anh em trong hội hết hồn. Thương nhạc sĩ, mọi người xúm vô “cấm” ông chạy xe máy. Nhạc sĩ cười hở nguyên hàm răng: “Coi vậy chớ trái tim đâu có già!”
Nguồn ảnh: tổng hợp tư liệu từ internet
Nhạc sĩ của tình yêu
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng tâm sự: “Cuộc đời mà không có tình yêu thì còn gì mà nói! Nhưng tình yêu này không nhất thiết phải là tình yêu nam nữ. Thử hỏi không có đất nước, không có giang sơn này, chúng ta biết… đứng ở đâu mà yêu nhau, đúng không?”
Với chất men ấy, xuyên suốt trong những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tình yêu trở thành điểm cốt lõi, giúp người ta vững tin chiến đấu, hăng say lao động. Tình yêu đôi lứa, hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước. Dù ông viết về anh pháo binh đang mùa hành quân thì vẫn cháy lên ngọn lửa của trái tim yêu thương: “Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau…” Hay dù viết về những người công nhân còn đi xây nhiều nhà khắp nơi thì cũng phải có: “Lòng anh bỗng thấy càng thương nhớ em/ Dù xa nhau trọn ngày đêm, anh càng yêu em, xây cho nhà cao cao mãi…”
Tình yêu tạo cho con người động lực, niềm hứng khởi vô bờ cũng như đã thắp lên trong lòng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngọn lửa sáng ấm trong mọi hoàn cảnh, như thể ông đã bị thần tình yêu bắn một mũi tên “trúng tim”.
Hơn phân nửa nhạc phẩm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được phổ từ những bài thơ lắng lòng người và đi sâu vào ký ức của biết bao thế hệ trước cũng như rung động những trái tim trẻ tuổi hôm nay. “Thơ tình cuối mùa thu” thiết tha, “Ở hai đầu nỗi nhớ” da diết, “Sợi nhớ sợi thương” quay quắt, “Thuyền và biển” nồng nàn, mênh mông,…
Và còn, rất rất nhiều bài hát, từ hành khúc đến nhạc thiếu nhi mà bất kỳ ca sĩ nhạc đỏ, nhạc trữ tình hoặc cô bé cậu bé nào cũng muốn một lần thử sức như: “Đoàn giải phóng quân”, “Bóng cây kơ nia”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Trầu cau”, “Quê tôi ở miền Nam”, “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”, “Những em bé ngoan”,…
Viết nhạc từ năm 16 tuổi bằng sự hồn nhiên, chân chất, cho đến những năm tháng cuối đời, cái chất ấy vẫn vẹn nguyên trong từng lời ca, giai điệu, trong những sáng tác mới nhất và trong tâm hồn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ông vẫn không dừng sáng tác. Không ngừng tranh thủ những giây phút khỏe khoắn hiếm hoi ghi lại những rung động thiết tha với cuộc đời và con người. Trái tim dịu dàng ấy giờ đây đã ngừng đập, nụ cười lạc quan đã thôi nở, theo quy luật của tạo hóa.
Nhưng, tình yêu một nhân cách sống, yêu những ca khúc của ông vẫn ở lại!
Bài: Hoàng Linh Lan