Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do bộ này tổ chức ngày 20.8 ở Hà Nội rằng: “Thuốc nội vẫn lép vế trên sân nhà vì người dân chuộng thuốc ngoại”.
Bác sĩ thích kê thuốc ngoại vì hoa hồng cao
DS Nguyễn Văn Mô, phó tổng giám đốc chất lượng, công ty cổ phần SX–TM dược phẩm Đông Nam cho hay, tại Việt Nam gần 62% chi phí cho thuốc là mua thuốc ngoại nhập (tại bệnh viện tuyến Trung ương con số này lên tới hơn 88%).
Sở dĩ thuốc nội vẫn ít được bác sĩ và bệnh nhân lựa chọn vì những nguyên cũ mèm, đó là: không chứng minh được hiệu quả điều trị của thuốc nội; công tác tiếp thị, quảng cáo dở hơn các công ty dược nước ngoài; và nguyên nhân sâu xa là người dân tin tưởng gần như tuyệt đối vào bác sĩ, trong khi bác sĩ lại thích kê toa thuốc ngoại vì được trích hoa hồng cao hơn (hoa hồng kê toa cho một hộp thuốc ngoại bằng 10 – 15 hộp thuốc nội).
Do đó, DS Mô cho rằng, để cải thiện thị trường thuốc nội, Nhà nước cần cho doanh nghiệp sản xuất dược nâng mức quảng cáo lên trên 10% (hiện tại khống chế mức trần quảng cáo 10%, gây khó khăn cho doanh nghiệp). Đồng thời, các công ty dược và ngành y tế cần thông tin cho người dân hiểu sử dụng thuốc nội tương đương, tốt như thế nào, và phải chứng minh hiệu quả điều trị cho bác sĩ thấy. “Nếu không thay đổi quyết liệt thì 4 – 5 năm sau thuốc Việt vẫn thua trên sân nhà”, DS Mô cảnh báo.
Nắm bắt được tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng nên các công ty dược cũng không ngại ngần chi hoa hồng mạnh tay cho bác sĩ khi kê đơn. Do vậy, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa thuốc nội với bác sĩ, vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào bác sĩ.
Một thực tế khác cũng cho thấy, cơ chế nhà nước cấp số đăng ký visa cho mặt hàng dược phẩm từ nước ngoài vào quá nhiều và rẻ, không nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều số đăng ký ảo để chiếm chỗ.
Muốn dùng thuốc nội nhưng không có
Một bác sĩ trưởng khoa ngoại tim mạch của một bệnh viện lớn (xin được giấu tên) cho biết, việc dùng thuốc nội ai cũng ủng hộ nhưng nhiều khi kê đơn, bệnh nhân xuống mua ở quầy thuốc của bệnh viện không có, kể cả thuốc bổ. Chẳng hạn, Coetonyl – thuốc nhỏ miệng cho bệnh nhân tim trước đây có trong danh mục của bảo hiểm y tế nhưng nay đã bị cắt, nhà thuốc của bệnh viện cũng không bán.
BS Trần Anh Tuấn, giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, bệnh nhân mắt đa số dùng thuốc nhỏ, nhưng thuốc nội không đa dạng và cũ kỹ, nhiều thuốc điều trị không có như thuốc chống viêm, chống dị ứng, nước mắt nhân tạo. Riêng về thuốc nhỏ mắt, thị trường Việt Nam chỉ có 5 – 6 loại, các bác sĩ nhớ được từng tên thuốc và hãng nào sản xuất, còn thuốc ngoại đa dạng không thể nhớ được các mặt hàng. Trong khi đó, theo BS Nguyễn Hữu Tùng, tổng giám đốc tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Việt Nam có nhiều công ty dược nhưng không có công nghệ sản xuất tiên tiến, nên chỉ sao chép và sản xuất thuốc cũ của nước ngoài, trùng lắp nhau.
Đến thời điểm này, dù bộ Y tế biết được nguyên nhân vì sao thuốc nội bị lép vế, nhưng cũng không đưa ra được một biện pháp cụ thể nào để giải quyết. Thời gian qua, số vụ bác sĩ ăn chia hoa hồng bị phanh phui, xử lý cũng không đáng kể. Ngay trong đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” đang được bộ Y tế hoàn thiện, mục tiêu đến năm 2015 thuốc sản xuất trong nước chiếm 60% nhu cầu sử dụng, cũng không đưa ra được giải pháp nào cụ thể chấn chỉnh tình trạng đã được “bắt bệnh”.
Khảo sát tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước so với thuốc nhập khẩu tại 1.018 bệnh viện công lập cho thấy, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được dùng chỉ chiếm 38,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước so với thuốc ngoại nhập sử dụng tại 34 bệnh viện trung ương còn thấp hơn rất nhiều, chỉ chiếm 11,9%. Tương tự, tỷ lệ tại 307 bệnh viện tỉnh/thành phố chiếm 33,9%. Tại tuyến huyện, tỷ lệ này khá hơn một chút với tổng trị giá tiền mua thuốc sản xuất trong nước của 559 bệnh viện tuyến này chiếm 61,6%. |
Theo SGTT